Thứ Năm, 12/01/2017, 10:39 (GMT+7)
.

"Tết sớm" trên vùng quê nông thôn mới

Không khí tết đang tràn ngập những con đường bê tông phẳng phiu uốn lượn qua các ngõ xóm, làng quê với tiếng xe máy, ô tô cùng tiếng nói cười rộn rã của những người dân nông thôn mới (NTM). Đón năm mới Đinh Dậu 2017, niềm vui của người dân ở những xã vừa lên NTM như được nhân đôi.

HẠ TẦNG ĐỔI MỚI

Trong những ngày đầu năm 2017, Tiền Giang đã có thêm 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trước đó vào cuối năm 2016, 5 xã đã đón nhận danh hiệu này, nâng đến nay toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn NTN. Trong niềm vui rộn ràng chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc, những cư dân NTM hôm nay vừa cảm thấy tự hào vừa được tiếp thêm động lực để xây dựng quê hương khang trang hơn. Có lẽ điều mà cư dân NTM vui nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp. “Người dân nông thôn bây giờ sướng hơn trước nhiều. Đường sá giờ thông thoáng lắm. Bất kể mưa hay nắng, người dân vẫn có thể chạy xe ra đồng, lên rẫy; ô tô có thể vào tận nhà, tận ruộng chở hàng hóa, nông sản” - ông Lộc, người dân xã Trung An (TP. Mỹ Tho) bày tỏ.

Sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững vẫn là bài toán nan giải ở các xã NTM.
Sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững vẫn là bài toán nan giải ở các xã NTM.

Nhưng xây dựng NTM không chỉ có những đường được bê tông hóa, cứng hóa mà còn nhiều công trình khác nữa như hệ thống thủy lợi được nạo vét đảm bảo nước cho sản xuất; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, ấp được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học hành, người dân chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng văn hóa tinh thần được tốt hơn… Ông Lê Văn Đáng, ấp Ông Cai, xã Tân Trung (TX. Gò Công) đã không giấu được niềm vui khi chứng kiến quê hương lên NTM với đường sá, trường học, trạm y tế được xây mới, nâng cấp: “Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn giờ đây trở nên khang trang hơn trước”.

Có thể không có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (gọi tắt là Chương trình xây dựng NTM) thì hạ tầng cơ sở nông thôn rồi cũng sẽ được đầu tư, nâng cấp theo sự phát triển của đất nước nhưng không phải bây giờ. Nhờ có Chương trình xây dựng NTM mà cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nhanh hơn, điều kiện sống của người dân được tốt hơn. Ông Phan Thành Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành) - xã vừa đón nhận danh hiệu đạt chuẩn NTM, cho biết qua 5 năm xây dựng NTM, xã có 100% tuyến đường xã được bê tông hóa; trên 91% đường ấp được cứng hóa, trong đó có trên 82% đường đạt cấp B, C; đường ngõ xóm được cứng hóa, không lầy lội. Xã có 3/3 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất (2 trường đạt chuẩn cấp độ 1, 1 trường đạt chuẩn cấp độ 2). Nhà văn hóa xã được tỉnh đầu tư nâng cấp và các trụ sở văn hóa ấp được xây mới từ nguồn vốn của huyện và tài trợ của doanh nghiệp… Từ đó, người dân thuận lợi hơn trong sinh hoạt, học tập và sản xuất.

Theo ước tính, tại 12 xã đạt chuẩn NTM vừa qua, xã có nguồn vốn huy động vào xây dựng NTM thấp nhất cũng vài chục tỷ đồng, những xã có vốn huy động cao cũng ở mức khoảng 200 tỷ đồng. Phần lớn nguồn vốn trên dùng vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Ai cũng biết hạ tầng cơ sở là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thực tế, các công trình hạ tầng được đầu tư, nâng cấp theo các tiêu chí NTM vừa qua đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

TIẾP TỤC NỖ LỰC

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù đã được công nhận “xã đạt chuẩn quốc gia NTM” nhưng ở nhiều xã, một số công trình hạ tầng như trường học, đường giao thông, điện…vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, nâng cấp để đạt yêu cầu của Bộ Tiêu chí. Do đó, công việc trước mắt hiện nay là các xã và các cấp, các ngành liên quan phấn đấu hoàn thành các công trình còn đang thi công dở dang. 

Xây dựng NTM với mục tiêu chủ yếu nâng cao đời sống của người dân. Và các xã xây dựng NTM là những xã thuần nông nên việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp là khâu quyết định trong việc nâng thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, các xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; triển khai nhiều mô hình như chăn nuôi heo, dê, bò sinh sản; xây dựng và nhân rộng mô hình Cánh đồng lớn, sản xuất nông sản an toàn… Song, thực tế phần lớn các giải pháp trên chỉ dừng lại ở mô hình, chưa tạo được sức lan tỏa thật sự trong dân. Đặc biệt, các giải pháp liên kết sản xuất và tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo, nông dân và doanh nghiệp chưa gặp nhau, từ đó đầu ra nông sản không ổn định. Đó là chưa nói rủi ro trong sản xuất nông nghiệp từ tác động của thiên tai, thị trường vẫn còn rất cao, dẫn đến thu nhập của người dân chưa bền vững. Ông Võ Ngọc Diệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Lương Phú (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo), cho biết dù được các ngành, các cấp quan tâm xây dựng mô hình sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, thế nhưng từ khi thành lập đến nay, tổ hợp tác chưa liên kết được với doanh nghiệp để tiêu thụ thanh long. Kết quả, các tổ viên phải tự tìm đầu ra cho trái thanh long của mình. Tình trạng này cũng là thực trạng chung trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Ngoài ra, các tiêu chí An ninh, trật tự xã hội; Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên… cũng rất dễ biến động. Do đó, tuy đã đạt chuẩn NTM nhưng các xã xác định vẫn phải tiếp tục nỗ lực duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt, nhất là các tiêu chí dễ biến động.

Vừa qua, tại các buổi lễ công bố “xã đạt chuẩn quốc gia NTM”, lãnh đạo tỉnh cũng đã nhấn mạnh việc phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí đã khó nhưng giữ vững các tiêu chí trên càng khó. Từ đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các xã phải tiếp tục hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

N.VĂN

.
.
.