Tigifood công bố thương hiệu gạo an toàn
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) cho biết, nhân sự kiện Hội chợ Thương mại và Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, tối ngày 26-12, Tigifood sẽ công bố thương hiệu gạo an toàn do Tigifood sản xuất. Đồng thời, đây cũng là dịp đánh dấu sự kiện lần thứ 5 liên tiếp Tigifood có sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia. Tigifood cũng là đơn vị duy nhất trong ngành lương thực có vinh dự nằm trong Top 23 doanh nghiệp xuất sắc trên cả nước đạt Thương hiệu Quốc gia 5 lần liên tiếp.
Các thương hiệu gạo an toàn của Tigifood đang được trưng bày tại Hội chợ Thương mại và Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Lan |
Từ những đòi hỏi của thực tiễn và tiềm năng tiêu thụ của thị trường, trước mắt Tigifood xây dựng và công bố 5 thương hiệu gạo an toàn, bao gồm: Hồng Hạc, Hương Việt, Bông Sen Vàng, Thiên Nga và đặc biệt là dòng gạo sạch Phong Lan Vàng. Đây là những dòng sản phẩm mới của Tigifood nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Điểm nhấn của 5 nhãn hiệu gạo được Tigifood công bố lần này là yếu tố chất lượng, an toàn được đặt lên hàng đầu.
Ông Lê Thanh Khiêm cho biết, điểm khác biệt của Gạo an toàn Tigifood lần này tập trung vào các yếu tố: Gạo phải được xay xát từ lúa - trong mô hình cánh đồng lớn thuộc vùng nguyên liệu an toàn - quá trình canh tác lúa được kiểm soát nghiêm ngặt nhất là cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) - việc chế biến, đóng gói gạo khép kín trong phòng đóng gói đạt tiêu chuẩn HACCP - hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng, chất tạo mùi... và bao bì sử dụng cũng phải đạt quy định phù hợp an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất chính là sản phẩm gạo an toàn của Tigifood được bắt đầu từ hạt lúa và truy xuất được nguồn gốc thông qua chuỗi sản xuất được kiểm soát chặt chẽ. Mục tiêu cuối cùng được Tigifood đặt ra là chất lượng hạt gạo phải qua phân tích kiểm nghiệm định lượng của các cơ quan chức năng và đạt yêu cầu an toàn thực phẩm. Đó mới là cái gốc mà Tigifood đã và đang hướng đến. Trong số sản phẩm mới này, điều đặc biệt là nhãn hiệu gạo sạch Phong Lan Vàng được sản xuất trên vùng nguyên liệu theo mô hình lúa - tôm, tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV, quản lý dịch hại bằng sinh học. Đây cũng là vùng nguyên liệu vừa được Cục sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp xác nhận Nhãn hiệu “lúa sạch Thạnh Phú” cho nông dân ở địa phương.
Để có thể xây dựng được 5 thương hiệu gạo an toàn nêu trên, Tigifood có điểm xuất phát từ nền tảng vững chắc là chuỗi giá trị thực sự, đảm bảo được “hành trình” từ hạt lúa trên cánh đồng đến hạt gạo của người tiêu dùng là ngắn nhất, thông qua mối liên kết 3 bên: Nhà nông - Tigifood - Hệ thống phân phối nhằm giảm bớt các khâu trung gian, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia: Lúa của người nông dân sản xuất từ cánh đồng lớn được Tigifood thu mua trực tiếp, sấy, xay xát, chế biến, đóng gói và được đưa đến tay người tiêu dùng thông qua đại lý phân phối.
