Bài 1: "Vựa lúa Quốc gia" nhưng dễ bị tổn thương
Bài 1: "Vựa lúa Quốc gia" nhưng dễ bị tổn thương
Bài cuối: Ứng dụng khoa học - công nghệ còn yếu và thiếu
Trong khi những mối lo thời hội nhập TPP, AEC còn đang canh cánh, thì những mối đe dọa của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các đập thủy điện trên dòng Mê Kông đang ngày một khốc liệt. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như nằm trong “thế gọng kiềm” với hàng loạt những khó khăn cần được nhanh chóng giải quyết…Và nền nông nghiệp vốn được xem là “vựa lúa của Quốc gia” đang đứng trước những thách thức lớn.
Năm 2016, nông nghiệp Việt Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm. Nó như một hệ lụy tất yếu minh chứng cho sự “dễ tổn thương” của một nền nông nghiệp với những bất cập nội tại lâu nay, vốn đã âm ỉ từ lâu.
Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè bán lúa cho thương lái. |
LIÊN KẾT LỎNG LẺO
Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của hàng triệu cư dân vùng ĐBSCL. Lần đầu tiên, nông nghiệp tăng trưởng âm sau hơn 1 thập niên. Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nông - lâm - thủy sản trong nước đã giảm 0,18%. Giáo sư -Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL cho rằng: “Ngoài yếu tố khách quan do hạn hán và xâm nhập mặn, còn có nguyên nhân chủ yếu do chất lượng các mặt hàng chủ lực như: Gạo, cà phê, cao su… không cao; chuỗi giá trị bị đứt đoạn; thiếu thương hiệu có uy tín. Nền nông nghiệp đến nay vẫn thiên về chiều rộng hơn là chiều sâu, tập trung vào số lượng hơn là chất lượng; ở đó, cây lúa vẫn là chủ lực, trong khi giá gạo Việt Nam luôn “đội sổ” và liên tục giảm từ năm 2011 - 2014”.
Đã mấy thập niên sau ngày đất nước đổi mới, nhưng đến nay sản xuất nông nghiệp vẫn dựa trên quy mô nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết. Hiện nay, 34,7% hộ sử dụng đất nông nghiệp dưới 0,2 ha/hộ và đến 69% số hộ có quy mô dưới 0,5 ha/hộ. Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nêu thực trạng: “Nông nghiệp hiện đại đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị, nhưng đến nay chúng ta vẫn phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Nhà nước quy hoạch rồi bỏ mặc, nông dân tự do trồng và chặt, doanh nghiệp (DN) thì dựa vào thương lái, làm ăn chụp giựt, ép giá… Hậu quả là người nông dân cứ mãi cơ cực, DN làm giàu từ chính sách hỗ trợ giá lúa gạo mua tạm trữ của Nhà nước; đau lòng hơn, nông dân phải “tự bơi” trong biển cả của thế giới
hội nhập”.
Mối liên kết 4 nhà đến nay rất lỏng lẻo, trên cùng một cánh đồng xuất hiện hàng chục giống lúa nên không đồng đều về mẫu mã. Chất lượng hạt gạo cũng vậy, vì thương lái mua gom nhiều giống trộn lẫn, hạt gạo lại không có thương hiệu mạnh nên sức cạnh tranh kém. Ngành lúa gạo Việt Nam đang có giá thấp nhất so với các quốc gia xuất khẩu gạo trong vùng. Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) không ngần ngại nói thẳng: DN trong nước thường có gì bán nấy, đa phần chào bán những loại gạo khách hàng không cần, trong khi gạo khách hàng cần thì DN không có. Tính từ năm 2013 đến vụ đông xuân 2015 - 2016, dù đã có hàng ngàn mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết được triển khai, nhưng tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn thấp, chỉ 20 - 30% với lúa, cao nhất cũng mới trên 70%...
CHẠY THEO ĐUÔI THIỆT HẠI
Trong một cuộc hội thảo gần đây, các chuyên gia cho rằng: Lâu nay, chúng ta cứ khó khăn là dựa vào nông nghiệp, những lúc khó khăn nhất, nền nông nghiệp luôn là một cứu cánh. Nói vậy để thấy, vai trò của nông nghiệp vô cùng lớn và luôn được xem là kinh tế trọng điểm của Quốc gia. Thế nhưng, việc đầu tư cho lĩnh vực này thì ngược lại.
Hiện nay, vốn đầu tư trong nông nghiệp ở mức thấp và có xu hướng giảm, tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực này chỉ còn chiếm 5,8% trong giai đoạn 2008 - 2013 (riêng năm 2013 chỉ còn 4,7%). Bên cạnh đó, trong tổng số 21 triệu lao động nông thôn thì có đến 97,2% lao động không được đào tạo nghề nghiệp, chỉ có khoảng 1,5% được đào tạo trình độ sơ cấp, khoảng 1,2% có trình độ trung cấp và khoảng 0,2% có trình độ cao đẳng, đại học. Đó là chưa kể, hàng loạt chính sách được đưa ra, nhưng điều kiện thực thi lại không có. Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) dẫn chứng: “Trong nông nghiệp, chính sách hỗ trợ đầu tư cho quá nhiều hạng mục đã dẫn đến áp lực về nguồn vốn để giải ngân, thiếu ngân sách triển khai ở các cấp. Bên cạnh đó, cơ chế giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cũng còn nhiều bất cập, điển hình như Nghị định 210/2013/NĐ-CP, khi hạng mục đầu tư, gói thầu của dự án hoàn thành thì được giải ngân 70% trong khi phần lớn các dự án nghiên cứu công nghệ thường rất dài, rủi ro cao, cần nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm mới thành công, nên hình thức hỗ trợ này hạn chế hiệu quả khi DN thiếu vốn, đặc biệt là phần lớn các DN nông nghiệp chỉ có quy mô nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ”.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: “Các chính sách trong nông nghiệp hiện nay đa phần là chạy theo đuôi thiệt hại. Khi cây trồng và nông sản bị dịch bệnh như: Vàng lá gân xanh… hoặc trong chăn nuôi bị dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng chẳng hạn… tất cả đều được hỗ trợ thiệt hại. Vậy tại sao chúng ta không đầu tư cho những cái trước đó để người nông dân đủ sức tổ chức sản xuất tốt, phòng tránh được dịch bệnh. Nên nhớ rằng: Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. “Việc hỗ trợ dân sinh là cần thiết, nhưng cách “ứng xử” với nó trong từng chính sách phải khác nhau, cần phân biệt rõ rằng: Một cái là đi khắc phục hậu quả, còn một cái là tạo lực để phát triển” - ông Trần Hữu Hiệp nói.
SĨ NGUYÊN
(còn tiếp)