Thứ Hai, 20/02/2017, 22:35 (GMT+7)
.

Không để mai một cây đặc sản của Tiền Giang

Vú sữa Lò Rèn (VSLR) là cây ăn trái đặc sản, có lợi thế cạnh tranh của Tiền Giang. Những năm gần đây, nhiều vườn VSLR bị suy kiệt nhanh, bệnh khô cành, thối rễ lây lan trên diện rộng gây tổn thất lớn cho nông dân.

Ngăn chặn tình trạng suy thoái, qua đó bảo tồn và phát triển cây ăn trái vùng phía Nam của huyện Châu Thành, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cùng các ngành chức năng và huyện Châu Thành đã tiến hành khảo sát thực trạng vùng chuyên canh cây ăn trái này.

Vú sữa Lò Rèn là đặc sản trái cây của Tiền Giang cần được bảo tồn và phát triển.                                                                                                                                                                                                                                      Ảnh: NGỌC LAN
Vú sữa Lò Rèn là đặc sản trái cây của Tiền Giang cần được bảo tồn và phát triển. Ảnh: Ngọc Lan

Đặc biệt, mới đây, ngày 10-2, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cùng lãnh đạo huyện chủ trì Hội nghị Trưng cầu ý kiến nông dân đã và đang trồng VSLR, nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái vùng chuyên canh VSLR, từ đó mở ra kỳ vọng sáng sủa cho cây ăn trái đặc sản này của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh: “Cây VSLR được xếp vào những loại cây ăn trái quý hiếm nên cần phải giữ gìn và phát triển”. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, muốn vậy, nông dân phải sống được với cây ăn trái đặc sản này. Tỉnh sẽ nỗ lực tìm giải pháp để khôi phục và phát triển cây VSLR, nâng hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng cây đặc sản này. Qua đây, ông cũng mong tấm lòng và trách nhiệm của người dân địa phương trong giữ gìn và phát triển cây VSLR. Hơn ai hết, nông dân cần liên kết với nhau để phát triển cây đặc sản địa phương.
 

VSLR là cây ăn trái đặc sản quý hiếm cần được giữ gìn và phát triển”. Đó là bày tỏ của rất nhiều nông dân đã và đang trồng VSLR ở huyện Châu Thành. Thế nhưng, làm sao để nông dân có thể sống và gắn bó với cây ăn trái này mới là vấn đề đang được các ngành, các cấp và nông dân quan tâm.

TIẾC LẮM NHƯNG BIẾT  LÀM SAO!

“Bao năm qua, VSLR được các thế hệ nông dân bảo tồn, phát triển, tạo nên thương hiệu trái cây nổi tiếng trong và ngoài nước. Có lẽ nào giờ đây, chúng ta để mất cây ăn trái đặc sản này” - nông dân Trần Hoàng Việt, ấp Đông, xã Kim Sơn chia sẻ nỗi niềm của mình về cây ăn trái VSLR đang đứng trước nguy cơ bị “biến mất”. Ông Việt cho biết, những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cha của ông trồng 4 cây VSLR đến nay còn 2 cây phát triển tốt. Sau đó một thời gian, ông trồng thêm VSLR cho diện tích vườn còn lại nhưng đến giờ đã chết một nửa.

Còn những cây trồng trong năm 1997 thì hiện tại không còn cây nào. Rồi ông nhớ lại: “Trước đây, mỗi năm vào tháng 9 - 10 âm lịch, vùng này ai cũng nôn nao chờ thu hoạch vú sữa; người hái, người chở vú sữa ra chợ bán sôi động cả vùng. Bây giờ, vùng trồng VSLR không còn như ngày xưa. Nguyên nhân là vài năm nay, cây ăn trái đặc sản này suy rất nhanh nhưng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Nhờ cơ quan chức năng sớm tìm giải pháp khôi phục, phát triển cây VSLR” - ông Việt bày tỏ.

Còn ông Lê Văn Đông, xã Bàn Long tâm tư: “Tôi có 40 năm gắn bó với cây VSLR nhưng hiện nay đành tạm “chia tay” với cây trồng này”. Theo ông Đông, trái VSLR ăn rất ngon, đầu vụ bán giá cao, dù thị trường có lúc lên, lúc xuống nhưng nông dân vẫn có thể chấp nhận được. Song, việc cây vú sữa bị bệnh thối rễ gây hại và đến nay chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả là lý do làm cho nông dân không thể tiếp tục gắn bó với cây trồng này.

