Thứ Sáu, 10/02/2017, 15:11 (GMT+7)
.

Khai thác thế mạnh đặc thù trong liên kết vùng

Tập trung xác định thế mạnh kinh tế đặc thù của từng vùng trong tỉnh theo hướng cụm liên kết huyện, thị, thành để phát huy tiềm năng kinh tế và nguồn lực sẵn có, tạo thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển của mỗi vùng trong tỉnh... là tinh thần chính của Hội nghị Phát triển các vùng kinh tế tỉnh Tiền Giang do Tỉnh ủy tổ chức ngày 9-2 tại 3 điểm: TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy và huyện Gò Công Tây.

Tại các hội nghị cũng đã triển khai dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển 3 vùng kinh tế: Vùng trung tâm, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây và Đề án định hướng phát triển kinh tế - xã hội 3 vùng của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh.

Xây dựng TP. Mỹ Tho là hạt nhân, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Trần Liêm
Xây dựng TP. Mỹ Tho là hạt nhân, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Trần Liêm

DẪN ĐẦU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển kinh tế Vùng trung tâm tỉnh (bao gồm: Huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo) diễn ra tại TP. Mỹ Tho, ông Lê Hồng Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải xác định được mục tiêu là khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của từng địa phương trong vùng và toàn vùng trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng; cùng khai thác các cơ hội, lợi thế so sánh của vùng, cùng giải quyết các vấn đề chung, qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị trí của vùng kinh tế đô thị trung tâm; là vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh với cơ cấu kinh tế đa dạng, đồng bộ theo hướng hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao và là hạt nhân tăng trưởng, thúc đẩy phát triển các vùng trong tỉnh và có tác động liên quan đến các vùng lân cận ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp của vùng trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế về giao thông của vùng như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, sông Tiền, kinh Chợ Gạo, cảng Mỹ Tho, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ông Lê Hồng Quang cũng cho biết, định hướng phát triển các ngành công nghiệp chính của vùng như công nghiệp chế biến nông thủy sản, công nghệ cao, cơ khí phục vụ cho nông nghiệp, hàng tiêu dùng, không phát triển mới các ngành công nghiệp gây ô nhiễm ở các khu, cụm công nghiệp trong thành phố; ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, ít ô nhiễm môi trường đồng thời nghiên cứu sớm có kế hoạch di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm ra khỏi đô thị và khuyến khích phát triển công nghiệp sạch trong đô thị. Bên cạnh đó cần tập trung phát triển đô thị động lực là TP. Mỹ Tho và các đô thị vệ tinh như: Chợ Gạo, Vĩnh Kim, Long Định, Tân Hiệp, Bến Tranh... Đồng thời, chú trọng phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đầu tư phát triển mạnh các loại hình dịch vụ cao cấp, phát triển du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, các khu dân cư đô thị mới...

Theo ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, Vùng kinh tế trung tâm tỉnh có tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất 3 năm gần đây tăng 16,1%/năm, cao hơn tốc độ tăng của tỉnh 13%; tỷ trọng giá trị sản xuất của vùng chiếm tỷ trọng cao 56,6% toàn tỉnh. Cơ cấu kinh tế của vùng có sự chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp xây dựng cũng là ngành tăng trưởng cao nhất 20,5%/năm, nên tỷ trọng khu vực tăng khá nhanh và chiếm cao nhất, đến năm 2016 chiếm trên 72%; khu vực dịch vụ chiếm gần 14% và khu vực nông - lâm - ngư nghiệp giảm gần 14%...

PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG ĐỂ TẠO SỰ CẠNH TRANH

Chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế Vùng phía Đông do Tỉnh ủy tổ chức tại huyện Gò Công Tây, ông Lê Văn Hưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế các vùng, trong đó có Vùng phía Đông. Theo ông Lê Văn Hưởng, việc liên kết phát triển kinh tế Vùng phía Đông nhằm mục tiêu tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cách làm cũng như tạo sự cạnh tranh, giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng để cùng nhau phát triển; đồng thời qua đó các địa phương có điều kiện kiểm tra lại các quy hoạch trước đây trên địa bàn có còn phù hợp không.

