Nhận tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã
Bên cạnh hoạt động tín dụng chính sách, từ tháng 9-2016 Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Tiền Giang đã thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi tiết kiệm (TGTK) từ cộng đồng dân cư ngay tại điểm giao dịch xã.
Giao dịch tại xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây. |
Theo số liệu của Ngân hàng CSXH Tiền Giang, đến nay việc huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK-VV) tại chi nhánh đã đạt 116,754 tỷ đồng, đạt hơn 108% so với kế hoạch được giao năm 2016, với 101.685 hộ tham gia gửi tiết kiệm, chiếm tỷ lệ hơn 91% khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng CSXH; 3.256/3.262 tổ có số dư tiền gửi tiết kiệm, chiếm tỷ lệ 99,85%. Trao đổi với chúng tôi liên quan đến chủ trương nhận TGTK của tổ viên tổ TK-VV tại địa phương, ông Đặng Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Yên Luông (huyện Gò Công Tây) cho biết: Hình thức nhận tiền gửi này đã giúp cho người nghèo có cơ hội gửi tiền ngay tại nơi cư trú, với những món tiền nhỏ có khi chỉ vài ngàn, vài chục ngàn đồng để tích lũy, đảm bảo an toàn và để dành trả nợ. Hoạt động trên đã khơi dậy nhu cầu của các tầng lớp dân cư khác trong cộng đồng về mong muốn gửi tiền ngay, gần nhà thay vì phải đến trụ sở của các ngân hàng thương mại.
Chưa dừng lại ở đó, từ đầu tháng 9-2016 Ngân hàng CSXH Tiền Giang đã triển khai tiếp hình thức huy động TGTK tại điểm giao dịch xã cho cộng đồng dân cư không phải là người nghèo tham gia Tổ TK-VV, với hình thức tiền gửi đa dạng, mức tiền gửi tối thiểu thấp hơn các ngân hàng thương mại, lãi suất áp dụng theo lãi suất của các sản phẩm cùng loại, cùng kỳ hạn của Ngân hàng CSXH nơi giao dịch TGTK. Đối tượng áp dụng bao gồm: Khách hàng là các cá nhân Việt Nam gửi tiền tiết kiệm bằng đồng Việt Nam tại điểm giao dịch xã của Ngân hàng CSXH. Qua hơn 3 tháng triển khai, đến nay Ngân hàng CSXH Tiền Giang đã có 805 món được huy động dưới hình thức này, với số dư đạt trên 2,7 tỷ đồng. Địa phương có số dư huy động cao nhất là huyện Gò Công Tây (930 triệu đồng) và huyện Châu Thành (520 triệu đồng).
Nhận xét về hình thức huy động vốn mới của Ngân hàng CSXH Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành cho biết, việc triển khai, mở rộng hình thức huy động của Ngân hàng CSXH Tiền Giang là cần thiết, vừa có thể tận dụng được mạng lưới rộng khắp của các điểm giao dịch xã của Ngân hàng CSXH, vừa đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng CSXH. Qua đó giúp người dân tiết kiệm chi phí và thời gian, đặc biệt là người nghèo.
Phân tích thêm về hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách, ông Dương Văn Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Tiền Giang cho biết, tính đến ngày 30-11 Ngân hàng CSXH Tiền Giang trong năm 2016 đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn có hiệu quả cho 34.586 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, thu hút tạo việc làm cho 1.974 lao động, tạo điều kiện cho 2.444 lượt học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, góp phần xây dựng cải tạo 17.223 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 152 ngôi nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg, hỗ trợ cho 3 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã góp phần thiết thực để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. |
Đánh giá chung về các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, cận nghèo, ông Lê Văn Trước, Giám đốc Ngân hàng CSXH Tiền Giang cho biết: Với 11 chương trình tín dụng ưu đãi đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hàng năm đã giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững, hàng trăm lao động được tạo việc làm, nhiều học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học… Đến cuối năm 2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Tiền Giang đạt trên 1.900 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 3.262 TK-VV, có 115.218 hộ còn dư nợ, tương ứng với 141.896 món vay. Hiện nay, toàn tỉnh có 164 điểm giao dịch phục vụ cho vay, thu nợ và giải quyết các nghiệp vụ khác của Ngân hàng CSXH tại địa phương (Ngân hàng CSXH vừa mở mới 3 điểm giao dịch tại thị xã Gò Công trong tháng 12-2016). Tại các điểm giao dịch xã có đầy đủ biển hiệu quy định rõ ngày giao dịch, nội quy giao dịch, thông báo các chương trình cho vay, niêm yết danh sách số hộ còn dư nợ trong hạn, đến hạn, quá hạn… Tại các xã, hàng tháng, các Tổ Giao dịch lưu động thực hiện nghiêm túc việc giao ban với Ban giảm nghèo, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ TK-VV nhằm đánh giá, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời tuyên truyền, phổ biến những chính sách mới và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện công việc trong tháng tiếp theo.
Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH Tiền Giang sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác vốn vay ưu đãi tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chương trình tín dụng ưu đãi đến người dân nhằm tạo điều kiện cho người dân hiểu và thực hiện trách nhiệm khi được vay vốn chính sách. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH Tiền Giang cũng đề nghị với UBND xã, phường, thị trấn bổ sung để xét duyệt cho vay kịp thời đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Ngân hàng CSXH Tiền Giang sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện công tác quản lý và giải ngân nguồn vốn; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đối tượng thuộc diện được cho vay, thực hiện công khai, minh bạch về lãi suất, định mức, đối tượng vay ngay từ cơ sở. Đồng thời, Ngân hàng CSXH Tiền Giang tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai các hoạt động vay và thu hồi nợ đúng quy định; chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các đối tượng sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất.
NHÓM PVKT