Mua sắm Tết: Nhộn nhịp và ít biến động
Trong những ngày cận Tết vừa qua, sức mua hàng hóa từ thành thị cho đến nông thôn liên tục tăng cao, nhất là mặt hàng hoa kiểng, bánh kẹo, trái cây, thực phẩm, rau, củ. Các kênh kinh doanh, buôn bán như: Siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống… đều đông nghẹt người. Mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh nhưng diễn biến thị trường ít biến động.
* Hoa kiểng: hút hàng ngày cuối năm
Qua khảo sát tại các chợ hoa xuân trên địa bàn tỉnh trong những ngày kinh doanh cận Tết vừa qua cho thấy, không khí mua sắm hoa, kiểng Tết ở các chợ hoa diễn ra rất nhộn nhịp, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chiêm ngưỡng và mua về trang trí cho ngôi nhà thêm rực rỡ màu sắc để đón Tết.
Hoa giá cao nhưng vẫn đông người mua. |
Giá hoa, kiểng Tết năm nay tăng, do thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng. Tuy hoa, kiểng không phong phú, có giá bán cao so Tết năm trước từ 30 - 50%, nhưng sức mua trong những ngày cận Tết năm nay tăng rất mạnh so với thời điểm cận Tết năm trước. Thời tiết năm nay không thuận lợi nên hoa, kiểng không nhiều, phần nhiều là hoa cúc, vạn thọ, hoa giấy, hoa mai vàng (chiếm 50% số lượng hoa, kiểng bày bán ở các chợ hoa) và một số ít hoa có nguồn gốc từ Đà Lạt như: Hoa hồng, hoa hồng tỷ muội, cát tường, màu gà...
Tại chợ hoa xuân Mỹ Tho, lượng người mua hoa, kiểng Tết bắt đầu nhộn nhịp, tấp nập từ ngày 28 Tết cho đến tối ngày 30 Tết. Ông Hai (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chuyên bán mai, tắc kiểng khoe: “Đến chợ hoa Mỹ Tho bán từ 25 Tết, đến nay tôi đã bán được gần cả trăm cây tắc, sức mua năm nay khá tốt”. Sống bằng nghề bán hoa, ông Hai thừa kinh nghiệm và tâm lý để nắm bắt nhu cầu khách hàng.
Theo ông Hai, Tết nên ai cũng muốn có một cành hoa trong nhà để có không khí Xuân, qua ba ngày Tết là người ta bỏ đi. Vì vậy, cành hoa, cây kiểng không cần dáng thế đẹp mà chỉ cần hoa sai là được. Do đó, làm sao để kích hoa, trái được nhiều là “ăn tiền”. Với mai, tắc ghép thì điều này không khó. Điều quan trọng hơn là giá cả rất mềm, hợp với túi tiền mọi người là bán được hàng, nông dân cũng không lo lỗ.
Riêng đối với những người bán hoa, kiểng ở các huyện phía Tây của tỉnh như: Cai Lậy, Cái Bè và TX. Cai Lậy thì cơn mưa lớn vào chiều tối ngày 28 Tết đã làm cho họ không được vui, vì hàng loạt cây mai bán ngoài trời bung nụ, cúc, vạn thọ bị hư bông… nhưng không vì thế mà sức mua ở các chợ hoa Tết tại những địa phương này kém phần sôi động.
Chị Nguyễn Thị Huệ (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) có thâm niên 10 năm bán hoa Tết tại huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy) cho biết: “Tùy theo tình hình mỗi năm mà mình cân đối giá cả cho phù hợp. Năm nay, hoa không được mùa lắm nhưng nếu đẩy giá cao quá, khách hàng sẽ không mua. Bán được lãi nhiều ai cũng thích nhưng cũng tùy loại hoa, tùy khách hàng nữa nên mình phải linh động”.
“Với tôi, đến 30 Tết chỉ cần khách có ý muốn mua là mình sẽ không để khách đi, giá nào cũng bán được, hiện giá hoa vạn thọ tôi bán đã giảm từ 10 - 20% so với những ngày đầu bán Tết. Đợt này tôi đem lên gần 8.000 chậu vạn thọ, giá trung bình từ 100.000 150.000 đồng/cặp. Đến nay, đã bán hết gần 2/3 số lượng hoa vạn thọ, hi vọng đến chiều 30 Tết sẽ bán hết hàng” - chị Huệ nói.
Tuy số lượng hoa, cây kiểng không phong phú chủng loại, giá bán cao, giảm số lượng nhà vườn ngoài tỉnh như Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long tham gia chợ hoa Xuân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh so năm trước, nhưng vẫn cơ bản đáp ứng đủ hoa, kiểng cho nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân. Đây còn là nét đẹp văn hóa truyền thống tết cổ truyền dân tộc của người Việt Nam , hoa xuân rực rỡ không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới, mang Tết đến mọi nhà.