Vùng phía Đông gồm TX. Gò Công là đô thị hạt nhân, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông có diện tích 782,5 km2, dân số 412,9 ngàn người, mật độ dân số bình quân 528 người/km2. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, vùng có đường biển với nhiều tiềm năng về phát triển cảng biển, hội đủ các yếu tố tiềm năng để hình thành vùng kinh tế biển Gò Công, có cảnh quan biển thích hợp phát triển du lịch, công nghiệp chế biến nông, thủy sản và nuôi trồng thủy sản… gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái và tái tạo nguồn lợi thủy sản...

Theo lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và các địa phương, Vùng phía Đông có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và văn hóa; có nhiều di tích lịch sử chung. Trong đó, vùng cũng có nhiều sản phẩm lợi thế cần được liên kết mới khai thác hiệu quả, nhất là du lịch. Thế nhưng, để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên, các địa phương cần chủ động phát huy tiềm năng sẵn có, khai thác hiệu quả nguồn lực tại chỗ, không trông chờ vào tỉnh. Muốn vậy, các địa phương cần phải “ngồi lại” tính toán thế mạnh của vùng, từng vùng để có sự phân công trong đầu tư, khai thác mới hiệu quả.

Ông Lê Văn Hưởng cho rằng, qua quan tâm đầu tư của tỉnh thời gian qua, cơ sở hạ tầng Vùng phía Đông đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng. Định hướng thời gian tới, các địa phương phải xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, gắn kết cùng nhau khai thác lợi thế của vùng. Theo đó, các địa phương cần phải chọn cho mình sản phẩm chủ lực. Các sở, ngành hỗ trợ các địa phương đầu tư, khai thác lợi thế của vùng trên lĩnh vực của ngành. Trước mắt, tỉnh sẽ tính toán phương thức đầu tư nâng cấp thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông), phát triển đô thị cho huyện Tân Phú Đông.

Ông Lê Hồng Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế Vùng trung tâm tỉnh.
Ông Lê Hồng Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế Vùng trung tâm tỉnh.

TẠO ĐỘNG LỰC CHO SỰ TĂNG TRƯỞNG

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Phát triển kinh tế Vùng phía Tây (gồm: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Tân Phước và TX. Cai Lậy), ông Võ Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị, phát huy vai trò tham mưu của từng địa phương trong vùng để xem xét lại chương trình hành động, nghị quyết đảng bộ của từng huyện, thị xã để bổ sung Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đề án phát triển kinh tế vùng của UBND tỉnh nhằm kết nối được sự phát triển chung của vùng. Tạo tâm thế chủ động trong việc rà soát toàn diện nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ từng địa phương, nhất là các giải pháp cụ thể để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong đó, coi trọng công tác quy hoạch, dự báo, dự đoán diễn biến nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo tâm thế tiếp cận để công tác quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển chung.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Bình cho biết, hội nghị hôm nay chủ yếu là để Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe ý kiến góp ý phản hồi, phản biện xoay quanh dự thảo Nghị quyết về phát triển Vùng phía Tây tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Sau khi hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét và tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để bàn sâu nội dung này để Nghị quyết thiết thực, hiệu quả, có tính khả thi cao khi triển khai thực hiện. Do đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện đề án, Nghị quyết để trong quý I-2017, Tỉnh ủy sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế các vùng trong tỉnh và sau đó triển khai thực hiện.

Theo quan điểm phát triển, Vùng phía Tây của tỉnh có vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh với cơ cấu kinh tế đa dạng, đồng bộ theo hướng hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng cao; là động lực tăng trưởng, hỗ trợ, lôi kéo và liên kết phát triển các vùng trong tỉnh; có tác động quan trọng đến các vùng lân cận ngoài tỉnh. Với một số công trình mang tính đầu mối - trung chuyển - phát luồng về đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, một số chỉ tiêu chủ yếu của vùng đến năm 2020 như: Dân số của toàn vùng khoảng 697.000 người; giá trị sản xuất của vùng tăng bình quân hằng năm đạt trên 12,5 - 13,5%/năm…; cơ cấu giá trị sản xuất khu vực I chiếm 30,6%, khu vực II chiếm 54,7%, khu vực III chiếm 14,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 71,5 triệu đồng; thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 65 ngàn tỷ đồng…

THẾ ANH - N.VĂN - HỮU NGHỊ

.
.
.