Kết nối cung - cầu gắn chặt sợi dây liên kết
Kết nối nhà sản xuất và phân phối ngày càng bền chặt sẽ là nền tảng vững chắc cho sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Cùng với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 2 thị trường có lượng tiêu thụ hàng hóa cao nhất trong cả nước. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại TP. Hồ Chí Minh chỉ cung ứng khoảng từ 20% - 30% các sản phẩm rau, quả, thịt, thủy sản cho nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố. Số lượng còn lại do các tỉnh, thành khác cung cấp, trong đó có Tiền Giang. Chính vì vậy, việc kết nối cung - cầu trong giao thương hàng hóa giữa Tiền Giang với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác là hết sức cần thiết.
Sản phẩm của doanh nghiệp Tiền Giang tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2016. |
Trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm nay, Tiền Giang có nhiều DN tham gia. Tại hội nghị kết nối lần này, một mặt, một số hợp đồng mua bán giữa các DN trên địa bàn tỉnh với DN TP. Hồ Chí Minh đã được ký kết; mặt khác, các sản phẩm do DN trên địa bàn tỉnh sản xuất cũng được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, không những ở TP. Hồ Chí Minh mà còn đến những vùng miền khác trên cả nước.
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Long Thuận (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) là một trong những DN tham gia Hội nghị kết nối cung - cầu do Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức trong suốt 5 năm qua. Kết quả thực tế cho thấy, việc tham gia chương trình đã giúp sản phẩm của DNTN Long Thuận được các nhà phân phối của TP. Hồ Chí Minh như: Lotte Mart, Stra Mart… ký kết các hợp đồng mua bán. Trong chương trình năm nay, DNTN Long Thuận tham gia trưng bày 27 mặt hàng, các dòng sản phẩm đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc DNTN Long Thuận chia sẻ: “Chương trình kết nối cung - cầu đã mang đến những hiệu quả rất thiết thực, từ đó đã gắn kết được nhà sản xuất và nhà phân phối lại với nhau. DN muốn bán hàng cần nhiều yếu tố, trong đó yếu tố kết nối với nhà phân phối là rất quan trọng”.
Cùng với DNTN Long Thuận, Hợp tác xã (HTX) Sầu riêng Ngũ Hiệp là một trong những DN của Tiền Giang tham gia chương trình kết nối cung - cầu năm nay. Tại hội nghị, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp đã ký kết hợp đồng mua bán với một DN tại TP. Hồ Chí Minh. Theo hợp đồng ký kết, mỗi năm HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp sẽ cung cấp cho DN này khoảng 30 - 40 tấn sầu riêng. Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ sầu riêng của HTX chủ yếu ở nội địa và thị trường Trung Quốc. Sầu riêng của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trung bình mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường từ 200 - 300 tấn sầu riêng. Trong những năm qua, sầu riêng của HTX liên tục tham gia chương trình kết nối cung - cầu, các hội chợ triển lãm để quảng bá sản phẩm. Việc tổ chức chương trình kết nối cung - cầu đã tạo điều kiện cho các DN quảng bá sản phẩm đến các vùng miền, là cầu nối để nhà sản xuất và phân phối gặp nhau.
Kết nối cung - cầu là một sợi dây liên kết hết sức quan trọng trong việc phân phối hàng hóa. |
Ngoài các sản phẩm của HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp hay DNTN Long Thuận, những năm qua, nhiều sản phẩm của DN Tiền Giang cũng tham gia chương trình kết nối cung - cầu; trong đó, phải kể đến những sản phẩm như: Gạo (Công ty Lương thực Tiền Giang), tủ thờ Gò Công, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc… Tất cả các sản phẩm đều được quảng bá đến các nhà phân phối và người tiêu dùng, không những tại TP. Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa đến những vùng miền khác trong cả nước. Có thể nói, kết nối cung - cầu là một sợi dây liên kết giúp nhà sản xuất và nhà phân phối tìm thấy nhau, tạo điều kiện để 2 bên hợp tác, từ đó đưa những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Đây là mối liên hệ cần thiết trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Việt Nam với 63 tỉnh, thành, mỗi vùng miền đều có những đặc sản ngon và mang tính truyền thống. Những sản phẩm công nghiệp có mặt khắp các tỉnh, thành và xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới. Hiện tại, sản phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đi 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 165 tỷ USD vào năm 2015; tốc độ luân chuyển hàng hóa bán lẻ trong nước tăng trưởng ở mức 9,6%. Với lượng xuất khẩu rất lớn và mức tiêu thụ trong nước rất cao, việc tạo ra những chương trình kết nối để giao lưu hàng hóa là hết sức cần thiết.
MINH THÀNH
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: Đối với mặt hàng phục vụ cho bữa ăn hàng ngày như: Thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả… Saigon Co.op ưu tiên vào những dịp lễ, tết sẽ hỗ trợ vốn cho bà con yên tâm tập trung sản xuất. Đối với những mặt hàng có giá trị phát triển và công suất nhà máy của các nhà cung cấp vẫn còn phát triển được Saigon Co.op sẽ liên kết để phát triển hàng nhãn riêng. Sản phẩm có nhãn hàng riêng cũng là cơ hội cho cả 2 bên nhờ vào kết hợp cả 2 thương hiệu, sẽ tạo thêm sức mạnh. Thông qua việc sản xuất hàng nhãn hàng riêng, sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu nhóm hàng này sang các nước. Đây cũng là điều kiện để quảng bá hàng Việt. |