Thứ Hai, 16/01/2017, 05:47 (GMT+7)
.

Mùa bánh tết vào cao điểm sản xuất

Chưa hình thành làng nghề sản xuất tập trung nhưng huyện Cai Lậy hiện có những điểm sản xuất bánh tráng, bánh phồng tết với quy mô gia đình, thị trường tiêu thụ ổn định. Những ngày giáp tết, có thể cảm nhận không khí nhộn nhịp tại những điểm sản xuất để đưa sản phẩm góp mặt vào thị trường, tăng thu nhập cho người lao động dịp cuối năm.

Ông Trần Văn Thiềng bên sản phẩm bánh phồng mì truyền thống của gia đình.
Ông Trần Văn Thiềng bên sản phẩm bánh phồng mì truyền thống của gia đình.

Nổi tiếng với nghề làm bánh phồng hơn nửa thế kỷ, từ tháng 11 âm lịch, các hộ sản xuất bánh phồng ở xã Long Trung đã bắt tay vào mùa bánh tết. Sản phẩm đặc trưng của các lò bánh ở Long Trung là bánh phồng mì và bánh phồng sữa. Mỗi gia đình đều có bí quyết riêng để sản phẩm thơm ngon, vị ngọt, béo hài hòa. Ông Trần Văn Thiềng - một hộ sản xuất bánh phồng ở ấp 11 (xã Long Trung) cho biết, vợ chồng ông là thế hệ thứ ba duy trì nghề truyền thống của gia đình. Mỗi ngày, lò bánh của gia đình ông sản xuất khoảng 4.000 bánh phồng mì, bánh phồng sữa bỏ mối theo đơn đặt hàng với giá dao động từ 150.000 đồng/100 bánh - 250.000 đồng/100 bánh. Ngoài các thành viên trong gia đình, ông còn thuê thêm từ 5 - 7 nhân công cho công đoạn cán bột, phơi bánh. Mỗi năm, xóm bánh phồng Long Trung chỉ tập trung sản xuất 2 tháng giáp tết nhưng đã góp phần tạo việc làm cho lao động thời vụ, các gia đình cũng có thêm điều kiện mua sắm tết.

Hơn 30 năm theo nghề làm bánh tráng, thời điểm cận tết, gia đình bà Triệu Thị Kim Chi ở ấp Hiệp Nhơn, xã Hiệp Đức làm việc luôn tay nhưng sản phẩm làm ra chỉ đủ cung cấp cho mối quen. Đã thành thông lệ, giữa tháng 11 âm lịch, các thành viên trong gia đình bà Chi lại chuẩn bị cho mùa bánh tết. Mỗi ngày, bà tráng khoảng 30 lít bột với thành phẩm 400 bánh tráng ngọt cho khách, giá bán 400.000 đồng/100 bánh. Theo bà, bánh tráng ngọt quan trọng ở khâu xay bột, cân đối nguyên liệu nước cốt dừa, đường, mè để bánh có độ ngọt, béo, dậy mùi thơm khi nướng trên than hồng. Mỗi năm chỉ sản xuất tập trung hơn 1 tháng nhưng thu nhập đủ để gia đình bà dư dả mua sắm tết.

Cùng với không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, các điểm sản xuất bánh tráng, bánh phồng ở huyện Cai Lậy đã bước vào cao điểm sản xuất. Tùy truyền thống gia đình, điều kiện cơ sở vật chất và thị trường tiêu thụ mà mỗi điểm cho ra lò lượng hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của khách. Nghề làm bánh tráng, bánh phồng tết không chỉ tăng thu nhập cho các hộ gia đình mà còn lưu giữ nét đẹp truyền thống của tết quê Nam bộ. Hương vị hạt nếp, hạt gạo quê hương qua bàn tay khéo léo của người thở trở thành món ngon không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của dân tộc.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.