Cải thiện môi trường đầu tư: Chủ trương và hành động
Đảng và Nhà nước xác định doanh nghiệp (DN) là động lực cho sự phát triển. Điều này thể hiện rõ thông qua Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Để cụ thể hóa chủ trương này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo triển khai thực hiện một cách quyết liệt và mang lại hiệu quả thiết thực.
UBND tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại DN. |
Chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, hỗ trợ
Có thể nói chưa bao giờ không khí khởi nghiệp, hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ như thời gian gần đây. Một trong những động thái rõ ràng nhất là thông qua các buổi họp mặt, đối thoại DN do UBND tỉnh và các huyện, thị, thành tổ chức; chưa kể các buổi tiếp xúc DN vào ngày thứ 7 của tuần cuối tháng do Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Thông điệp rất rõ ràng của UBND tỉnh là không chỉ tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN mà mục tiêu lớn hơn là tạo nên sự gần gũi, gắn kết giữa chính quyền và DN nhằm thúc đẩy cộng đồng DN ngày càng phát triển, thông qua đó góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng trong xu thế này, theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua tỉnh đã nhận thấy được những tồn tại, hạn chế trong kết quả đánh giá về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh trong những năm gần đây, nên ngay từ cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Một trong những hành động cụ thể là tỉnh đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội thảo phân tích, đánh giá và xây dựng giải pháp cải thiện Chỉ số PCI (Hội thảo lần thứ 1 đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của tỉnh, nhằm xác định nguyên nhân giảm điểm và hạn chế trong chỉ số PCI; hội thảo lần thứ 2 nhằm xây dựng giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh). Các kết quả thu được qua 2 hội thảo đã được tổng hợp, ban hành cùng với Kế hoạch hành động 13/KH-UBND ngày 30-5-2016 của UBND tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về “Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020”.
Có lẽ ý nghĩa nhất đối với cộng đồng DN là thông qua các buổi họp mặt, đối thoại do UBND tỉnh tổ chức. Trong rất nhiều lần tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với DN, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh luôn luôn nhấn mạnh rằng, cộng đồng DN là lực lượng rất quan trọng đóng góp cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tại Đại hội Hiệp hội DN lần thứ III (2016 - 2021) được tổ chức gần đây, để cụ thể hóa về những đóng góp của DN, ông Lê Văn Hưởng cũng đã thông tin, GRDP của khu vực DN Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015 tăng 12,2%, đóng góp vào tăng trưởng 7,5% của toàn tỉnh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tăng từ 34,9% năm 2010 lên 43% trong năm 2015; đóng góp 55,8% vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 96,8% giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp chủ yếu trong tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Từ ý nghĩa đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt xây dựng và phát triển cộng đồng DN. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ DN là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước. Thời gian qua, đặc biệt là năm 2016, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển DN như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, môi trường mạng trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường tiếp xúc đối thoại để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, tổ chức và triển khai thực hiện các giải pháp về khởi nghiệp, phát triển DN, hỗ trợ Hiệp hội DN trong việc vận động DN tham gia Hiệp hội DN, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ DN của cán bộ công chức, giáo dục đạo đức cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến DN.
Tỉnh đang quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. |
Trên tinh thần đồng hành cùng DN, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền các cấp phải nhanh chóng chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, hỗ trợ DN, hộ kinh doanh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian tới UBND sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp để phát triển DN và Hiệp hội DN với tinh thần trực tiếp đối thoại theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cùng với Hiệp hội DN tiếp tục tiếp xúc với DN vào mỗi sáng thứ 7 của tuần cuối tháng để trao đổi, giải quyết và lắng nghe những phản ảnh, đề đạt những khó khăn và tâm tư, nguyện vọng của DN nhằm giúp cho UBND tỉnh triển khai có hiệu quả sáng tạo, phù hợp trên địa bàn tỉnh các chủ trương, chính sách của Trung ương liên quan đến DN, đến nhà đầu tư. Đặc biệt là UBND tỉnh đang gấp rút hoàn thiện nghị quyết trình Tỉnh ủy ban hành về hỗ trợ và phát triển DN của tỉnh đến năm 2020. Đây là việc làm mới không phải địa phương nào cũng có nhằm thống nhất trong nhận thức và hành động từ cấp ủy đến chính quyền về hỗ trợ và phát triển DN. Tinh thần chung của nghị quyết là chú trọng giải pháp khởi nghiệp và phát triển DN, thành lập hoạt động có hiệu quả Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ DN tỉnh, nghiên cứu thành lập Hội đồng điều phối khởi nghiệp, gắn với câu lạc bộ khởi nghiệp và quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tiếp xúc và đối thoại DN, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội DN tỉnh; chú ý nghiên cứu giải pháp phát triển hộ kinh doanh có tiềm năng để phát triển thành DN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả theo hướng gắn chặt chẽ với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết qua môi trường mạng, đào tạo nâng cao kỹ năng và giáo dục đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch.