Tất nhiên, vùng nguyên liệu sản xuất gạo an toàn được Tigifood xây dựng dựa trên mô hình cánh đồng lớn và đi vào chiều sâu, mang tính thực chất, tức là kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc BVTV theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Người dân tham gia thực hiện mô hình vùng nguyên liệu an toàn được Tigifood thực hiện nhiều chính sách ưu đãi. Chẳng hạn đối với lúa được sản xuất theo quy trình an toàn có ký kết hợp đồng với công ty thì giá thu mua cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch là 150 đồng/kg (lúa tươi). Khi tham gia vào mô hình sản xuất an toàn người dân cũng không mất thêm chi phí nào, thậm chí giá thành sản xuất còn thấp hơn nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng đúng liều, đúng lúc các loại vật tư nông nghiệp và ít nhất 20 ngày trước khi thu hoạch, tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ loại thuốc BVTV. Chỉ có con đường hợp tác như thế Tigifood mới xây dựng được vùng nguyên liệu lúa an toàn ổn định và hài hòa về lợi ích. Dựa trên nền tảng này, năm 2016 Tigifood đã ký hợp đồng thực hiện cánh đồng lớn theo hướng an toàn đạt trên 1.000 ha và vụ đông xuân 2016 - 2017 đang triển khai 100% diện tích cánh đồng lớn với hơn 2.000 ha đều theo hướng an toàn. Tigifood cũng đang hướng đến việc mở rộng vùng nguyên liệu an toàn ở một số tỉnh, thành khác, bắt đầu ở những nơi có sẵn các hợp tác xã điển hình và đã xây dựng được mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP.
Dây chuyền đóng gói gạo an toàn của Tigifood. |
Tigifood kỳ vọng vào nhóm sản phẩm mới này sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo. Theo kế hoạch, Tigifood sẽ nâng dần tỷ lệ kinh doanh gạo an toàn, kể cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tigifood không chỉ hướng đến dòng sản phẩm cấp cao, thượng hạng mà ngay cả gạo cấp thấp, thông dụng cũng hướng vào vùng nguyên liệu sản xuất an toàn nhằm tạo ra dòng sản phẩm có giá cạnh tranh, đáp ứng phân khúc của người lao động bình thường, phù hợp với thu nhập của từng đối tượng khách hàng.
Theo ông Lê Thanh Khiêm, chủ trương chuyển hướng kinh doanh được Tigifood thực hiện dựa trên nhiều vấn đề đã và đang đặt ra đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu gạo khi áp lực cạnh tranh, rào cản kỹ thuật dẫn đến số lượng và giá trị của hạt gạo ngày càng bị sụt giảm trong bối cảnh chung hiện nay, Tigifood cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Tigifood đã chủ động chuyển hướng sản xuất - kinh doanh và thực hiện mạnh mẽ từ năm 2016 theo hướng gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản. Đồng thời, Tigifood chú trọng vào yếu tố gạo an toàn, có kiểm soát dư lượng thuốc BVTV hoặc tuyệt đối không sử dụng thuốc đối với dòng gạo sạch “Lúa - Tôm” Phong Lan Vàng. Điều này, không những đáp ứng được nhu cầu cấp thiết người tiêu dùng trong nước vì nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa hiện đang rất lớn do Việt Nam có dân số đông và gạo vẫn là mặt hàng thiết yếu hàng ngày mà còn là tiền đề vững chắc để Tigifood tự tin vượt qua những rào cản kỹ thuật, bước vào thị trường thế giới, xuất khẩu gạo chất lượng, an toàn sang các nước phát triển trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
PHƯƠNG ANH
Tigifood được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc Ngày 23-12, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành Công văn 2857 về các thông tin liên quan đến đoàn khảo sát của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ). Kèm theo đó là văn bản từ phía Trung Quốc về việc công bố danh sách 22 doanh nghiệp sản xuất chế biến gạo của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Tiền Giang có 2 đơn vị nằm trong danh sách 22 doanh nghiệp do AQSIQ công bố là: Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) và Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè). Theo Cục Bảo vệ thực vật, kể từ ngày 1-1-2017, các doanh nghiệp không có tên trong danh sách do AQSIQ công bố sẽ không được phép xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. |