Sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân 2016 - 2017
Vài ngày nữa, nông dân các huyện phía Tây của tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước… sẽ xuống giống đồng loạt vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Hiện nay, khâu vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống, be bờ hầu như đã hoàn tất. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến khó lường, người dân và ngành chức năng dự báo sẽ gặp không ít khó khăn cho vụ lúa chính của năm.
Điểm bán lúa giống tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy vựa rất nhiều giống IR 50404. |
Đã chuẩn bị giống
Giống là khâu quan trọng, quyết định một phần đến thắng lợi của một vụ mùa. Vì vậy, nông dân trồng lúa rất chú trọng. Loay hoay đắp lại miệng cống để chuẩn bị bơm tát cho những ngày sắp tới, ông Nguyễn Văn An, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết, gia đình canh tác 0,7 ha lúa, đã chuẩn bị xong nguồn lúa giống và đang kiểm tra độ ẩm, tỷ lệ hạt lép trong giống để chờ ngày gieo sạ. Vụ này, gia đình ông chọn giống OM 4218 xác nhận tại Trại giống huyện Cái Bè, vì giống có chất lượng gạo tốt, năng suất cao, giá bán nhỉnh hơn lúa IR 50404. Ngoài ra, giống lúa này có khả năng chống chọi với sâu bệnh tương đối tốt.
Đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, người dân luôn tìm mua các loại giống có năng suất cao, dễ trồng, ngắn ngày, tiêu thụ dễ dàng. Giống IR 50404 đáp ứng được yêu cầu đó. Những năm qua, người dân huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước… rất ưa chuộng loại giống này. Bà Lê Thị Hai, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy cho biết: “Ở cánh đồng này ai cũng sạ IR 50404 nên gia đình tôi cũng vậy. Vì nếu sạ giống khác thì không có máy gặt, thương lái không mua. Để đảm bảo độ lẫn tạp, tôi đến Trại giống của huyện để mua giống nguyên chủng về sạ. Mặc dù giá cả có cao hơn đôi chút nhưng gieo sạ sẽ yên tâm hơn; đồng thời làm giống cho vụ kế tiếp, cũng như cung ứng cho những ai có nhu cầu”.
Khảo sát tại các cơ sở bán giống trên địa bàn các huyện phía Tây, lúa giống Jasmine 85 cấp xác nhận có giá từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, cấp nguyên chủng từ 12.500 - 14.000 đồng/kg. Các giống lúa thông dụng như: IR 50404, OM 2517, OM 5451, OM 4218… giá phổ biến 9.000 - 11.000 đồng/kg đối với cấp xác nhận và khoảng 11.500 - 13.000 đồng/kg cấp nguyên chủng. Lúa giống OM7347 và OM 6976 từ 11.000 - 12.000 đồng/kg đối với cấp xác nhận và 12.500 - 13.500 đồng/kg đối với cấp nguyên chủng.
Ông Nguyễn Văn Chanh, điểm bán lúa giống tại ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy cho biết: “Năm nay, giá nhiều loại lúa giống thấp hơn năm trước từ 500 - 1.000 đồng/kg. Nguyên nhân, các cơ sở bán giống “mọc” nhiều, một phần nông dân tham gia vào mô hình Cánh đồng lớn, được các doanh nghiệp cung ứng giống. Vì vậy, giá giống có tính cạnh tranh theo chiều hướng giảm”. Còn theo ông Nguyễn Văn Sương, Trưởng Phòng Kỹ thuật của Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh, để cung ứng cho vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, trung tâm đã chuẩn bị trên 400 tấn lúa giống các loại. Giá giống cũng không chênh lệch nhiều so với các điểm bán giống bên ngoài. Đặc biệt, trung tâm cung ứng nhiều loại giống chịu mặn cho các huyện phía Đông trồng trình diễn trong vụ đông xuân này như: OM4921, OM108, OM402, OM284…
Chú trọng khâu kỹ thuật
Vụ lúa đông xuân quyết định rất lớn sản lượng lúa cả năm của tỉnh. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp nhằm gia tăng chất lượng lúa, gạo. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, toàn tỉnh dự kiến xuống giống 72.880 ha (giảm 1.302 ha so với cùng kỳ năm ngoái). Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, TX. Cai Lậy và một phần huyện Châu Thành, huyện Tân Phước sẽ tập trung xuống giống từ ngày 10 đến 20-11.
Riêng một số xã thuộc huyện Cái Bè, giáp ranh 2 tỉnh Đồng Tháp và Long An, do có hệ thống đê bao đã xuống giống từ ngày 4 đến14-10, với diện tích trên 5,5 ngàn ha. Một phần huyện Tân Phước và huyện Châu Thành còn lại, TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công và Gò Công Đông xuống giống đợt 1 từ ngày 20 đến 30-10, đợt 2 xuống giống tập trung từ ngày 20-11 đến 15-12.
Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo: Nơi nào xuống giống không kịp khung thời vụ có thể cắt vụ hoặc chuyển sang trồng màu để đảm bảo sản xuất an toàn. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Căn cứ diễn biến rầy nâu, kết hợp với chế độ thủy văn để dự kiến lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 đảm bảo né rầy và hạn chế chi phí bơm tát, ngập úng đầu vụ. Các địa phương cần theo dõi tình hình rầy vào đèn tại mỗi địa phương, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương, khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là “gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng”, không để cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau.
Nông dân cần chú ý tu sửa kỹ bờ bao sau khi lũ rút để thực hiện tốt giải pháp né rầy khi cần thiết, đưa nước vào ruộng để che chắn lúa non không để bị rầy di trú chích hút, truyền bệnh”. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân phải áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Nông dân trồng lúa nên gieo sạ bằng công cụ sạ hàng hoặc sạ thưa, lượng giống từ 80 - 100 kg/ha (giống xác nhận hoặc nguyên chủng) để tiết kiệm hạt giống, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại. Áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mô hình “Sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa”, chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, nhân rộng mô hình nấm xanh…”.
SĨ NGUYÊN