Thứ Tư, 21/12/2016, 20:06 (GMT+7)
.

Du lịch cộng đồng- xu thế của du lịch bền vững

Trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng có chiều hướng phát triển mạnh tại các nước trong khu vực cũng như ở Việt Nam. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, nhiều quốc gia đã xem du lịch cộng đồng như là một công cụ xóa đói giảm nghèo. Các quốc gia nằm trong Tiểu vùng sông Mekong như: Việt Nam, Campuchia, Lào, Trung quốc, Myanma, Thái Lan đã xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo, trong đó du lịch cộng đồng là một nguồn chính, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo.

Tham quan cơ sở làm cốm.
Tham quan cơ sở làm cốm.

Tiền Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, do có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, với nhiều sông ngòi, kinh rạch, vườn cây ăn trái đặc sản, các món ăn đặc trưng của địa phương, các làng nghề, lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc, cùng với 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn…, nên đã phát triển loại hình du lịch cộng đồng rất sớm, từ những năm đầu khi đất nước mở cửa và bắt đầu phát triển mạnh từ năm 1995 đến nay.

Xuất phát từ sự tham gia của người dân trên cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), du lịch cộng đồng bắt đầu được hình thành, sau đó phát triển đến xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) và đến nay phát triển đến cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy). Đã có nhiều hộ nhà vườn đi đầu tham gia phát triển du lịch như: Hộ chú Tư Đàn, chú Ba Thảo, chú Mười Quản, chú Năm Chánh, chú Ba Đức… và nhiều hộ tham gia các dịch vụ du lịch khác (phục vụ đò máy, đò chèo, đờn ca tài tử, làm cốm, kẹo, bán hàng lưu niệm, ăn uống…). Đến với du lịch cộng đồng, du khách được dịp trải nghiệm cuộc sống chân chất của người dân Nam bộ. Du lịch cộng đồng cung cấp các dịch vụ đa dạng như tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, ăn uống, mua sắm hàng lưu niệm…, đáp ứng nhu cầu của du khách trong chuyến tham quan, du lịch do người dân địa phương tham gia phục vụ, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, đảm bảo các yếu tố về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người dân tham gia phát triển các điểm du lịch ở các vùng nông thôn. Đến nay, ở 3 khu vực trên đã có 16 điểm du lịch chính, với 81 hộ nhà vườn, điểm  kinh doanh các dịch vụ du lịch; 740 chiếc đò máy, đò chèo du lịch; 12 đội đờn ca tài tử…, sử dụng chủ yếu lao động ở địa phương để đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương.

Trong thời gian qua, để phát triển du lịch cộng đồng, mang lại hiệu quả thiết thực, Nhà nước đã hỗ trợ trong việc định hướng thị trường, giúp các hộ dân có nguồn khách ổn định, lâu dài; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về hoạt động du lịch, về chuyên môn, kỹ năng phục vụ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ; hướng dẫn các hộ dân thực hiện những quy định trong hoạt động du lịch, nhằm mục đích đảm bảo an ninh trật tự, tạo tâm lý an toàn, thân thiện trong hành trình tham quan, trải nghiệm của du khách; đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm để thu hút khách du lịch đến Tiền Giang. Bên cạnh đó, các hộ dân tham gia đã nâng cấp điểm du lịch, vườn cây ăn trái, bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường xung quanh; tổ chức các hoạt động đa dạng cho du khách cùng tham gia như: Cách trồng trọt, tát mương bắt cá, làm bánh, nấu các món ăn dân dã, hoạt động giao lưu văn hóa…, làm cho du khách thích thú khi được trực tiếp tham gia, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt truyền thống của cư dân địa phương.

Thực tế cho thấy, loại hình du lịch này ở Tiền Giang đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương; góp phần xóa khó giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, muốn du lịch cộng đồng phát triển bền vững thì cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa nguyên gốc, tính chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để mai một, đánh mất giá trị của nó trong xu thế hội nhập nhanh với nền văn hóa thế giới. Phát triển du lịch cộng đồng đóng góp vào việc nâng cao đời sống của người dân địa phương, nhưng không phải vùng nông thôn nào cũng có thể phát triển du lịch được và việc áp dụng thành công mô hình du lịch cộng đồng phụ thuộc rất lớn vào việc đảm bảo hài hòa lợi ích trong cộng đồng. Vì vậy, đòi hỏi phải có tiếng nói chung của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và đặc biệt là của cộng đồng ở địa phương.

Có thể nói, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Tiền Giang là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách. Song, để loại hình du lịch này phát triển, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước, cần sự chung tay góp sức của  cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa, góp phần phát triển du lịch bền vững.

TẤN PHONG

.
.
.