Chủ Nhật, 26/02/2017, 13:35 (GMT+7)
.

Đồng bằng sông Cửu Long với thử thách 2017

Ngay từ những ngày tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những dấu hiệu trì trệ về tăng trưởng.

Tỷ lệ tăng trưởng của vùng ĐBSCL từ năm 2010-2016 giảm rõ rệt (xem biểu đồ). Nếu chỉ xem xét trong ba năm gần đây, so với năm 2014, mức tụt giảm rõ rệt ở hai năm 2015 và 2016. Dễ lý giải là hai năm nay thiên tai và biến đổi khí hậu trong khu vực rất rõ nét: mức nước sông Mêkông đổ về vùng đồng bằng giảm sút nghiêm trọng, khô hạn và nước mặn xâm nhập làm thất thu kinh tế cho toàn vùng rất lớn. Với cấu trúc kinh tế và dân số vùng phụ thuộc quá lớn vào sản xuất nông nghiệp và thủy sản, còn dịch vụ và công nghiệp chủ yếu chỉ là những hoạt động liên quan đến chế biến, phân phối nông sản thì với những bất trắc của thiên tai và thị trường, khả năng phát triển sẽ rất hạn chế.

rung
Vùng Đồng Tháp Mười - nơi còn lưu trữ nguồn nước lớn ở ĐBSCL. Ảnh: Vân Anh

ĐBSCL đang thăm dò các phương cách chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp hiện hữu, trong khi những yếu tố thị trường trong và ngoài nước có nhiều yếu tố bất định, nhất là sự cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo mà Myanmar và Pakistan đang nổi lên như những nước bán gạo với giá rẻ và rủi ro từ thị trường Trung Quốc.

Năm 2017 tiếp tục là một năm khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL do yếu tố nguồn nước. Từ năm 2000 đến nay, xu thế giảm sút tài nguyên nước vùng ĐBSCL xảy ra khá nhanh, cả trong đỉnh điểm mùa mưa lũ và mùa khô kiệt. Mặc dầu trong mùa mưa 2016, mực nước lũ về có cao hơn năm trước và mùa mưa kết thúc trễ hơn nhưng đây vẫn là năm lũ thấp và ít phù sa. Đến khi dứt mưa vào đầu tháng 12-2016 đến cuối tháng 1-2017, dấu hiệu thiếu nước vùng đầu nguồn và hiện tượng nước mặn xâm nhập ở các cửa sông ven biển bắt đầu lộ diện. Mặc dù, trong những ngày trước và trong Tết Âm lịch, một số vùng ĐBSCL đột nhiên có những trận mưa bất thường nhưng cũng không đủ để cải thiện được tình hình, trong khi lại làm khó khăn hơn cho nông dân canh tác hoa Tết. Ở thời điểm cuối tháng 1-2017, trong khoảng cách 20-25 km từ mép bờ biển vào đất liền, độ mặn trên sông duy trì ở mức xấp xỉ 2‰ và sẽ gia tăng nhanh vào các tháng mùa khô tới. Với độ mặn này, việc cấp nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất cho các xã ven biển sẽ rất khó khăn.

Một thử thách lớn không kém cho vùng ĐBSCL là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và không khí từ hoạt động công nghiệp trong khu vực. Mặc dù sau thảm họa môi trường biển bốn tỉnh miền Trung do Formosa gây ra và các sự cố môi trường khác như ở sông Thị Vải (Đồng Nai), Nhà nước đã có những bước đi cứng rắn hơn với các nhà đầu tư, buộc họ phải có những giải pháp kiểm soát ô nhiễm chặt chẽ, đồng thời hoạt động giám sát diễn ra thường xuyên hơn nhưng nguy cơ này chưa hẳn đã bị loại trừ. Cụm công nghiệp Nhà máy Giấy Lee & Man ở Hậu Giang, sau khi bị tạm dừng một nhà máy sản xuất bột giấy, sẽ cho vận hành nhà máy sản xuất giấy bao bì cao cấp công suất 420.000 tấn/năm trong năm 2017 này. Tuy nhà máy cam kết thực hiện đúng quy trình xử lý nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng với giấy phép hoạt động tới 70 năm, không ai có thể đoán chắc là không có sự cố môi trường nào xảy ra, mà theo đó, hậu quả lên hệ sinh thái thủy vực sẽ rất nghiêm trọng và sự xáo trộn đời sống người dân sẽ khó khắc phục.

