Thứ Sáu, 30/12/2016, 22:49 (GMT+7)
.
LÚA ĐÔNG XUÂN KHU VỰC PHÍA ĐÔNG:

Thời vụ kéo dài, cuối vụ thêm căng thẳng

Lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 ở các huyện, thị phía Đông đã trôi qua nhiều ngày nhưng nhiều khu vực vẫn chưa thể hoàn tất việc xuống giống. Các diện tích xuống giống trễ lịch thời vụ dự báo sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ rất cao.

Chúng tôi về các huyện, thị phía Đông khi lịch xuống giống vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 đã qua đi nhưng nhiều nơi không khí làm đất chuẩn bị xuống giống vẫn còn rất nhộn nhịp, một số diện tích lúa thu đông vẫn còn trên đồng. Ông Phạm Hồng Trai, ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị (huyện Gò Công Tây) đang làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân trên thửa ruộng gần 1 ha của mình cho biết, vụ này ông sản xuất giống VD 20, khoảng 4 ngày nữa sẽ xuống giống. Lý giải về nguyên nhân xuống giống muộn, ông Trai cho biết, do đầu vụ hè thu vừa rồi bị hạn, thiếu nước nên ông xuống giống trễ dẫn đến vụ thu đông sản xuất muộn. Thu hoạch vụ thu đông xong là ông tranh thủ làm đất để lắp vụ ngay, vậy mà còn trễ lịch thời vụ khoảng 1 tuần. Cũng theo ông Trai, việc xuống giống gấp như thế này thường lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ, nhưng biết làm sao hơn, thời vụ đã quá trễ rồi. “Biết rằng xuống giống vào thời điểm này nguy cơ lúa bị thiếu nước vào cuối vụ rất cao nhưng tôi vẫn phải làm. Lâu nay làm lúa quen rồi, tôi không biết chuyển sang trồng cây gì. Năm nay, mặn không đến sớm như năm rồi, tôi hy vọng những diện tích xuống giống muộn như ruộng của tôi sẽ không bị thiếu nước căng thẳng vào cuối vụ” - ông Trai hy vọng. 

Lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân ở vùng ngọt hóa đã qua nhiều ngày nhưng nhiều diện tích vẫn chưa xuống giống.
Lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân ở vùng ngọt hóa đã qua nhiều ngày nhưng nhiều diện tích vẫn chưa xuống giống.

Bên cạnh bị ảnh hưởng dây chuyền từ xuống giống hè thu trễ vụ, nhiều diện tích xuống giống bị trễ vụ còn do ảnh hưởng từ mưa kéo dài, cộng với áp thấp nhiệt đới xảy ra trong thời gian vừa qua. Ông Lê Văn Đáng, ấp Ông Cai, xã Tân Trung (TX. Gò Công), cho biết dù thu hoạch vụ thu đông cách nay 1 tuần nhưng do mưa nhiều không đốt rơm được nên đến nay đã qua ngày 21-12 nhưng ông vẫn chưa thể xuống giống. Một số cánh đồng lúa đang chín gần bên gặp mưa mấy ngày qua cũng chưa thể thu hoạch. Ông dự kiến sẽ xuống giống vào khoảng ngày 25-12. Dù xuống giống muộn hơn nhiều ngày so với lịch thời vụ nhưng theo ông Đáng, diện tích lúa của ông vẫn xuống giống sớm hơn so với một số diện tích khác trong vùng. Theo ghi nhận từ đơn vị chức năng, TX. Gò Công có khoảng 1.400 ha xuống giống sau ngày 20-12, trong đó có nhiều diện tích xuống giống sau ngày 25-12. 

Còn tại huyện Gò Công Đông, ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết sau thời gian vận động, tuyên truyền, một số diện tích trồng lúa trên địa bàn đã chuyển đổi sang trồng rau màu trong vụ đông xuân. Đối với diện tích tiếp tục sản xuất lúa vụ đông xuân, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân xuống giống theo lịch thời vụ. Dù vậy, đến ngày 22-12, trên địa bàn huyện vẫn còn diện tích chưa xuống giống. Những diện tích xuống giống trễ vụ này có thể sẽ gặp khó khăn do mặn xâm nhập. Trước tình hình này, huyện đã chuẩn bị các giải pháp ứng phó với hạn, mặn, bảo vệ sản xuất, trong đó, chú trọng đến giải pháp bơm chuyền cứu lúa nếu thiếu nước xảy ra.

Theo tổng hợp từ Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, diện tích lúa đông xuân xuống giống sau ngày 20-12 ở Dự án Ngọt hóa Gò Công khoảng trên 9.500 ha và sau ngày 25-12 là trên 3.700 ha. Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty cho biết, tình hình xuống giống đông xuân năm nay vốn đã muộn rồi lại càng muộn hơn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trong khi đó, từ ngày 22-12, cống Vàm Giồng (huyện Gò Công Tây) đã đóng ngăn mặn (trễ hơn năm 2015 khoảng 1 tháng, tương đương trung bình nhiều năm), cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đã bắt đầu lấy nhồi nước. Với tình hình này nhiều khả năng nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2016 - 2017 trong vùng ngọt hóa có phần “dễ thở” hơn vụ đông xuân trước. Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa nước phục vụ sản xuất trong mùa khô 2017 thuận lợi. Ông Sơn cho rằng, tình hình xâm nhập mặn thời gian tới khá phức tạp. Bởi theo dự báo của công ty, cống Xuân Hòa có khả năng sẽ đóng ngăn mặn muộn hơn mùa khô năm 2016 nhưng sớm hơn 20 ngày so với trung bình nhiều năm. Khi đó, thời gian thiếu nước cao điểm nhất trong vụ đông xuân sẽ vào khoảng từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3.

Theo tính toán của ông Sơn, những diện tích xuống giống sau ngày 20-12 phải đến khoảng giữa tháng 3 mới có thể cắt nước, còn những diện tích xuống giống sau đó sẽ cắt nước muộn hơn. Khi đó mực nước kinh nội đồng đã xuống rất thấp cộng với các tuyến kinh trục như kinh 14, Trần Văn Dõng, Tham Thu bị bồi lắng (chưa kịp nạo vét) khó có thể đáp ứng nguồn nước cho các khu vực xa nguồn nên việc bơm chuyền là khó tránh khỏi. Đó là chưa nói đến chất lượng nước vào thời điểm này rất thấp do nhiễm mặn và phèn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây lúa. Để tăng khả năng cấp nước vào vùng dự án, vừa qua, công ty đã ra quân trục vớt lục bình. Thời gian tới, công ty tranh thủ lấy nước qua cống Xuân Hòa phục vụ sản xuất lúa đông xuân. Khi cống Xuân Hòa đóng ngăn mặn, công ty sẽ tiến hành lấy gạn khi độ mặn cho phép để bổ cấp nguồn nước cho vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công.

Để chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất trong vùng ngọt hóa, tại hội nghị triển khai Kế hoạch vận hành công trình Dự án Ngọt hóa Gò Công phục vụ sản xuất đông xuân vừa qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo các đơn vị liên quan và địa phương rà soát lại kế hoạch phòng, chống hạn, mặn; thường xuyên kiểm tra các cống chống rò rỉ mặn, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch bơm chuyền thật cụ thể, tuyên truyền cho người dân ý thức giữ gìn vệ sinh nguồn nước.

NGÔ VĂN

.
.
.