Thời gian gần đây, cây VSLR bị suy thoái và chết xảy ra ở nhiều nơi. Biểu hiện chủ yếu của cây là suy kiệt nhanh, khô cành, thối rễ dẫn đến chết. Điều đáng nói là sau khi cây chết, nông dân trồng lại cây cũng không phát triển. Ông Nguyễn Văn Ngàn, xã Vĩnh Kim nói thêm: “Những cây khoảng 40 - 50 năm tuổi đến giờ vẫn phát triển tốt nhưng những cây trồng từ 1 đến 15 năm tuổi lại bị suy kiệt nhanh và chết. Đặc biệt, sau khi cây chết, nông dân lấy đất mới đắp vào nơi cây vú sữa chết để trồng lại, cây phát triển được khoảng 2 - 3 năm rồi chựng lại. Trong khi đó, cây VSLR trồng ở vùng đất mới lại phát triển tốt”. Tất cả những điều này đã khiến cho nhiều nhà vườn phải “buông tay” với cây trồng này dù đã có nhiều năm gắn bó.

 Đây là cây VSLR hơn 80 năm tuổi vẫn phát triển tốt, đã được cơ quan chức năng chứng nhận cây đầu dòng.
Đây là cây VSLR hơn 80 năm tuổi vẫn phát triển tốt, đã được cơ quan chức năng chứng nhận cây đầu dòng.

KHÔNG ĐỂ MAI MỘT

Lý giải về nguyên nhân cây VSLR bị suy kiệt nhanh trong những năm gần đây, nhiều nông dân cho rằng, ngoài bệnh khô cành, thối rễ gây hại, nguồn nước nhiễm phèn, ô nhiễm từ Tân Phước đổ về, cộng với đó vài năm gần đây, nguồn nước phù sa từ kinh, rạch giảm đi rất nhiều làm cho cây vú sữa phát triển không tốt, giảm khả năng đề kháng, hư bộ rễ và chết. Cùng với đó, hệ thống mương vườn thường ứ đọng, khó tiêu thoát nước, nông dân có thói quen vứt rác, chất thải, nhánh cây bị bệnh xuống mương làm cho bộ rễ cây bị hư, mầm bệnh có điều kiện lưu tồn và lây lan.

Bên cạnh đó, cây VSLR đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ một số cây trồng khác cũng “góp phần” làm giảm diện tích cây ăn trái truyền thống của địa phương. Ông Trương Văn Cho, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, qua khảo sát nhiều vườn ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A của huyện Châu Thành, ông thấy rằng, trong vườn trồng VSLR thường được trồng xen với cây bưởi da xanh, sa pô, dừa. Khi hiệu quả kinh tế từ cây VSLR thấp, cây bị bệnh…, nông dân thường bỏ bê, không chăm sóc đúng mức, phòng trừ bệnh không triệt để theo khuyến cáo nên cây suy kiệt nhanh hơn, bệnh nặng hơn và dễ dàng bị thay thế bởi cây trồng khác.

Dù vậy, theo một số nông dân, nếu chăm sóc đúng cách, VSLR vẫn có thể phát triển tốt. Ông Phạm Văn Tuyên, xã Phú Phong, cho rằng từ trước đến nay, nông dân trồng VSLR theo kiểu mạnh ai nấy làm nên hiệu quả phòng trị bệnh thấp, cây suy kiệt, chết nhiều. Ông chia sẻ cách trồng VSLR của mình qua 17 năm cây vẫn phát triển tốt. Đó là từ khi dứt mưa, ông bắt đầu lên mô đến khoảng tháng 7 năm sau khi mô khô ráo rồi mới trồng. Khi trồng, ông đặt trụ chống đỡ cho cây vú sữa đến khi bộ rễ cây phát triển hoàn chỉnh mới thôi (4 năm). Về kỹ thuật chăm sóc, trung bình khoảng 1 tuần, ông tưới 1 lần để cho cây đủ độ ẩm nhưng không bị oi nước; tỉa cành thường xuyên, chậm thu hoạch trái chiếng (5 năm mới thu hoạch trái chiếng).

Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, VSLR là cây ăn trái đặc trưng của tỉnh; dù đang gặp khó khăn, ngành vẫn cố gắng duy trì và phát triển. Theo đó, ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn để nông dân tiếp cận khoa học - kỹ thuật. “Hiện nay, ngành đang xúc tiến mô hình trồng gắn với xử lý thủy lợi. Tới đây, ngành sẽ triển khai nhiều mô hình trồng VSLR mới để nhân rộng cho người dân áp dụng; quy hoạch vùng trồng tập trung, đồng thời bố trí vốn khuyến nông xây dựng một số mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật; củng cố Hợp tác xã VSLR Vĩnh Kim để vừa làm công tác chuyển giao kỹ thuật, vừa làm công tác thương mại, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” đối với VSLR” - ông Hóa nói.

NGÔ VĂN

.
.
.