Các hộ kinh doanh phải nâng cao năng lực cạnh tranh
Đánh giá về thị trường bán lẻ cũng như những tác động trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định:
Thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động. |
Đến tháng 11, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh đạt trên 48.184 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, về góc độ sức mua của thị trường, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng gần như ổn định, nhu cầu về hàng hóa khác như hàng điện tử, gia dụng có sôi nổi hơn các năm trước. Một khi đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, nhu cầu về các sản phẩm có tính chất giải trí ngày càng được ưa chuộng hơn. Về góc độ cung của thị trường, các doanh nghiệp (DN) cung ứng và bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng quy mô và độ bao phủ. Trong năm 2016, Siêu thị Co.op Mart Gò Công đã đi vào hoạt động, ngoài ra các siêu thị điện máy cũng phát triển ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh như siêu thị nội thất, điện máy Chợ Lớn ở TX. Cai Lậy, các cửa hàng thế giới di động... góp thêm vào sự sôi động của thị trường bán lẻ.
* Phóng viên (PV): Nhiều hộ kinh doanh gia đình cho rằng, sự góp mặt của các DN lớn, cùng loại hình kinh doanh theo hướng hiện đại gây khó khăn cho họ, nhất là lĩnh vực kinh doanh điện máy, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
* Ông Nguyễn Văn Công: Sự tham gia của các DN lớn vào thị trường điện máy ở Tiền Giang là điều đáng mừng. Thứ nhất, các DN mở rộng quy mô đến địa bàn tỉnh chứng tỏ hai điều: Một là sức mua của tỉnh là khá lớn, hai là môi trường kinh doanh ở Tiền Giang được các DN lớn đánh giá cao, đây cũng là điều mà tỉnh mong muốn đem lại cho DN nhằm thu hút đầu tư từ các DN lớn. Thứ hai, sự xuất hiện của các DN lớn trong thị trường bán lẻ đã góp phần làm phong phú hơn sự lựa chọn của người dân đối với dòng sản phẩm điện máy. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim Tiền Giang, Siêu thị Điện máy nội thất Chợ Lớn Mỹ Tho là 2 điểm kinh doanh mua sắm hàng điện máy lớn của tỉnh, góp phần vào việc làm sôi nổi thị trường điện máy và đóng góp vào doanh thu bán lẻ của tỉnh.
Riêng về những khó khăn mà các hộ kinh doanh gia đình gặp phải, cần nhìn nhận rằng, một khi tham gia vào kinh doanh bất kỳ hàng hóa nào, việc đối mặt với sự cạnh tranh là không tránh khỏi. Môi trường cạnh tranh sẽ giúp cho các hộ kinh doanh thay đổi phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nhu cầu mới. Trước mắt là cạnh tranh với các DN trong nước, sau này khi cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại về phân phối, bán lẻ có hiệu lực, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động. |
* PV: Để các hộ kinh doanh ổn định trong thời gian tới, ở góc độ quản lý ngành, ông có ý kiến gì?
* Ông Nguyễn Văn Công: Để hộ kinh doanh ổn định trong thời gian tới, thay vì cạnh tranh trực diện với các DN lớn, hộ kinh doanh nên không ngừng tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Cụ thể là mở rộng quy mô, mở rộng nguồn hàng để có thêm các dòng sản phẩm cho người dân lựa chọn. Mặt khác, hộ kinh doanh cần liên kết với các nguồn hàng lớn để được lấy hàng với giá thấp nhằm giảm chi phí bán ra cho người tiêu dùng, liên kết với các sản phẩm có liên quan khác để thực hiện chương trình khuyến mại thu hút khách hàng. Đồng thời hộ kinh doanh cần thay đổi phương thức quản lý kinh doanh hiện đại nhằm giảm giá thành sản phẩm, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn hàng mà còn phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Đó là một trong những yếu tố then chốt để giữ chân khách hàng và có thêm khách hàng mới.
* PV: Để thị trường bán lẻ Tiền Giang phát triển mạnh, nhất là lĩnh vực điện máy, ngành Công thương có những định hướng, giải pháp gì?
* Ông Nguyễn Văn Công: Thị trường điện máy trên địa bàn tỉnh đang diễn ra sôi nổi, sự cạnh tranh giữa các DN, nhà cung ứng, nhà bán lẻ là đương nhiên và là dấu hiệu tốt cho thị trường. Để sự cạnh tranh này diễn ra lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp giữa các bên có liên quan, Sở Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Điều này vừa đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng vừa đảm bảo sự phát triển không ngừng của các DN bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH (thực hiện)
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu Thương mại - Dịch vụ TP. Mỹ Tho Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho, đưa ra tại buổi tiếp xúc các nhà đầu tư do UBND tỉnh tổ chức gần đây. Theo đó, UBND TP. Mỹ Tho yêu cầu nhà đầu tư lập tiến độ thi công phần móng giai đoạn I của dự án, báo cáo UBND TP. Mỹ Tho và nghiên cứu khởi công giai đoạn II do giai đoạn II độc lập với giai đoạn I. bởi thực tế đến nay, dự án mới cơ bản hoàn thành việc đóng ép cọc móng của giai đoạn I. Theo dự kiến ban đầu, dự án hoàn thành trong 24 tháng nhưng trên thực tế dự án đã chậm tiến độ khoảng 1 năm. Dự án Khu Thương mại - Dịch vụ TP. Mỹ Tho tại khu đất số 545, đường Lê Văn Phẩm (phường 5, TP. Mỹ Tho), được khởi công vào ngày 16-9-2015, có tổng diện tích hơn 18.000 m2, trong đó diện tích sàn xây dựng 70.000 m2 với 12 tầng nổi và 1 tầng hầm, chiều cao công trình trên 55 m. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I gồm 1 tầng lửng và 3 tầng lầu, giai đoạn II gồm khối nhà trệt và 12 tầng lầu. Đây là khu siêu thị tự chọn, mua sắm hàng điện máy, thời trang, mỹ phẩm cao cấp, nội thất; cùng các khu giải trí, ẩm thực tự chọn, nhà hàng, vui chơi giải trí trẻ em; khu phức hợp với văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ cho thuê… Tổng kinh phí đầu tư theo dự kiến ban đầu là 835 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2017. Khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương thông qua thuế giá trị gia tăng tối thiểu 15 tỷ đồng/năm... |