Ngư dân khó tiếp cận chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67
Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, tàu cá có công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV khi mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm đến 70%, còn những tàu thuyền có công suất trên 400 CV được hỗ trợ 90%. Bên cạnh đó, các thuyền viên đi tàu được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ ngư dân tham gia các loại hình bảo hiểm này theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa cao.
Ngư dân hiện khó tếp cận với chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi mua bảo hiểm tàu cá (ảnh minh họa). Ảnh: Vân Anh |
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN), đến nay Tiền Giang có 401 tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm nhưng sau 2 năm triển khai thực hiện chỉ có 154 tàu cá đã mua bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với tổng kinh phí gần 5,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ và ngân sách Nhà nước đã cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm là hơn 5,15 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do điều kiện ràng buộc để được tham gia hỗ trợ là tàu cá phải là thành viên của tổ, đội, hợp tác xã (hiện nay bổ sung thêm Nghiệp đoàn nghề cá) nên đã giới hạn đối tượng hỗ trợ. Bên cạnh đó, thủ tục để được hỗ trợ còn rườm rà (phải xác định tuổi tàu), kinh phí hỗ trợ không nhiều (bảo hiểm thuyền viên), thị phần của PVI (đơn vị được chỉ định bán bảo hiểm) trong lĩnh vực tàu cá nhỏ so với các doanh nghiệp bảo hiểm khác trước khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP được triển khai. Do đó, ngư dân đã quen mua với các doanh nghiệp khác, một số chủ tàu đã tham gia mua bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ khác.
Bên cạnh đó, với quy định điều kiện các tàu tham gia hưởng chính sách bảo hiểm phải được UBND tỉnh phê duyệt danh sách ban đầu, cùng với việc các chủ tàu cá thay đổi chủ sở hữu, thay đổi công suất máy, thay đổi nghề… phải trình phê duyệt lại, đã làm cho việc thực hiện chính sách này chưa đạt hiệu quả cao. Việc chủ tàu cá đăng ký mới, đăng ký hưởng chính sách bảo hiểm được UBND tỉnh phê duyệt sau đó xin không thực hiện, chờ đợi chính sách thay đổi hoặc xin thay đổi công suất máy, thay đổi vật liệu đóng tàu cũng đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện.
Hiện nay, ngoài điều kiện tàu cá phải là thành viên của tổ đội, hợp tác xã khai thác thì tàu cá phải cần 8 loại giấy tờ khi mua bảo hiểm: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản/giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, sổ đăng kiểm tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên, bảng kê chi tiết ngư lưới cụ, văn bản xác nhận của UBND cấp xã về đối tượng được hỗ trợ, tài liệu chứng minh giá trị con tàu. Ngoài ra, việc quy định các tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm phải có tên trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt ban đầu làm mất nhiều thời gian và không thực sự cần thiết.
Để giải quyết những khó khăn này, Sở NN-PTNT cho rằng: Cần nghiên cứu giảm bớt các giấy tờ trong việc mua bảo hiểm đối với các tàu cá được hưởng chính sách theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các tàu cá được hỗ trợ mua bảo hiểm chỉ cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định để mua bảo hiểm tại Công ty được chỉ định, còn UBND tỉnh chỉ xem xét, phê duyệt kinh phí hỗ trợ khi Công ty đã bán bảo hiểm cho tàu cá. Ngoài ra, đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục đề xuất Chính phủ thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ từ năm 2017 tương tự như các nội dung đã thực hiện trong giai đoạn 2014-2016; đồng thời sớm ban hành hướng dẫn về việc hỗ trợ một lần khi ngư dân đóng mới tàu cá.
THÀNH CÔNG