Thứ Ba, 17/01/2017, 06:43 (GMT+7)
.

"Đìu hiu" mùa vú sữa tết

Mọi năm, càng gần tết, trên các ngã đường từ vườn về chợ trái cây Vĩnh Kim, những chuyến xe chở đầy ắp vú sữa xuôi ngược không dứt. Vậy mà năm nay đến thời điểm này chỉ lác đác vài chuyến xe chở vú sữa đến và đi.

Anh Bùi Tấn Đạt, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim cho biết vườn vú sữa của anh  sẽ cho thu hoạch rộ trong tháng 2.
Anh Bùi Tấn Đạt, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim cho biết vườn vú sữa của anh sẽ cho thu hoạch rộ trong tháng 2.

Về vùng trồng vú sữa của huyện Châu Thành (phía Nam Quốc lộ 1A) trong những ngày này, hình ảnh mà chúng tôi dễ dàng bắt gặp là những vườn vú sữa lưa thưa lá, trái nhỏ xíu. Bà Tư Bông, xã Kim Sơn  than: “Chưa có năm nào mà vú sữa cho trái trễ vụ như năm nay. Mọi khi, vú sữa cho thu hoạch rộ trong tết, nhưng năm nay hầu hết cho thu hoạch ngoài tết. Đến giờ, trong vườn chỉ có một vài trái chín, còn lại phần lớn trái chỉ mới hơn nửa cổ tay hay to hơn một tí. Tình trạng này cũng đang xảy ra ở nhiều vườn vú sữa khác. Nguyên nhân là do phần lớn cây ra bông đợt đầu bị rụng gần hết, lứa trái cỡ nửa cổ tay hiện tại được hình thành từ đợt ra bông lần 2”.

Không chỉ cho trái trễ vụ, phần lớn diện tích vú sữa cũng giảm năng suất trái đáng kể. “Năm nay, vú sữa cho trái lưa thưa, chỉ bằng 50% lượng trái năm rồi và phần lớn trái thu hoạch sau tết” - ông Dương Thái Hùng, ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Kim cho biết. Ông Hùng còn cho biết thêm, vườn của ông có 70 cây vú sữa khoảng 10 năm tuổi. Cũng như nhiều vườn vú sữa khác, những năm gần đây, năng suất vú sữa có xu hướng giảm dần qua từng năm. Song, chỉ có vụ này năng suất vú sữa giảm mạnh và cho thu hoạch trễ vụ nhiều đến như vậy. Tình hình này, vụ vú sữa năm nay ông khó tránh khỏi bị lỗ.

Không có điều kiện so sánh năng suất như vườn của ông Hùng do cây mới cho trái năm thứ 2, nhưng điều mà nhà vườn Bùi Tấn Đạt, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim nhận thấy rõ nhất ở mùa vú sữa này là ngoài cho trái muộn khoảng 1 tháng, trái vú sữa cũng không to và đẹp bằng như năm rồi. Đã vậy, luồng gió mạnh vừa qua đã làm cho một số cây vú sữa trong vườn bị gãy đổ. 

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết, đến thời điểm này, lượng vú sữa chín và thu hoạch giảm từ 70 - 80% so với cùng thời điểm năm rồi. Còn tính chung cả vụ, lượng vú sữa giảm khoảng 30 - 50% so với vụ rồi. Lý giải hiện tượng này, ông Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng tác nhân chủ yếu và trực tiếp nhất từ diễn biến bất lợi của thời tiết. Cụ thể, đối với khu vực trong đê bao, xâm nhập mặn vào đầu năm làm cho nhiều vườn bị thiếu nước ảnh hưởng đến khả năng cho trái, chất lượng trái của cây. Đối với diện tích ngoài đê, nhiều vườn bị nước mặn xâm nhập ảnh hưởng đến quá trình phát triển cũng như khả năng đậu bông của cây. Ngoài ra, do mưa liên tục vào cuối mùa mưa vừa qua cũng tác động đáng kể đến quá trình phát triển, ra bông, cho trái của cây. Thực tế, cùng bị ảnh hưởng thời tiết trên nhưng những vườn có hệ thống tiêu thoát nước tốt, cây ít bị ảnh hưởng hơn những vườn tiêu thoát nước kém. Cộng với đó, những năm qua, bệnh khô cành, thối rễ gây hại mạnh trên vú sữa và việc phòng trị gặp nhiều khó khăn cùng với thời tiết bất lợi của năm qua càng làm cho cây suy nhanh hơn, giảm mạnh năng suất cho trái.

Muốn xác thực điều ông Hải nói, chúng tôi ghé vào chợ trái cây Vĩnh Kim (chợ đầu mối trái cây lớn bậc nhất trong tỉnh), chợ trông kém nhộn nhịp hơn mọi năm. Lượng vú sữa trong chợ rất ít. Tổ Quản lý chợ trái cây Vĩnh Kim cho biết, đến thời điểm giữa tháng Chạp, lượng trái cây về chợ giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm. Trong đó, lượng vú sữa về chợ chỉ bằng khoảng 30% so với những năm trước. Dù rằng nhiều vườn vú sữa vẫn còn lứa thu hoạch nữa vào sau tết nhưng chắc cũng không nhiều như mọi năm. Điều đáng nói nữa là lượng vú sữa về chợ giảm mạnh nhưng giá lại không cao. Theo đó, hiện nay, vú sữa loại đẹp dùng đóng gói chuyển đi thị trường Hà Nội có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, tương đương năm rồi.

Trong khi đó, trước diễn biến bất lợi của thời tiết, trong năm, nhà vườn phải tăng cường công chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để phục hồi cây dẫn đến chi phí tăng. Thế nhưng, năng suất vú sữa giảm cộng với giá bán không cao hiện nay làm cho nhà vườn không khỏi lo lắng.

Tết đang đến gần, trong khi nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái khác đang bắt đầu “tung hàng” ra bán tết thì nhà vườn trồng vú sữa lại không có trái cây đặc sản của quê hương tham gia thị trường cuối năm. Xem ra, tết này nhà vườn trồng vú sữa sẽ kém vui.

N.VĂN

.
.
.