Thứ Sáu, 25/11/2016, 21:41 (GMT+7)
.

Tất bật sản xuất chậu kiểng đón tết

Đến hẹn lại lên, vào khoảng thời gian này, nhu cầu cây kiểng tăng cao kéo theo là việc làm chậu kiểng cũng được các cơ sở ráo riết thực hiện để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chậu là một phần không thể thiếu trong mỗi vườn kiểng của nhiều gia đình. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, yêu cầu của con người vì thế cũng cao hơn, nên chậu kiểng được làm ra với nhiều kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt hơn. Không như ở những tỉnh, thành khác có nguồn đất sét phục vụ cho việc nung nấu chậu kiểng, chậu kiểng do những cơ sở trong tỉnh sản xuất hiện nay đều làm từ xi măng và cát. Tuy nhiên, không vì thế mà chậu kiểng ở tỉnh ta không có sự sáng tạo và kiểu dáng phong phú.

Anh Huy đang tạo dáng cho chậu kiểng.
Anh Huy đang tạo dáng cho chậu kiểng.

Chúng tôi đến cơ sở làm chậu kiểng ở thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước) để ghi nhận tình hình sản xuất những ngày cuối năm. Anh Võ Quốc Huy, chủ cơ sở làm chậu kiểng đang lui cui hoàn thành phần miệng của chiếc chậu. Anh Huy có thâm niên hơn chục năm trong nghề làm chậu kiểng, đôi bàn tay chai sần của anh đều đặn xoay từng vòng tròn để tạo nên dáng vóc cho chiếc chậu. Tại cơ sở của anh Huy, chậu kiểng có nhiều mẫu mã, kích cỡ khác nhau như: Chậu tròn, chậu giả gỗ… Trong đó, đa phần là chậu tròn, tất cả có giá bán từ 50.000 đồng đến 1 triệu đồng (tùy theo kích cỡ). Anh Huy tâm sự: “Để làm nghề được lâu dài đòi hỏi phải yêu nghề và kỹ lưỡng trong từng chi tiết. Nghề làm chậu kiểng khâu khó nhất chính là tạo hình. Nếu làm không khéo, chậu sẽ bị móp mó nhìn mất thẩm mỹ”.

Ngày thường, việc sản xuất chậu chỉ mình anh Huy đảm nhiệm do nhu cầu những ngày này ít. Mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất khoảng 10 chiếc chậu. Những tháng cuối năm, do nhu cầu thị trường tăng cao nên anh phải mướn thêm 4 - 5 người thợ để có thể đáp ứng nhu cầu đặt hàng. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, chậu kiểng do cơ sở anh Huy sản xuất còn vươn sang các tỉnh bạn như: Long An, Đồng Tháp. Anh Huy cho biết: “Hiện nay, thị hiếu của khách hàng là thích chậu tròn. Ngoài ra, để làm ra một chiếc chậu đẹp hút khách, ngoài mẫu mã, khâu sơn màu cũng quyết định một phần. Kỹ thuật pha sơn quyết định đến độ bền cũng như tính thẩm mỹ của chiếc chậu”.

Cách cơ sở anh Huy không xa là cơ sở sản xuất chậu kiểng Phục Hưng II. Cơ sở này lúc nào cũng duy trì khoảng 4 lao động phục vụ việc làm chậu. Chậu ở đây gồm nhiều kiểu dáng và hoa văn khác nhau nhưng chủ đạo vẫn là chậu tròn. Anh Lương Văn Nghĩa (thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) thợ làm chậu kiểng tại cơ sở cho biết: “Để làm ra một chiếc chậu đẹp đòi hỏi người làm phải thật khéo léo, những công đoạn phải thực hiện nhuần nhuyễn. Cát phải được sàng nhuyễn, nếu lẫn sỏi đá chậu sẽ bị sần mất thẩm mỹ. Khâu xoay miệng và thân chậu phải thật đều tay để tạo nên sự trơn láng. Sau khi chậu khô lớp hồ thì lấy giấy nhám chà lại rồi mới mang đi sơn”.

Một công đoạn trong sản xuất chậu kiểng.
Một công đoạn trong sản xuất chậu kiểng.

Chủ cơ sở Phục Hưng II chia sẻ: “Mỗi tháng cơ sở của tôi sản xuất khoảng 1.000 chậu cảnh. Thời điểm gần tết, cơ sở tăng cường thêm người làm để phục vụ nhu cầu trồng cây kiểng. Những ngày tết, nhu cầu mua chậu kiểng tăng lên gấp 3 - 4 lần so với ngày thường. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, cơ sở luôn tìm tòi để đưa ra thị trường những sản phẩm mới”.

Cũng như nhiều cơ sở sản xuất chậu kiểng khác, những ngày này, cơ sở của chị Nguyễn Ngọc Linh (ấp Bình Thới A, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành) cũng đang tất bật với việc sản xuất chậu kiểng. Cơ sở này chuyên sản xuất những loại như: Chậu tròn, vuông, lục giác… giá dao động từ 40.000 đồng đến 2,5 triệu đồng. Trong đó, đắt và kỳ công nhất là chậu lục giác với trọng lượng khoảng 500 kg. Phía bên ngoài, những chiếc chậu kiểng thành phẩm được trưng bày với nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau, tất cả tạo nên 1 bức tranh đầy màu sắc. Phía bên trong, những người thợ làm chậu đang miệt mài đổ khuôn để có được những chiếc chậu hoàn chỉnh. Chị Linh chia sẻ: “Gần tết, nhu cầu mua chậu cảnh tăng cao, vì thế cơ sở phải tăng cường sản xuất. Bên cạnh việc sản xuất, cơ sở còn nhập hàng đất nung từ Vĩnh Long về để bán cho khách. Mỗi năm có một mùa, vì thế tôi rất trông đợi và kỳ vọng vào dịp tết này”.

MINH THÀNH

.
.
.