Khó tạo nguồn cho xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Tuy Tiền Giang là một tỉnh có nguồn lao động dồi dào nhưng công tác XKLĐ lại chưa tương xứng với tiềm năng.
Năm 2016, Tiền Giang có 173 lao động đi XKLĐ, đạt 115% kế hoạch năm. Điều này cho thấy, dù công tác tuyên truyền, vận động, tạo nguồn lao động cùng chính sách hỗ trợ vốn vay đã được triển khai, nhưng việc XKLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế về chỉ tiêu và đặt ra nhiều vấn đề trong việc triển khai trong thời gian tới.
Lớp học tiếng Hàn của các lao động ứng tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang. |
SỐ NGƯỜI ĐI XKLĐ CÒN THẤP
Những con số đưa ra tại Hội thảo Giải pháp tạo nguồn lao động tỉnh Tiền Giang tham gia XKLĐ năm 2017 vừa được Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang tổ chức cho thấy, Tiền Giang là tỉnh có số người đi XKLĐ còn rất thấp so với các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Đồng Tháp. Trong năm 2016, Vĩnh Long có gần 700 lao động đi XKLĐ và với tỉnh Đồng Tháp thì số người đi XKLĐ đã vượt hơn 1.000 người.
Theo ông Lê Văn Tươi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, việc tạo nguồn lao động cho công tác XKLĐ của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, do nhận thức của người dân trong tỉnh về XKLĐ chưa cao. Người lao động vẫn còn tâm lý sợ rủi ro, ngại đi làm xa; kế đến trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật của người lao động còn hạn chế, không đáp ứng với yêu cầu khắt khe của một số nước phát triển như Nhật Bản...
Riêng thị trường lao động Hàn Quốc, tuy đã mở cửa trở lại nhưng số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam vẫn hạn chế. Do đó, tỷ lệ thi “chọi” để được đi XKLĐ ở thị trường lao động này khá cao, trong khi khả năng cạnh tranh của lao động Tiền Giang kém nên tỷ lệ trúng tuyển thấp, chỉ có 18 lao động đi XKLĐ ở Hàn Quốc trong năm 2016.
Bên cạnh đó, cơ chế tài chính cũng đang là “rào cản” đối với người lao động của tỉnh muốn tham gia XKLĐ. Bởi nguồn kinh phí cho vay vốn của ngân sách tỉnh chưa có. Mức hỗ trợ chi phí ban đầu thấp nhưng thủ tục thụ hưởng lại phức tạp. “Ở tỉnh Đồng Tháp, người lao động thuộc hộ chính sách khó khăn, nghèo và cận nghèo sẽ được ngân hàng hỗ trợ cho vay 100% vốn đi XKLĐ. Còn ở tỉnh Tiền Giang, chính sách hỗ trợ tài chính cho người đi XKLĐ không đủ hấp dẫn. Nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn muốn vay vốn đi XKLĐ phải có tài sản thế chấp và mức vay không cao. Do đó, nhiều người muốn tham gia XKLĐ nhưng tài chính không đáp ứng nên không thể tham gia” - ông Lê Văn Tươi cho biết.
Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), công tác tuyên truyền về XKLĐ ở một số địa phương còn hạn chế. Cụ thể trong năm 2016, Phòng LĐ-TB-XH các huyện đã không tổ chức kế hoạch tư vấn, tuyên truyền XKLĐ đến với người lao động.
Công tác tạo nguồn XKLĐ chưa được quan tâm nên việc vận động sinh viên ra trường tham gia XKLĐ không hiệu quả. Mặt khác, do lao động của tỉnh không có tay nghề nên thị trường dễ tham gia thì thu nhập thấp. Những nước có thu nhập cao thì chi phí xuất cảnh và điều kiện tham gia khó đáp ứng. Các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi XKLĐ đều ở ngoài tỉnh nên công tác quản lý gặp khó khăn.
Trong khi đó, đại diện của Phòng LĐ-TB-XH huyện Châu Thành dẫn chứng về khó khăn của công tác XKLĐ tại địa phương, nếu như năm 2005 có 309 lao động đi XKLĐ, năm 2006 có 201 lao động đi XKLĐ… thì đến năm 2016, huyện Châu Thành chỉ có 17 lao động đi XKLĐ.
“Điểm mới của việc thực hiện công tác XKLĐ ở tỉnh Tiền Giang trong năm 2017, đó là việc ký kết thỏa thuận với 364 cộng tác viên là cán bộ cấp huyện, cán bộ cấp xã đại diện ngành LĐ-TB-XH, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên; cán bộ trưởng, phó trưởng ấp, khu phố. Thông qua đội ngũ cộng tác viên này nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, có đầu mối trao đổi thông tin từ tỉnh về địa phương đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, duy trì thường xuyên; đồng thời nâng cao ý thức của cán bộ địa phương về công tác XKLĐ” - ông Lê Văn Tươi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang cho biết. |
THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Trong năm 2016, hầu hết lao động của tỉnh đi XKLĐ đều tập trung vào các thị trường có thu nhập cao gồm: Nhật Bản (144 lao động), Hàn Quốc (18 lao động), Đài Loan (11 lao động). Ngành nghề chủ yếu là xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, cơ khí, chế biến thủy sản, điện tử... Nhờ đó phần lớn lao động xuất khẩu của Tiền Giang đều đạt mức thu nhập khá đến cao. Tại thị trường lao động Nhật Bản, Hàn Quốc... mức thu nhập bình quân là 27 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi lao động tích lũy được 20 triệu đồng/tháng. Tương tự, thu nhập tại thị trường lao động Đài Loan là 19 triệu đồng/tháng, bình quân mỗi lao động tích lũy khoảng 14 triệu đồng/tháng...
Với thu nhập tương đối cao đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Lao động khi về nước có nguồn vốn để kinh doanh, tìm được việc làm ổn định, phù hợp với tay nghề được đào tạo ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Còn theo tính toán của ông Lê Văn Tươi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, với 173 lao động của tỉnh đi XKLĐ và thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng, thì trong năm 2016 XKLĐ đã mang về cho tỉnh nhà hơn 41,5 tỷ đồng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng việc triển khai thực hiện công tác XKLĐ ở tỉnh Tiền Giang đã đem lại những kết quả tích cực trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập, tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà. Do đó, trong năm 2017, chỉ tiêu của Tiền Giang là sẽ đưa 150 lao động đi XKLĐ. Để thực hiện được chỉ tiêu này, giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, chú trọng thông tin “người thật việc thật”. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang với các công ty xuất khẩu lao động, Phòng LĐ-TB-XH các huyện trong tỉnh để tăng cường công tác thông tin và tạo nguồn tại địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các công ty XKLĐ phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, từng bước đưa lao động có tay nghề đi XKLĐ. Xây dựng các mô hình liên kết giữa Trung tâm - địa phương, trung tâm với các cơ sở đào tạo trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Mở rộng các lớp đào tạo ngoại ngữ định hướng, các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động trước khi đi XKLĐ.
HỮU NGHỊ