Trong năm 2017, cụm các nhà máy nhiệt điện than tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đi vào vận hành. Các nhà máy nhiệt điện than ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng sẽ được khởi công tiếp. Đây sẽ là điểm phát tán ô nhiễm không khí cho cả khu vực cửa sông Hậu và các vùng phụ trợ. Các hoạt động công nghiệp và năng lượng sẽ lấy đi một khối lượng lớn nước sạch vốn đang cạn kiệt dần ở vùng ĐBSCL.

Ô nhiễm đất cũng là một vấn đề lớn do hoạt động sản xuất tập trung ở khu vực.

Di dân ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ cao nhất Việt Nam và đang là một hiện tượng xã hội đáng lưu ý. Mặc dù cư dân vùng ĐBSCL vốn là lưu dân từ miền Trung và miền Bắc vào khai phá vùng đất này, nhưng quá trình di dân mở cõi và hình thành vùng dân cư sung túc đến thập niên 1970 phải mất hơn 300 năm. Trong khi hiện nay, chỉ hơn năm năm gần đây, dòng dịch chuyển dân cư từ nông thôn lên các khu đô thị và khu công nghiệp tăng gấp 10-15 lần so với 40 năm trước đó, tùy thuộc vào kết quả canh tác và công việc thời vụ. Theo một số khảo sát, tỷ lệ xuất cư từ vùng ĐBSCL đến vùng công nghiệp Đông Nam bộ lên đến trên 97%, đến nỗi người dân địa phương dùng cụm từ “đi Bình Dương” để ám chỉ chung cho lớp người bỏ quê lên các khu công nghiệp làm thuê. Di dân có thể có mặt tích cực trong việc phân bố lại lực lượng lao động và tăng trưởng công nghiệp nhưng cũng có rất nhiều hệ quả tiêu cực về xã hội và môi trường đô thị - công nghiệp.

"ĐBSCL đang thăm dò các phương cách chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp hiện hữu, trong khi những yếu tố thị trường trong và ngoài nước có nhiều yếu tố bất định"

Trong thử thách luôn le lói một số cơ hội. Nhận thức về các vấn đề môi trường và xã hội của người dân và chính quyền địa phương đã có những chuyển biến từ nhiều bài học thực tế trong thời gian gia. Nếu trước đây khoảng 6-7 năm, một khảo sát nhanh của Viện DRAGON, Đại học Cần Thơ cho thấy chỉ khoảng 25-30% người được hỏi có ý kiến quan ngại về các vấn đề nguồn nước, đập thủy điện thượng nguồn sông Mêkông, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thì nay con số này đã lên đến 80-85%. Tất cả đều phát biểu cần có những thay đổi về chính sách nông nghiệp, quy hoạch đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát ô nhiễm và tái cơ cấu sản xuất toàn vùng. Cuối năm 2016, nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm ở vùng ĐBSCL, các nhà khoa học và quản lý trong và ngoài nước đều nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết vùng, giảm diện tích lúa ba vụ, lưu giữ nguồn nước cho vùng đồng bằng. Lãnh đạo của ba tỉnh Đồng Tháp - Long An và Tiền Giang đã có cam kết sẽ theo đuổi việc thực hiện liên kết vùng, chia sẻ nguồn nước vùng Đồng Tháp Mười và tái cơ cấu sản xuất theo hướng liên kết bền vững. Các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học từ các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Hà Lan... đã có những thỏa thuận hợp tác khoa học với trường Đại học Cần Thơ để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm mục tiêu giúp ĐBSCL tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương.

Thực tế qua nhiều năm, người dân miền Nam luôn biết vận dụng những điều kiện thực tế để khéo léo xoay chuyển tình thế. Thử thách trong năm 2017 là thực sự lớn nhưng hy vọng sẽ có những giải pháp phù hợp để hạn chế những trở ngại.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.