Thứ Sáu, 24/02/2017, 12:25 (GMT+7)
.
ÔNG VÕ VĂN THÔNG, GIÁM ĐỐC ĐÀI KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TỈNH TIỀN GIANG:

Mùa khô năm nay không gay gắt như năm 2016

Mùa khô năm 2017 đang bước vào cao điểm với nhiều diễn biến bất thường, vậy diễn biến thời tiết và xâm nhập mặn thời gian tới sẽ như thế nào? Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết:

Mùa mưa năm 2016 kết thúc muộn vào khoảng nửa cuối tháng 11 (muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng 15 - 20 ngày). Đã vậy, trong những tháng mưa chuyển mùa từ mùa mưa sang mùa khô và những tháng đầu mùa khô, mưa trái mùa xảy ra rất nhiều. Trong đó, chỉ tháng 12- 2016 đã có đến 16 ngày xuất hiện mưa (số ngày mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm) với lượng mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm khoảng 30 - 50%. Đặc biệt, trong tháng 1 và 2, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những cơn mưa trên diện rộng, trong đó có những đợt mưa có lượng mưa rất to. Cụ thể, ngày 2-2, khắp địa bàn tỉnh xảy ra mưa từ to đến rất to. Nguyên nhân là do thời tiết chịu ảnh hưởng của rãnh thấp xích đạo hoạt động ổn định và thường xuyên ở vĩ độ từ 4 - 6 độ Bắc. Đây là điều hiếm thấy trong nhiều năm qua. Bởi hằng năm, cùng thời điểm trên, rãnh thấp xích đạo nằm về phía Nam bán cầu. Hiện tượng thời tiết trên đã làm cho mưa trái mùa xuất hiện nhiều. Trong thời điểm này, dù những ngày không có mưa nhưng Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng vẫn thường xuất hiện trời nhiều mây, nền nhiệt không cao; còn đêm đến, nhiệt độ thấp, trời se lạnh. 

* Phóng viên (PV): Từ đầu mùa khô đến giờ, diễn biến xâm nhập mặn đã có một số thay đổi so với dự báo ban đầu phải không, thưa ông?

* Ông Võ Văn Thông: Vào thời điểm cuối mùa mưa, mực nước ghi nhận được tại các trạm trên dòng chính sông Mê Kông luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 - 4 m, tổng lượng dòng chảy thời điểm đó thấp hơn trung bình nhiều năm từ 25 - 45%. Thế nhưng, từ đầu tháng 12 trở đi, mực nước đo được trên các trạm dòng chính sông Mê Kông ở Hạ Lào và Campuchia lại cao hơn cùng kỳ năm 2015 từ 1,5 - 2,5 m. Trong khi đó, lượng dòng chảy đổ về sông Cửu Long đo được qua Trạm Tân Châu lại thiếu hụt từ 10 - 20%. Từ diễn biến trên của thượng nguồn sông Cửu Long mà xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016 - 2017 đã đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng, muộn hơn mùa khô năm 2015 - 2016 từ 1 - 1,5 tháng.

Thời gian qua, mưa trái mùa xuất hiện nhiều ở nhiều nơi, mực nước đo được tại các trạm từ Hạ Lào đến đầu nguồn sông Cửu Long đều cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016 nhưng vẫn còn thấp hơn trung bình nhiều năm. Do thượng nguồn nước nhiều nên dù mặn xâm nhập sớm ở hạ nguồn nhưng lại không sâu. Tại Trạm Hòa Bình (huyện Gò Công Tây), thời gian qua, độ mặn thường dao động ở mức từ 1,5 - 5 g/l, độ mặn cao nhất đo được là 5,3 g/l, thấp hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 - 2016 hơn 7 g/l. Còn Trạm An Định (Chợ Gạo), từ đầu mùa khô đến giờ vẫn chưa chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Bơm chuyền cứu lúa trong mùa khô na9m 2016. Ảnh: Ngô Tông
Bơm chuyền cứu lúa trong mùa khô năm 2016. Ảnh: Ngô Tông

* PV: Mùa khô vẫn còn kéo dài đến khoảng 2 tháng nữa và cao điểm nắng nóng vẫn còn ở phía trước, liệu năm nay mùa khô có gay gắt như năm rồi không?

* Ông Võ Văn Thông: Hiện nay, rãnh thấp xích đạo vẫn còn đang tồn tại ở vĩ độ từ 2 đến 5 độ Bắc và có khả năng nâng dần lên phía Bắc. Trong thời gian tới, áp cao lục địa vẫn còn hoạt động nhưng ở cường độ trung bình đến mạnh làm cho rãnh thấp xích đạo có thể tiếp tục hoạt động thường xuyên ở vĩ độ thấp Bắc bán cầu kéo dài đến hết mùa khô này. Vì vậy, mưa trái mùa vẫn còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Từ đó, nền nhiệt mùa khô năm 2017 sẽ không gay gắt như mùa khô năm 2016. Nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,5 - 1 độ C. Nhiệt độ cao nhất sẽ xuất hiện vào khoảng tháng 4 tới ở mức khoảng 35 - 36 độ C. Cũng chính bởi ảnh hưởng các hiện tượng thời tiết này mà khả năng năm nay mùa mưa sẽ đến sớm (giữa tháng 4 có mưa chuyển mùa).

* PV: Các hiện tượng thời tiết, thủy văn trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình xâm nhập mặn sắp tới, thưa ông?

* Ông Võ Văn Thông: Theo ghi nhận của ngành Khí tượng Thủy văn, mực nước ở trung và thượng lưu sông Mê Kông đang ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 0,5 m, còn hạ lưu ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy trên các trạm chính sông Mê Kông từ nay cho đến tháng 5 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 15% và cao hơn mùa khô năm 2016 từ 20 - 30%.

Tại đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước đo được tại Trạm Tân Châu đang biến đổi theo triều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 - 0,35 m và cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng từ 0,1 - 0,2 m.
Từ cơ sở trên, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang nhận định, xâm nhập mặn trong mùa khô này ở Tiền Giang sẽ không gay gắt như mùa khô năm 2016 và tương đương mùa khô năm 2013 - 2014.

Theo đó, độ mặn cao nhất trong mùa khô năm 2017 có khả năng xuất hiện vào khoảng nửa cuối tháng 3. Khi đó, độ mặn ở mức từ 1 - 2 g/l có thể xâm nhập vào cách cửa biển khoảng 50 km. Tại Đồng Tâm (huyện Châu Thành), độ mặn có khả năng đạt không quá 1 g/l.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGÔ VĂN (thực hiện)

.
.
.