* Trái cây, rau củ đua nhau tăng giá
Trong các ngày 28, 29 đến 30 Tết, các mặt hàng trái cây, rau củ đã tăng giá khá cao so với những ngày bình thường. Qua ghi nhận vào ngày 29 Tết tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Mỹ Tho và TX. Cai Lậy như: chợ Thạnh Trị, chợ Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho), chợ Cai Lậy (TX. Cai Lậy)… các loại rau củ đang ở mức cao. Cụ thể, bắp cải có giá bán 15.000 - 20.000 (tăng khoảng 5.000 đồng/kg); đặc biệt khổ qua, dưa leo, cà chua có giá bán tăng gấp đôi ngày thường, hiện khổ qua có giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; dưa leo có giá bán khoảng 15.000 đồng/kg; cà chua 25.000 đồng/kg…
Giá rau, củ tăng cao trong những ngày cận Tết. |
Theo lý giải của đa số các tiểu thương kinh doanh rau củ tại các chợ truyền thống, do sức mua các mặt hàng rau củ quả những ngày cận Tết tăng đột biến, cùng với đó là giá nhân công, phí vận chuyển hàng hóa về chợ lẻ trong những ngày từ 25 - 29 Tết đã tăng gấp 3 lần so với ngày thường, vì vậy hàng hóa, nhất là rau củ về chợ cũng phải có giá cao hơn.
Trái cây có giá bán tăng cao trong những ngày cận Tết. |
Ngoài ra, các mặt hàng trái cây cũng tăng giá mạnh trong những ngày cận Tết. Do nhu cầu mua để bày mâm ngũ quả ngày Tết của người dân tăng cao. Hiện bưởi da xanh khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg; bưởi năm roi 50.000 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/k; quýt hồng khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg; thanh long có giá 30.000 - 60.000 đồng/kg... Chính sức mua trái cây tăng mạnh trong dịp Tết và thời tiết bất thường trong năm qua khiến nhiều loại cây ăn của Tiền Giang cũng như nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mất mùa, năng suất giảm và giá tăng mạnh.
* Bánh, kẹo Tết: Dồi dào và giá cả ổn định
Dạo quanh các khu vực từ thành thị đến nông thôn, hiện có rất nhiều điểm bán, cửa hàng tạp hóa kinh doanh bánh, kẹo giỏ quà Tết. Đa phần bánh, kẹo là những sản phẩm của các thương hiệu quen thuộc trong nước như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica... Bên cạnh đó, cũng có nhiều sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu từ nước ngoài bày bán tại các siêu thị, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh.
Trong những ngày cận Tết vừa qua, thịt heo là mặt hàng có sức tiêu thụ rất mạnh nhưng có giá bán khá ổn định, chỉ tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Cụ thể giá bán các loại thịt heo như: Thịt heo ba rọi khoảng 90.000 đồng/kg; thịt heo đùi 80.000; các loại sườn có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg… Giá thịt heo tại các chợ tăng cao là do các thương lái tự đẩy giá lên, khi nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người dân dịp Tết tăng cao. Hiện giá heo hơi bán ra vẫn không tăng, chỉ dao động từ 2,6 - 3 triệu đồng/tạ (100 kg) và đàn heo thịt lớn trong nhiều trang trại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đang bị tồn chưa xuất bán được. |
Lượng khách hàng mua sắm bánh, kẹo Tết đã tăng đáng kể so với ngày thường. Chị Mai, Trưởng cửa hàng bách hóa của HTX Thương mại - Dịch vụ phường 1 trên đường Lê Lợi (TP. Mỹ Tho) cho biết, so với ngày thường, giá cả các loại bánh, kẹo, mứt không có biến động nhiều. Đa số người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng trong nước sản xuất, bởi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá cả phải chăng. Hiện bánh, kẹo có giá phổ biến từ 35.000 - 100.000 đồng/hộp. Một số loại cao cấp có giá từ hơn 100.000 - 200.000 đồng/hộp…
Theo ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Co.op Mart Mỹ Tho, các sản phẩm bánh, kẹo, rượu, bia được nhập 80% từ các cơ sở sản xuất trong nước, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Sức tiêu thụ vẫn giữ mức tương đối ổn định. Số lượng người mua sắm bánh, kẹo trong những ngày cận Tết vừa qua tăng đáng kể.
Những năm gần đây, các thương hiệu bánh kẹo trong nước đã có được chỗ đứng nhất định, hàng sản xuất trong nước được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. “Mặc dù, các mặt hàng bánh, kẹo nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... có giá không quá chênh lệch với sản phẩm trong nước. Nhưng với tâm lý “Người Việt dùng hàng Việt”, sản phẩm bánh, kẹo có nhiều mẫu mã đa dạng, độ tin cậy cao nên các thương hiệu bánh, kẹo trong nước vẫn được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán này” - ông Linh nói.
HỮU NGHỊ