Thổi một luồng gió mới Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội DN, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, từ chủ trương chung của Trung ương, hiện nay tỉnh hưởng ứng và làm rất quyết liệt. Những động thái đó đã thổi một luồng không khí mới cho việc phát triển DN của địa phương. Điều mong mỏi của DN là không khí này được duy trì ở mức độ lâu dài. Bởi những động thái của tỉnh vừa qua ít ra cũng động viên tinh thần lẫn nhau, do để giải quyết những tồn tại, khó khăn của DN vẫn còn “vướng vấp” ở nhiều khâu liên quan đến cơ chế, thủ tục, cán bộ thừa hành nên không thể giải quyết ngày một ngày hai là xong. Cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN cần dựa trên tinh thần chính quyền là người đồng hành hơn nhà quản lý đối với DN. Khi thay đổi được tư duy, cách nhìn về DN, những khó khăn đi theo sẽ có nhiều thay đổi. Vì vậy, trong thời gian tới những chủ trương, chính sách liên quan đến DN cần được thực hiện hiệu quả, thực chất hơn, nhất là đối với những bộ phận thực thi nhiệm vụ cụ thể... |
Nhấn mạnh về việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, vì sự nghiệp chung của tỉnh, muốn thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh phải thay đổi chính mình, trong đó các thành viên UBND và Thường trực UBND tỉnh phải đi tiên phong; tiếp theo là các tổ liên ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị, thành. Điểm cần thay đổi trước tiên là trong cách tiếp xúc với các nhà đầu tư đồng thời thay đổi hệ thống nhân sự liên quan đến xúc tiến đầu tư, cần đảm bảo đúng ngành, đúng nghề và am hiểu nhiều lĩnh vực có liên quan để giúp nhà đầu tư cảm thụ được chính sách của tỉnh. Trong các buổi gặp gỡ DN không chỉ để đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà cái chính là để gần nhau, hiểu nhau hơn vì đối thoại hiện nay là việc làm bình thường và bắt buộc phải làm theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Mục tiêu cuối cùng là làm sao cho hệ thống chính quyền gần với DN hơn. Tuy nhiên, thông điệp của UBND tỉnh cũng rất rõ ràng là phát triển DN không chấp nhận việc đánh đổi môi trường.
Mong mỏi từ cộng đồng doanh nghiệp
Rất nhiều kỳ vọng đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN) chờ đợi sau những động thái và hành động quyết liệt của lãnh đạo tỉnh thông qua các chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ đầu tư, giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Thay đổi hình ảnh của Tiền Giang nói chung, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh. Từ chủ trương này, theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, loại bỏ những giấy tờ không cần thiết. Cụ thể, tỉnh chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, quyết định chủ đầu tư chỉ còn 20 ngày so với quy định là 35 ngày; chỉ đạo các sở, ngành trực tiếp xin ý kiến bộ, ngành Trung ương những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định mới về đầu tư, đất đai, xây dựng... Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị về phát triển DN năm 2016, Hội nghị đối thoại DN, kiện toàn Hiệp hội DN tỉnh và chỉ đạo các địa phương tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển DN... đã tạo sự ủng hộ, đồng thuận cao của cộng đồng DN, nhà đầu tư và nhân dân. Một trong những kết quả có thể nhận thấy rõ ràng nhất là thu hút đầu tư và phát triển DN trên địa bàn tỉnh trong 11 tháng qua đạt được khá tốt.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Minh Hưng Tiền Giang. |
Để cụ thể hóa chủ trương chung của tỉnh, theo ông Hồ Hữu Phước, Trưởng Phòng Lao động DN, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN), cho rằng các DN có phản ảnh về khó khăn, kiến nghị phòng sẽ tham mưu cho lãnh đạo kịp thời xử lý, giải quyết. Đối với các vấn đề có liên quan đến các sở, ngành, Ban Quản lý các KCN sẽ có văn bản đề nghị các ngành có liên quan trả lời cho DN. Đối với các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị vượt quá thẩm quyền, Ban Quản lý các KCN sẽ đề xuất UBND tỉnh có hướng giải quyết. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN cũng đã xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ngành có liên quan nhằm kịp thời hỗ trợ cho hoạt động của DN cũng như trong thực hiện chính sách đầu tư.
