Chủ Nhật, 13/11/2016, 06:23 (GMT+7)
.

Kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ tăng trưởng ổn định

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng xuất khẩu cùng lượng kiều hối tăng hằng năm là những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng ổn định và nâng tầm trong khu vực.

Ông Sebastian Eckardt, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh
Ông Sebastian Eckardt, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế khi tham dự Hội thảo “Kinh tế Việt Nam triển vọng 2017” ngày 11-11 tại TPHCM.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN Việt Nam trong thời gian qua, cũng như những năm tới.

Đối với nguồn vốn, yếu tố đầu vào là rất quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có thể đến từ nhiều nguồn như ngân hàng, đầu tư nước ngoài, vốn tự có của doanh nghiệp (DN)... Tuy nhiên, ở Việt nguồn, vốn của DN phụ thuộc vào vốn của ngân hàng, đặc biệt là vốn trung dài hạn.

Chia sẻ dự đoán về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như thế giới, ông Sebastian Eckardt, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, kinh tế thế giới năm qua tăng trưởng chậm so với thời kỳ trước, trong tương lai có khuynh hướng đi xuống. Tuy nhiên, những nền kinh tế mới nổi có sức chịu đựng cao hơn và sẽ nổi lên, ví dụ như khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn chịu sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nền kinh tế khác đang có xu hướng phát triển chậm lại, do đó, năm 2017, Việt Nam có thể kỳ vọng mức tăng trưởng đạt 6,3%/năm.

Theo ông Sebastian Eckardt, Việt Nam đang là nền kinh tế phát triển và có nhu cầu thật sự về tiêu thụ nội địa. Đó chính là động lực thay đổi chính của nền kinh tế.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, NHNN đã sử dụng các công cụ kiểm soát của mình để có các bước quản lý mềm dẻo, linh hoạt nhằm duy trì ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 4%, cùng với đó là nỗ lực xuất khẩu của Việt Nam và lượng kiều hối gửi về hằng năm liên tục tăng, tạo nên nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng ổn định và nâng tầm trong khu vực.

Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tăng năng suất lao động, bởi thực tế hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất thấp, thấp hơn các đối thủ trong khu vực, kể cả Lào và Campuchia.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.