Thứ Tư, 16/11/2016, 13:48 (GMT+7)
.
Góc khuất lao động nghề biển

Bài 1: Thiếu hụt lao động

Bài 1: Thiếu hụt lao động
Bài cuối: Để nghề biển phát triển bền vững

Những năm qua, nghề khai thác hải sản của tỉnh đã có những bước phát triển, nhiều phương tiện được nâng cấp, đóng mới, hiện đại hóa các trang thiết bị máy móc… Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực đó, nghề biển hiện nay phát sinh những vấn đề như: Thiếu hụt lao động, ngư dân quỵt tiền hay trình độ lao động còn hạn chế…

Thiếu hụt lao động là một trong những vấn đề của nghề khai thác hải sản.
Thiếu hụt lao động là một trong những vấn đề của nghề khai thác hải sản.

Nghề khai thác hải sản của tỉnh đã phát triển từ nhiều năm nay, chủ yếu là cha truyền con nối. Những năm gần đây, tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển đang diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước và ở tỉnh ta cũng không phải là ngoại lệ.

ĐỎ MẮT TÌM “BẠN”

Một số chủ tàu cá cho biết, sau mỗi chuyến đánh bắt trở về, ngư dân (thường gọi là “bạn ghe”) trên tàu của họ cứ thay đổi liên tục. Do vậy, nhiều chủ tàu phải chạy đôn chạy đáo để tìm “bạn ghe” cho những chuyến biển tiếp theo.

Đang chuẩn bị nước đá cho chuyến ra khơi dài ngày nhưng ông Phan Văn Triều (ngụ ấp Chợ, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) luôn ở trong trạng thái thắc thỏm do vẫn chưa tìm được đủ số “bạn ghe”. Chiếc tàu lưới kéo của gia đình ông mỗi chuyến ra khơi phải cần 7 lao động để đáp ứng được số lượng công việc trên biển. Người “bạn ghe” vừa được “cò” giới thiệu đã ứng của ông 22 triệu đồng nhưng vẫn chưa liên lạc được.

Phía kế bên, 2 chiếc tàu lưới kéo của cô Lê Thị Loan (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) vừa nhổ neo xuất phát. Để có đủ số “bạn ghe”, cô Loan phải “chạy xuôi chạy ngược” tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được. Bí bách, cô Loan phải nhờ tới “cò” mới có thể tìm được “bạn ghe” cho chuyến biển. Theo cô Loan, thiếu “bạn” là tình hình chung của nhiều chủ tàu hiện nay. “Bây giờ, mình cần bạn chứ bạn không cần mình” - cô Loan bộc bạch.

Nhận định về tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển, ông Nguyễn Phúc Luân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Lao động làm việc trên tàu cá (đi bạn) là một nghề vất vả, xa gia đình, thường xuyên đối mặt với tình hình thời tiết bất lợi, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi thu nhập lại không ổn định.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp mở ra ngày càng nhiều, thu hút nhiều lao động phổ thông, thu nhập lại ổn định hơn nghề “đi bạn”. Vì vậy, có sự chuyển dịch lao động trong lĩnh vực khai thác hải sản sang làm việc trong các khu công nghiệp hoặc tìm công việc khác trên đất liền. Hơn nữa, những năm gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách đóng tàu mới, nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ. Số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung tăng lên cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sự khan hiếm lao động trong lĩnh vực khai thác hải sản.

Nghề biển là một nghề vất vả, nặng nhọc, thế nên “bạn ghe” thường cân nhắc lựa chọn những tàu đánh bắt đạt năng suất để đi bạn.
Nghề biển là một nghề vất vả, nặng nhọc, thế nên “bạn ghe” thường cân nhắc lựa chọn những tàu đánh bắt đạt năng suất để đi bạn.

“THẮC THỎM LO “BẠN” QUỴT TIỀN

Hiện nay, có một vấn đề khiến nhiều chủ tàu không khỏi lo lắng đó là tình trạng “bạn ghe” quỵt tiền. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay khiến nhiều chủ tàu cảm thấy bất an. Trước khi khởi hành một chuyến biển, một số ngư dân thường hay mượn tiền chủ tàu để đưa cho gia đình trang trải cuộc sống. Số tiền mà chủ tàu cho mượn thông thường từ 5 - 15 triệu đồng cho một chuyến biển khoảng 3 tháng. Tuy nhiên, có một số trường hợp ngư dân mượn tiền hứa sẽ “đi bạn” cho chủ nhưng tới khi xuất hành lại không đi. Một số trường hợp làm được khoảng một thời gian nhưng không làm tiếp mà đi nhờ tàu dịch vụ hậu cần để trở về đất liền hoặc chuyển sang “đi bạn” cho tàu khác.

Ông Phan Văn Triều bày tỏ: “Trong vòng 4 - 5 năm nay, tàu của tôi bị “bạn ghe” quỵt tiền nhiều lần, mỗi đợt từ 5 - 10 triệu đồng. Hiện nay, để tìm được người đi bạn, chúng tôi phải nhờ “cò” tìm giúp. Chính điều này mà có những người từ nơi khác đến mình không biết nhà cửa nên rất dễ xảy ra tình trạng quỵt tiền. Chúng tôi mong muốn chính quyền tìm hướng giải quyết để giúp chúng tôi yên tâm làm ăn”.
Một trường hợp khác cũng bị ngư dân quỵt tiền đó là ông Đoàn Văn Tuấn (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) bị 2 ngư dân quỵt tiền 30 triệu đồng. Ông Tuấn cho biết: “Vừa qua, tôi mới cho 2 người “bạn ghe” mượn 30 triệu đồng, nhưng đến khi tàu khởi hành họ lại không đến đi biển cho mình. Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị quỵt tiền. Tôi mong mỏi Nhà nước làm sao giải quyết vấn đề này để tụi tui yên tâm bám biển”.