Hoan nghênh tinh thần gần gũi DN Ông Huỳnh Hữu Thiện, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Minh Hưng Tiền Giang cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, với các hiệp định kinh tế chuẩn bị có hiệu lực, DN chịu không ít áp lực, không chỉ là TPP hay AFTA. Đứng ở góc nhìn của DN, dưới sự chỉ đạo liên tục của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư, tạo mảnh đất đầu tư cho DN đã được quan tâm mạnh mẽ thông qua việc tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tạo cầu nối giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp đối thoại giữa UBND tỉnh và DN là cơ hội để cho DN chia sẻ và tìm cơ hội phát triển. DN rất hoan nghênh tinh thần gần gũi với DN của lãnh đạo tỉnh. Riêng lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính của tỉnh thời gian qua cũng được cộng đồng DN ghi nhận. Cải cách thủ tục hành chính đồng nghĩa là DN đến với các cơ quan chức năng không còn kiểu cửa quyền như ngày xưa. Gần dân và nghe dân nói đó là điều mà DN cần. Tuy nhiên, vấn đề cần thiết nhất là tỉnh tạo thêm cầu nối giữa DN trong tỉnh với DN ngoài tỉnh, đặc biệt là các DN miền Trung và miền Bắc. Bởi Tiền Giang là cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, là mảnh đất màu mỡ sản sinh ra rất nhiều DN thành công. Nếu có sự kết nối bền chặt, các sản phẩm mang tính đặc trưng, độc quyền của tỉnh sẽ có chỗ đứng ở thị trường các tỉnh, thành khác... |
Kết quả từ những động thái vừa qua đã được đón nhận từ chính cộng đồng DN. Khi đề cập đến quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thời gian qua, ông Phạm Quang Bình, Tổng Giám đốc Tipharco cho biết, hiện nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến hoạt động của các DN. Đặc biệt, trong quý II-2016, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị phát triển DN để tổng kết và đánh giá các hoạt động đã làm được trong năm 2015 về vấn đề đầu tư, thu hút đầu tư; qua đó xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Cụ thể, Hội nghị phát triển DN quan tâm 3 vấn đề rất có ý nghĩa đối với hoạt động của DN: Xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tăng cường đối thoại nhằm giảm bớt phiền hà và đảm bảo quyền kinh doanh bình đẳng của DN để tiếp cận vốn, công nghệ... Mới đây, UBND tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị đối thoại DN. Tại hội nghị này, những vướng mắc, khó khăn, đề xuất, đại diện DN đã trao đổi với các sở, ngành có liên quan và sau đó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp về các hướng giải quyết, tạo nên sự an tâm của DN. Những đổi mới trong chỉ đạo điều hành của tỉnh đã tạo niềm tin rằng, trong thời gian tới DN trên địa bàn tỉnh sẽ có bước phát triển mạnh mẽ.
Thế nhưng, chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ không dừng lại. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và có hiệu quả. Trước tiên là tiếp tục thúc đẩy phát triển DN, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch đã đề ra; trong đó giao nhiệm vụ, thời gian cụ thể cho các sở, ngành và địa phương thực hiện.
Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 nhằm tạo ra lực lượng DN mới với năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin đến DN, người dân thông qua việc công bố công khai, minh bạch thông tin quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các quy hoạch phát triển ngành; quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng - đô thị; diện tích đất trong các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là chính sách ưu đãi đầu tư...
THẾ ANH