Bài cuối: Ứng dụng khoa học - công nghệ còn yếu và thiếu
Bài 1: "Vựa lúa Quốc gia" nhưng dễ bị tổn thương
Bài cuối: Ứng dụng khoa học - công nghệ còn yếu và thiếu
Ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) được xem là yếu tố tiên quyết để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Thời hội nhập, vấn đề này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn. Thực tiễn là vậy, nhưng đến nay, ứng dụng KH-CN trong nông nghiệp ĐBSCL vẫn chỉ là… “điểm nghẽn”.
Lâu nay, doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực KH-CN có vai trò là cầu nối giữa nghiên cứu và sản xuất, nhằm đưa những kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm trở thành những sản phẩm của sản xuất, xa hơn là những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trên thị trường. Do đó, DN trong lĩnh vực KH-CN đóng vai trò rất to lớn trong việc chuyển tiếp từ nghiên cứu đến sản xuất.
Ứng dụng KH-CN vào nông nghiệp còn yếu và thiếu. |
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ KH-CN trong năm 2015, cả nước có trên 33 ngàn DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có trên 93% là DN nhỏ và vừa, mức đầu tư của DN cho đổi mới KH-CN chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số doanh thu; 90% trong tổng số này có doanh thu dưới 10 tỷ đồng. Kết quả điều tra của Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH-CN) cho thấy: Trong hơn 1.500 DN có hoạt động KH-CN thì có 350 DN có tiềm năng phát triển thành DN KH-CN, trong số đó chỉ có 28 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (chỉ 8%).
Ông Nguyễn Văn Tốn, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết: “Hiện nay, các sản phẩm nghiên cứu KH-CN chuyển giao còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao. Số công bố quốc tế của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore. Nhiều công trình nghiên cứu khó chuyển giao kết quả ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, do đó hàm lượng KH-CN trong sản phẩm nông nghiệp thấp, hiệu quả không cao”.
Những so sánh đưa ra khiến người ta “giựt mình” là Nhật Bản với chỉ 5% dân số làm nông nghiệp nhưng vẫn đủ cung cấp thực phẩm và xuất khẩu cho thế giới với chất lượng rất cao, giá trị gia tăng lớn. Trong khi ở Việt Nam có đến 70% - 80% dân số tham gia vào nông nghiệp, nhưng hiệu quả thì ngược lại. Còn tại Israel, đất nước có đến 70% diện tích là sa mạc, người nông dân trồng cà chua đạt năng suất 250 - 300 tấn/năm, trong khi ở Việt Nam có thừa tiềm năng nhưng với cách sản xuất truyền thống, năng suất chỉ đạt từ 20 - 30 tấn/năm. Những sự khác biệt trên đều do ứng dựng KH-CN tạo ra…
Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện cây lương thực và thực phẩm cho biết: Cả nước hiện có trên 598.000 máy gặt, máy tuốt các loại. Riêng ĐBSCL có 11.000 máy gặt, trong đó có 6.000 máy gặt đập liên hợp. Nhìn chung, năng lực cơ giới hóa sản xuất lúa ở Việt Nam cũng như ĐBSCL còn thấp, chỉ đạt 2,2 mã lực (HP)/ha canh tác; trong khi Thái Lan là 4 HP/ha, Trung Quốc là 8 HP/ha. |
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) cho biết: “Những nhà khoa học tài giỏi hiện nay không thiếu, thậm chí rất nhiều, vấn đề là làm sao để kêu gọi họ cống hiến cho nền nông nghiệp. Thời hội nhập TPP hay AEC, vấn đề sở hữu trí tuệ càng quan trọng hơn, vì nó là “linh hồn” quyết định giá trị sản phẩm trong các cuộc cạnh tranh trên thị trường”.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang kêu gọi khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Quá trình khởi nghiệp bao giờ cũng đi kèm với những rủi ro, thất bại, nhưng việc hỗ trợ lại gần như không có. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách ở Trung ương nên chăng cần có chính sách bài bản, hệ thống đối với “nông nghiệp sáng tạo”. “Giữa những lúc khó khăn, người nông dân ĐBSCL đã không ngừng mày mò, sáng chế thành công máy gặt đập liên hợp, máy đánh rãnh, máy bón phân, phun thuốc… mang lại lợi ích rất nhiều cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng khi sáng tạo thành công rồi thì họ vẫn phải tự bơi, không được hỗ trợ” - một chuyên gia nêu ví dụ.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết thêm: “Cho đến nay, số lượng sinh viên theo học ngành Nông nghiệp vẫn rất thấp, nhất là cơ khí nông nghiệp không có ai theo học; ở đó, đầu ra không có, môi trường làm việc không tốt, nguồn thu nhập không cao là những nguyên nhân chủ yếu. Sự yếu kém về KH-CN trong nông nghiệp là một thực trạng diễn ra từ rất lâu, có chăng, gần đây do tác động nặng nề của BĐKH nên nó càng bộc lộ rõ hơn…”.
SĨ NGUYÊN