Thứ Ba, 15/11/2016, 19:54 (GMT+7)
.

Lão nông nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Ông Trần Văn Nhâm ở  ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) với 1 ha đất, nhiều năm gắn bó với cây lúa, mỗi năm làm 2 - 3 vụ. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, ông nhận thấy việc độc canh lúa thật khó có cuộc sống ổn định bởi thu nhập bấp bênh, giá lúa không ổn định, nông dân thường bị thua thiệt đủ điều.

Ông Trần Văn Nhâm bên thành quả lao động của mình.
Ông Trần Văn Nhâm bên thành quả lao động của mình.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu thị trường nông sản hàng hóa cũng như đặc tính cây trồng và thổ nhưỡng tại địa phương, ông Nhâm quyết định chuyển đổi từ lúa năng suất cao sang trồng dừa chuyên canh. Thời điểm đó khoảng năm 2003 - 2004, ông thuê nhân công đào mương lên liếp và đắp mô trồng dừa theo mô hình chuyên canh. Theo ông Nhâm, khâu quan trọng quyết định thành công của mô hình là chọn giống. Ông chọn trồng giống dừa dứa và dừa xiêm vốn được ưa chuộng trên thị trường giải khát (dừa tươi dùng uống nước). Để có giống chất lượng tốt, đồng đều, ông đến những vườn dừa ưng ý để chọn dừa trái làm giống và đặt mua trước. Có dừa giống tốt, ông trồng theo mật độ vừa phải, trung bình 25 gốc trên 1.000 m2 đất.

Nhờ thường xuyên dự các lớp tập huấn, hội thảo, khuyến nông để nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc dừa cũng như phòng trị sâu bệnh gây hại nên vườn dừa của ông luôn xanh tốt, sung mãn và cho trái sớm, trái sai. Theo ông Nhâm, chỉ sau khi trồng 28 tháng, dừa đã cho trái chiến. Những năm về sau, năng suất thu hoạch ổn định theo hướng mỗi năm mỗi cao theo độ tuổi lớn của cây. Đáng lưu ý, để có vườn dừa xanh tốt và cho năng suất, sản lượng cao như thế, một trong những yếu tố quan trọng là thường xuyên theo dõi sự gây hại của bọ cánh cứng, đuông dừa… để phòng trừ một cách chủ động và hiệu quả. Trung bình, mỗi tháng phải phòng trị bọ cánh cứng và đuông dừa từ 1 - 2 lần bằng những biện pháp phù hợp. Bù lại, với chế độ chăm sóc, bón phân chủ động và hợp lý, dừa cho trái sai và trái tốt, được thị trường ưa chuộng. Hiệu quả kinh tế từ vườn dừa do vậy mang lại rất cao.

Theo ông Nhâm, vào mùa khô, mỗi tháng dừa cho thu hoạch 1 lần; còn khi mùa mưa vào cao điểm, 2 tháng dừa cho thu hoạch 3 lần. Mỗi lần, trung bình một cây dừa cho 1 quày dừa (từ 10 trái trở lên). Với 1 ha dừa, hàng tháng ông thu trên dưới 3.000 trái dừa. Năm nay, giá dừa tươi luôn giữ ở mức cao nên những nông hộ trồng dừa như gia đình ông hết sức phấn khởi bởi thu nhập rất khá.

Lúc cao điểm mùa khô hạn 2016, giá dừa tươi thương lái thu mua tại vườn gần 10.000 đồng/trái, còn hiện tại tuy giá có giảm mạnh nhưng vẫn còn ở mức 4.500 - 5.000 đồng/trái, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 500 - 1.000 đồng/trái. Trong tháng vừa qua, ông thu khoảng 15 triệu đồng tiền bán dừa. Ông Nhâm cho biết, nếu so với cây lúa thì trồng dừa cho thu nhập cao hơn từ 2 - 3 lần. Nhờ vườn dừa, gia đình ông đã thoát khỏi nghèo khó và trở thành hộ giàu ở Tân Mỹ Chánh.

Thời gian qua, ông Nhâm còn đầu tư chăn nuôi heo góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Hiện nay, trong chuồng nhà ông có khoảng 130 con heo, trong đó có 10 heo nái, còn lại là heo thịt. Ông Nhâm hạch toán, với mô hình trồng dừa chuyên canh và nuôi heo quy mô gia đình, mỗi năm ông đạt giá trị sản xuất khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất còn lãi ròng từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Ông Lê Ngọc Hóa, Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ Chánh cho biết, trung bình mỗi năm ông Nhâm ủng hộ từ 3 - 5 triệu đồng giúp đỡ hộ nghèo khó, tiếp sức học sinh nghèo đến trường. Trên lĩnh vực chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), vừa qua ông đã hiến gần 200 m2 đất để xã hoàn thành tuyến đường Bình Thành - Bình Lợi đạt chuẩn NTM, giúp Tân Mỹ Chánh trở thành xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã NTM vào năm 2014.

Với những thành tích xuất sắc trên lĩnh vực lao động sản xuất, giúp giảm nghèo nông thôn và chung tay cùng cộng đồng thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, vừa qua, ông Trẩn Văn Nhâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

MINH TRÍ

.
.
.