Tân Phú Đông: Nhọc nhằn giữa con tôm và cây trồng
Sau hơn 10 năm triển khai, vùng dự án 230 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Đông đang được huyện Tân Phú Đông tính toán đề nghị tỉnh chuyển đổi hướng sản xuất mới. Trước đó, dự án 147 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Thạnh cũng đã dừng thực hiện. Nguyên nhân là nhọc nhằn giữa nuôi thủy sản với trồng lúa, hoa màu…
Sau nhiều năm triển khai dự án 230 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Đông, nhiều hộ dân vẫn trồng lúa, hoa màu. |
Về vùng dự án nuôi thủy sản 230 ha ở xã Phú Đông trong một ngày đầu tháng 11, trước mắt chúng tôi là những ruộng lúa, ruộng sả xen lẫn một vài đầm tôm đang chạy quạt. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là khu vực thuộc dự án nuôi thủy sản triển khai năm 2003 thuộc ấp Gảnh và Lý Quàn 2 của xã Phú Đông. Thế nhưng, qua nhiều năm triển khai, diện tích nuôi thủy sản (chủ yếu nuôi tôm) chỉ chiếm khoảng 40% diện tích sản xuất của vùng dự án. Các diện tích không nuôi thủy sản được nông dân sử dụng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, cỏ nuôi gia súc. Bà Ngô Thị Giàu, ấp Gảnh cho biết, dù vùng này được quy hoạch nuôi thủy sản nhưng từ trước đến giờ bà chỉ nuôi 1 vụ tôm bị thất bại rồi ngưng nuôi luôn. Từ đó, bà chỉ trồng lúa, hoa màu. Đâu chỉ vậy, có nhiều hộ dân trong vùng dự án chưa nuôi vụ thủy sản nào trong suốt hơn 10 năm qua. “Nuôi tôm cần nhiều vốn nhưng nhiều hộ dân ở đây không có đủ vốn để nuôi. Mặt khác, những năm qua, số hộ nuôi tôm gặp thất bại rất nhiều nên chúng tôi không dám nuôi. Nuôi tôm không được nhưng trồng lúa, hoa màu cũng khó do nguồn nước dễ bị nhiễm mặn từ các đầm nuôi tôm. Đặc biệt, 2 năm nay, thời gian nước mặn kéo dài hơn mọi khi, chúng tôi chỉ trồng 1 vụ lúa trong năm cũng bị thiệt hại nặng. Nghe nói chính quyền đang tính chuyển đổi một phần diện tích của khu vực này sang trồng trọt, chúng tôi mừng lắm. Tôi hy vọng sau khi chuyển đổi, năng suất lúa, hoa màu sẽ tốt hơn” - bà Giàu bày tỏ.
Anh Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đông cho biết, trước phong trào nuôi thủy sản ở khu vực phía trong đê sông Cửa Đại thuộc ấp Gảnh và Lý Quàn 2 phát triển mạnh, năm 2003 tỉnh đã cho triển khai dự án 230 ha nuôi thủy sản ở khu vực trên theo định hướng sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ thủy sản (chủ yếu nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến). Sau khi dự án triển khai, các diện tích sản xuất gần đê sông Cửa Đại nhanh chóng được người dân chuyển đổi sang nuôi tôm (chủ yếu nuôi công nghiệp), trong khi đó khu vực phía trong gần Tỉnh lộ 877B lại có rất ít hộ nuôi. Mô hình nuôi 1 vụ thủy sản - 1 vụ lúa cũng rất ít được người dân lựa chọn. Nguyên nhân là sau thời gian đầu triển khai dự án, nguồn nước ngọt đảm bảo cho sản xuất 1 vụ lúa thì gần đây, nước mặn xâm nhập kéo dài không đảm bảo cho sản xuất 1 vụ lúa trong năm nên mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ thủy sản không được nhiều người dân hưởng ứng. Còn nếu chuyển hẳn sang nuôi thủy sản công nghiệp, họ lại không đủ khả năng do chi phí đầu tư lớn. Hơn nữa, những năm qua, rủi ro trong nuôi thủy sản rất cao, giá thủy sản thấp, giá thức ăn và thuốc điều trị cho thủy sản tăng cao nên nhiều hộ dân ngán ngại. Kết quả sau 13 năm triển khai dự án, người dân đã không sản xuất như mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, toàn vùng dự án có gần 214 ha đất sản xuất, trong đó chỉ có gần 86 ha nuôi thủy sản (nuôi thủy sản công nghiệp 59,3 ha, 26 ha nuôi theo mô hình tôm - lúa, lúa - cá); còn trên 127,8 ha trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái và cỏ nuôi gia súc.
Hiện nay, tỉnh và huyện đã dừng triển khai dự án 147 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Thạnh do nhọc nhằn giữa nuôi thủy sản và trồng lúa, hoa màu. |
Cũng như dự án 230 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Đông, dự án 147 ha nuôi thủy sản ở xã Phú Thạnh ra đời trên cơ sở nhiều hộ dân trong vùng (dự án) có nhu cầu nuôi tôm. Tuy nhiên, từ khi triển khai dự án đến nay, toàn vùng chỉ có gần 17 ha sản xuất thủy sản (nuôi tôm công nghiệp), phần lớn diện tích còn lại trồng lúa, sả. Anh Lê Trần Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, thời điểm diện tích nuôi thủy sản cao nhất trong vùng dự án cũng chỉ khoảng 32 ha. Những năm qua, diện tích nuôi thủy sản trong vùng dự án có xu hướng giảm.
Lý giải thêm về nhọc nhằn của 2 dự án nuôi thủy sản ở xã Phú Đông và xã Phú Thạnh, ông Nguyễn Trung Hòa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Phú Đông cho biết, bên cạnh yếu tố giá tôm (con thủy sản được nuôi chủ yếu ở 2 dự án) bấp bênh, chi phí nuôi lớn nhưng rủi ro lại cao khiến cho nhiều hộ dân trong 2 vùng dự án trên không nuôi thủy sản theo quy hoạch, yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý ngán ngại khi chuyển đổi sang nuôi thủy sản của người dân là cơ sở hạ tầng vùng dự án đầu tư chưa đồng bộ gây khó khăn cho nuôi thủy sản (khẩu độ cống nhỏ gây khó khăn cho việc điều tiết nước, kinh mương bị bồi lắng…). Từ đó, hiện nay, tỉnh và huyện đã thống nhất dừng dự án 147 ha nuôi thủy sản ở Phú Thạnh, còn đối với dự án 230 ha nuôi thủy sản ở Phú Đông, huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện nghiên cứu, tham mưu cho huyện đề xuất tỉnh chuyển đổi sản xuất trong vùng dự án theo hướng phân định thành 2 vùng trồng trọt và nuôi thủy sản riêng biệt. Trong đó, vùng nuôi thủy sản (nước mặn, lợ) có diện tích trên 77 ha, vùng trồng trọt (nước ngọt) có diện tích 136,5 ha… Trong đó, ở vùng trồng trọt, huyện dự kiến sẽ tách thành 2 tiểu vùng gồm vùng ấp Gảnh khoảng 71 ha và vùng ấp Lý Quàn 2 có diện tích 65,5 ha. Từ năm 2017 - 2020, huyện sẽ tiến hành cho chuyển đổi tiểu vùng 71 ha ở ấp Gảnh từ nuôi thủy sản sang trồng trọt. Nếu việc chuyển đổi đạt hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi tiểu vùng 65,5 ha ở ấp Lý Quàn 2.
NGÔ VĂN