Trên đây chỉ là một trong những trường hợp chủ tàu bị “bạn ghe” quỵt tiền. Cũng có một số trường hợp “bạn ghe” khi trở về đất liền sẽ trả lại số tiền đã mượn, một số lấy luôn không trả lại. Sở dĩ tình trạng “bạn ghe” quỵt tiền khá phổ biến là do giữa chủ tàu và ngư dân không có hợp đồng lao động trong những chuyến đánh bắt, hợp đồng chủ yếu được thỏa thuận bằng miệng. Chính điều này mà khi xảy ra tình trạng “bạn ghe” quỵt tiền, chủ tàu đến cơ quan chức năng trình báo nhưng khó giải quyết được do không có cơ sở pháp lý nào chứng minh có sự trao và nhận tiền giữa 2 bên.

Theo UBND thị trấn Vàm Láng, đa phần những “cò bạn ghe” đều là xe ôm. Hiện nay, các chủ tàu cá khó tìm được bạn để đi biển nên phải nhờ đến những người này. Do những người này thường xuyên tiếp xúc, chở ngư dân đi biển về nên khi cần họ sẽ giới thiệu cho chủ tàu với một mức hoa hồng. Được biết, mức giá giới thiệu mỗi  “bạn ghe” cho chủ tàu hiện nay dao động từ 500.000  -  700.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Phúc Luân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nghề khai thác hải sản của tỉnh phần lớn là cha truyền con nối, gắn liền với tập quán của địa phương. Việc chủ tàu ứng trước tiền cho “bạn ghe” trước chuyến đi biển là một việc làm tốt đẹp nhằm giúp cho “bạn ghe” mua sắm các vật dụng cần thiết cho chuyến biển cũng như lo cho vợ con ở lại đất liền đảm bảo cuộc sống. Việc này đã có từ lâu, dựa trên thỏa thuận miệng giữa chủ tàu và “bạn ghe”. Tuy nhiên, trong tình hình khan hiếm “bạn ghe” như hiện nay, việc làm này đã bị các “bạn ghe” lợi dụng.

Cũng theo ông Nguyễn Phúc Luân, tình trạng “bạn ghe” ứng tiền trước của chủ tàu nhưng không đi biển hoặc đi cho tàu cá khác đã xảy ra từ nhiều năm nay. Trước đây, Hội Nghề cá, Sở Thủy sản (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng với các ngành có liên quan và các chủ tàu cá họp bàn để tháo gỡ. Trong đó, có đề xuất giữ giấy chứng minh nhân dân (CMND) của “bạn ghe”, các chủ tàu cá phải ký hợp đồng lao động với “bạn ghe”. Tuy nhiên, vẫn không giải quyết được triệt để vấn đề trên.

Nguyên nhân là do “bạn ghe” sẵn sàng bỏ giấy CMND; các “bạn ghe” không đồng ý ký hợp đồng lao động. Chủ tàu kiên quyết đòi ký hợp đồng lao động thì “bạn ghe” bỏ sang tàu cá khác. Các chủ tàu cá vì cần đủ “bạn ghe” để ra khơi nên đành chấp nhận không ký hợp đồng lao động.

THÀNH LONG
(Còn tiếp)

Dễ nảy sinh mâu thuẫn

Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm cuộc sống của một ngư dân thực thụ khi mưu sinh giữa trùng khơi. Giữa đại dương mênh mông, con tàu thật nhỏ bé trước sự bao la của biển cả. Chiếc tàu mà chúng tôi đi thuộc loại “tốt” so với những chiếc tàu đánh bắt xa bờ khác. Thế nhưng, không gian trên tàu rất chật chội, chỗ ngủ của những anh em ngư dân rộng chưa đầy 10 m2, cao chừng 1 m nhưng chứa đầy vật dụng. Anh em ngư dân từ nhiều nơi khác đến cùng “đi bạn” chung một con tàu, ăn uống, ngủ, nghỉ cùng nhau. Cuộc sống tập thể ít nhiều cũng nảy sinh những bất đồng nhất là đối với môi trường làm việc vất vả trên biển. Tình trạng ngư dân xô xát, cự cãi khi đánh bắt trên biển xảy ra khá phổ biến.

Ngoài xô xát, cự cãi giữa ngư dân với nhau, tình trạng ngư dân quậy phá, phá hoại tài sản cũng là một vấn đề đáng đề cập. Anh Đặng Thanh Nhân (khu phố Lăng II, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông), tài cải tàu TG 92945TS kể lại: “Cách nay hơn 2 tháng, con tàu mà tôi chịu trách nhiệm tài cải (phụ trách máy móc) đang hoạt động ở ngư trường Nam Côn Sơn. Tàu của chúng tôi đánh bắt được hơn 1 tháng thì chuyện bắt đầu xảy ra. Lúc này, trên tàu có 2 “bạn ghe” thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn không chịu làm, những “bạn ghe” còn lại phải ra sức làm thay. Sau nhiều lần nhậu nhẹt say sưa, 2 “bạn ghe” này mới bắt đầu quậy phá rồi đốt lưới cào, bẻ dù định vị quăng xuống biển. Sau đó, họ đi nhờ tàu dịch vụ hậu cần quay về bờ”.

 

.
.
.