Đê xuống cấp do phương tiện quá tải trọng
Tại buổi họp bàn giải pháp bảo vệ, chống xuống cấp các tuyến đê trên địa bàn các huyện, thị phía Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho rằng quản lý hoạt động vận tải trên đê thời gian qua chưa chặt chẽ dẫn đến một số đoạn đê bị xuống cấp do phương tiện vận tải quá tải trọng gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng phát biểu tại buổi họp bàn giải pháp, chống xuống cấp các tuyến đê trên địa bàn các huyện, thị phía Đông. |
Để ngăn chặn tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm bằng nhiều hình thức đến các chủ phương tiện vận tải và nhân dân về Luật Đê điều, các quy định về bảo vệ an toàn đê. Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý phương tiện vận tải quá tải trọng trên đê. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ đê điều trình UBND tỉnh ban hành. Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với đơn vị chức năng và địa phương tiến hành quy hoạch các tuyến đê kết hợp giao thông để tạo thuận lợi việc đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các địa phương cần tổ chức gặp mặt, tiếp xúc với các doanh nghiệp có phương tiện vận tải hoạt động trên đê và khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng Nhà nước trong công tác duy tu, sửa chữa đê điều.
Theo Sở NN-PTNT, hệ thống đê ngăn mặn, triều cường (đê biển, đê cửa sông, đê sông) ở các huyện, thị phía Đông có chiều dài gần 170 km. Do yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong vùng Ngọt hóa Gò Công và Phú Thạnh - Phú Đông, có 32 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều với tải trọng của phương tiện vận chuyển vật tư trên đê cho phép không quá 10 tấn (tùy nhu cầu của từng tổ chức, cá nhân). Thời gian qua, một số đoạn đê bị hư hỏng, xuống cấp do xe cơ giới quá tải trọng cho phép đi trên đê.
NGÔ VĂN