Huyện Cai Lậy: Chủ động ứng phó với hạn mặn
Để bảo vệ diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái ở các xã phía Nam Quốc lộ 1A, huyện Cai Lậy đã triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với hạn mặn mùa khô 2016 - 2017, đảm bảo nguồn nước tưới, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại sản xuất nông nghiệp cho người dân.
Được bao bọc bởi sông Tiền và sông Năm Thôn, Ngũ Hiệp là xã đầu tiên ở huyện Cai Lậy đối mặt với ảnh hưởng của đợt xâm nhập mặn vào tháng 3-2016. Vì vậy, năm nay công tác ứng phó với tình hình hạn mặn đang được xã gấp rút triển khai. Theo ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp, toàn xã có trên 1.600 ha vườn cây ăn trái, ngoài thông báo thường xuyên kết quả đo độ mặn tại các điểm đo cố định trên địa bàn xã, các ấp đã kiểm tra hệ thống đê bao, đảm bảo việc ngăn mặn và khuyến cáo người dân nạo vét mương vườn dự trữ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, kéo dài.
Nông dân xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) chủ động trang bị máy đo độ mặn và phối hợp Ban Nông nghiệp xã trong việc theo dõi diễn biến tình hình hạn mặn để chủ động trong tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Những ngày qua, ông Trần Văn Sáu (ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp) đều đặn cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống báo, đài và loa truyền thanh ấp. Để bảo vệ 8 công vườn chuyên canh sầu riêng, ông Sáu đã cải tạo mương vườn, kiểm tra cống bọng để chủ động nguồn nước tưới tiêu. Ông cho biết: “Sầu riêng là loại cây khá mẫn cảm với điều kiện của thời tiết. Sau khi ứng phó với tình hình xâm nhập mặn năm 2016, tôi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là trang bị máy đo độ mặn để chủ động trong việc đóng, mở cống bọng vào mương vườn, trữ nước tưới tiêu trong trường hợp khô hạn, xâm nhập mặn kéo dài để không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng”.
Tại Tam Bình - xã có trên 1.500 ha chuyên canh cây sầu riêng, công tác ứng phó với tình hình hạn, mặn đang được khẩn trương thực hiện. Năm 2017, xã Tam Bình có kế hoạch nạo vét 19 tuyến kinh và sửa chữa 23 cống bọng với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng, đảm bảo việc chống hạn và ngăn mặn trong mùa khô. Xã cũng bố trí 4 điểm đo cố định theo dõi diễn biến của tình hình xâm nhập mặn và phối hợp tập huấn, hướng dẫn các giải pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, xã còn tập trung nâng cao tính chủ động, tích cực của nông dân trong việc ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Ông Nguyễn Văn Ước, nông dân chuyên canh sầu riêng ở ấp Bình Hòa B cho biết, năm 2016 sản lượng thu hoạch từ 1 ha vườn của gia đình bị ảnh hưởng nặng sau đợt xâm nhập mặn. Hiện nay, ngoài việc tập trung chăm sóc, khôi phục lại vườn cây, ông Ước dự tính sẽ linh động điều chỉnh mùa vụ thu hoạch, xiết nước trong những tháng cao điểm mùa khô, tích trữ nước tưới trong mương vườn để ứng phó nếu nắng hạn kéo dài.
Huyện Cai Lậy có trên 14.300 ha vườn cây ăn trái tập trung tại các xã phía Nam Quốc lộ 1A, sản lượng trên 263.000 tấn mỗi năm. Kinh tế vườn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, đặc biệt là diện tích vườn chuyên canh sầu riêng, vú sữa Lò Rèn, bưởi da xanh… Năm 2016, tình hình xâm nhập mặn đã ảnh hưởng hơn 3.600 ha vườn cây ăn trái ở 5 xã: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Mỹ Long, Long Tiên và Long Trung. Vì vậy, công tác ứng phó với hạn mặn trong mùa khô 2016 - 2017 được huyện Cai Lậy chủ động thực hiện. Theo kế hoạch, huyện Cai Lậy đầu tư kinh phí trên 12,6 tỷ đồng cho công tác gia cố, thi công các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, trang bị thêm máy đo độ mặn cho các xã; thông tin, tuyên truyền, nâng cao tính chủ động, tích cực của nông dân trong việc bảo vệ cây trồng, vật nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất nông nghiệp.
Theo dự đoán, ở các xã phía Nam huyện Cai Lậy, nước mặn sẽ xâm nhập theo hướng sông Tiền và sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) sang. Huyện đã bố trí các điểm đo cố định trên tuyến sông Tiền, sông Năm Thôn và mở rộng các điểm đo theo hướng nước mặn xâm nhập để kịp thời thông báo cho người dân chủ động nguồn nước tưới trước khi tiến hành đóng hệ thống cống đập. Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy thông tin: “Đến thời điểm này, huyện Cai Lậy đã khởi công 2 công trình thủy lợi ở các xã phía Nam Quốc lộ 1A để đáp ứng nhu cầu dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn mặn. Các công trình còn lại sẽ tiếp tục khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công. Thời gian qua, các xã đã tập trung gia cố đê bao, cống bọng, kiểm tra nguồn nước thường xuyên để kịp thời thông báo cho người dân chủ động bảo vệ, chăm sóc vườn cây ăn trái, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong tình huống xảy ra xâm nhập mặn”.
Với sự chủ động của ngành chức năng, chính quyền các địa phương, huyện Cai Lậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn trong mùa khô 2016 - 2017, đảm bảo nguồn lợi kinh tế, giúp người dân an tâm lao động, sản xuất.
TRƯỜNG GIANG