Thứ Bảy, 19/11/2016, 07:27 (GMT+7)
.
Góc khuất lao động nghề biển

Bài cuối: Để nghề biển phát triển bền vững

Bài 1: Thiếu hụt lao động
Bài cuối: Để nghề biển phát triển bền vững

Để nghề biển phát triển bền vững, ngoài việc tập trung phát triển phương tiện đánh bắt, hiện đại hóa các trang thiết bị, việc đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho ngư dân, giải quyết các vấn đề phát sinh cũng là những việc làm cấp thiết.

ĐÀO TẠO NGHỀ GẶP KHÓ

Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 1.299 phương tiện đánh bắt hải sản, với tổng công suất máy 422.098 CV. Với số lượng phương tiện trên, lực lượng lao động tương ứng dao động từ 9.500 đến hơn 13.500 người. Những năm gần đây, việc thiếu hụt lao động đang là vấn đề ảnh hưởng đến việc khai thác hải sản. Bên cạnh việc thiếu hụt lao động, trình độ tay nghề của lực lượng này vẫn còn nhiều hạn chế.

Thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) là địa phương có nghề khai thác hải sản lâu đời, với 443 phương tiện đánh bắt. Trong đó, số lượng tàu lưới kéo xa bờ là 339 chiếc, lực lượng lao động tương ứng khoảng 3.100 lao động. Theo UBND thị trấn Vàm Láng, hiện nay trình độ lao động nghề biển tại địa phương chỉ ở mức trung bình, đa phần là từ lớp 9 trở xuống.

Tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh, để những chuyến biển sẽ thật sự là những mùa vui.
Tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh, để những chuyến biển sẽ thật sự là những mùa vui.

Ông Nguyễn Phúc Luân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ, trình độ học vấn của ngư dân có tăng, song phần lớn chưa tốt nghiệp tiểu học với 60%, hơn 28% tốt nghiệp tiểu học, khoảng 10% có trình độ trung học cơ sở và 0,65% đã qua đào tạo tại các trường dạy nghề hoặc có trình độ cao đẳng, đại học”.

Cũng theo ông Nguyễn Phúc Luân, lao động trên tàu cá cũng như các ngành nghề khác không xác định trong địa giới hành chính, có nhiều ngư dân các tỉnh bạn làm việc trên các tàu cá Tiền Giang và ngược lại. Đa phần họ có trình độ văn hóa thấp, bởi vì phần lớn những người có trình độ văn hóa cao đều chọn làm việc trên đất liền. Đây là đặc thù của lao động trong lĩnh vực khai thác hải sản.

Trước thực trạng này, thực hiện đề án “Đào tạo nghề nông thôn” thời gian qua, tỉnh ta đã mở các lớp đào tạo nghề liên quan đến ngư dân. Theo ông Lê Phước Tân, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua công tác dạy nghề cho ngư dân đã được đơn vị triển khai thực hiện, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ cấp. Hiện nay, công tác đào tạo nghề chủ yếu đào tạo nghề như: Đan lưới, sửa chữa máy, lái tàu sơ cấp… chứ chưa đi vào chuyên sâu các hoạt động đánh bắt như: Cách bủa lưới, cách chịu sóng… Sở dĩ có tình trạng này là vì do ngư dân không có nhu cầu, phần vì tâm lý e ngại. Ngư dân chủ yếu dùng kinh nghiệm cho những chuyến đánh bắt.

Ông Lê Phước Tân cho biết: “Ở những địa phương khác như Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đẩy mạnh đầu tư dạy nghề cho ngư dân nhưng nhu cầu vẫn khá thấp. Ở tỉnh ta trước đây cũng có chương trình dạy nghề cho ngư dân mức độ trung cấp nhưng chỉ thực hiện được ở mức độ sơ cấp do nhu cầu không có và chi phí đầu tư quá lớn. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề của ngư dân, sau đó sẽ tiến hành đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề”.

GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ

Thiếu hụt lao động nghề biển là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “bạn ghe” quỵt tiền chủ tàu. Để tránh tình trạng này xảy ra, ông Nguyễn Phúc Luân cho biết: Trong thời gian qua cũng như hiện nay, Chi cục Thủy sản cùng với chính quyền địa phương vận động các chủ tàu cá thành lập các đội, tổ hợp tác, các nghiệp đoàn để hỗ trợ nhau trong sản xuất, hỗ trợ nhau khi có sự cố trên biển; đồng thời cũng sẽ góp phần giải quyết được vấn đề tranh chấp dẫn đến “bạn ghe” quỵt tiền của các chủ tàu cá trong cùng tổ, đội hoặc nghiệp đoàn khai thác. Vận động các chủ tàu cá trong cùng tổ, đội hoặc nghiệp đoàn khi tiếp nhận “bạn ghe” từ chủ tàu cá khác phải có giấy xác nhận không còn nợ chủ tàu đã đi trước đó. Hiện nay, toàn tỉnh có 33 tổ, đội hợp tác và 3 nghiệp đoàn khai thác với 370 tàu và hơn 4.000 lao động. Thực tế có rất ít trường hợp quỵt tiền của chủ tàu cá tham gia các tổ, đội, nghiệp đoàn khai thác hải sản. Bên cạnh đó, các chủ tàu cần kiên quyết hơn trong việc ký hợp đồng lao động đối với các lao động làm việc trên tàu cá.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, xuất phát từ cách quản lý chưa chặt chẽ của chủ phương tiện đối với ngư dân (không thu giữ được giấy CMND); không cảnh giác trong khâu tuyển dụng lao động, từ đó dẫn tới tình trạng “bạn ghe” quỵt tiền. Để giải quyết vấn đề này, BĐBP yêu cầu các chủ phương tiện quản lý tốt hơn đối với ngư dân, cảnh giác hơn trong khâu tuyển dụng lao động. Khi xảy ra tình trạng ngư dân quỵt tiền phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Điều quan trọng hơn là phải ký kết hợp đồng lao động theo quy định. Để giải quyết tình trạng xô xát, đánh nhau giữa ngư dân, theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các chủ phương tiện khi tuyển dụng lao động phải cân nhắc, thận trọng, cảnh giác hạn chế thu nhận những lao động có tính côn đồ hoặc có tiền lệ đánh nhau. Khi gặp tình huống va chạm trên biển phải hành xử có văn hóa, tôn trọng pháp luật, không vì lợi ích kinh tế mà kích động đánh nhau.

Theo Trung tá Nguyễn Danh Sự, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kiểng Phước, để giảm thiểu tình trạng xô xát, cự cãi; đồng thời tạo tinh thần đoàn kết giữa ngư dân với nhau, các chủ phương tiện cần tạo điều kiện tinh thần và vật chất tốt nhất, động viên ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển.

Để nghề biển tỉnh nhà phát triển một cách bền vững, vấn đề cấp thiết trước mắt mà các cấp, ngành cần quan tâm đó là giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, từ đó sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng “bạn ghe” quỵt tiền. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đảm bảo an toàn khi đánh bắt trên biển và đặc biệt là công tác đào tạo nghề cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

THÀNH LONG

.
.
.