Tìm hướng đi mới cho xuất khẩu gạo
Tình hình xuất khẩu gạo năm 2017 được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nguồn cung ứng gạo của nước ta tương đối lớn, trong khi các thị trường nhập khẩu truyền thống đã dần tự chủ được nguồn lương thực, các đối tác xuất khẩu gạo cạnh tranh với Việt Nam đang chuẩn bị xả hàng tồn kho và cạnh tranh về giá; một số thị trường nhập khẩu dễ tính trước đây thì nay lại siết chặt chất lượng. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tìm một hướng đi mới.
Công ty TNHH Việt Hưng đưa gạo xuống sà lan để xuất sang Trung Quốc. |
KHÓ KHĂN KHÔNG KÉM NĂM 2016
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn và ổn định nhiều năm nay, nhưng ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè) nói rằng tình hình xuất khẩu năm 2016 đã khó thì năm 2017 được dự báo là sẽ khó khăn hơn. Cụ thể, những tháng đầu năm 2016, Công ty TNHH Việt Hưng ký được vài hợp đồng, với số lượng vài chục ngàn tấn gạo. Còn bước sang gần hết tháng 2-2017, Công ty TNHH Việt Hưng chưa ký được hợp đồng nào, mà chủ yếu giao hàng cho những hợp đồng năm rồi. “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung giao 20.000 tấn gạo cho đối tác Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) theo hợp đồng năm rồi. Còn năm nay, giá lúa gạo trong nước đang khá cao nên các đối tác đều dừng lại để chờ diễn biến của thị trường của nước ta khi vụ đông xuân 2016 - 2017 bắt đầu thu hoạch rộ” - ông Nguyễn Văn Đôn nói.
Trước Tết Nguyên đán, giá gạo thơm xuất khẩu khoảng 510 - 515 USD/tấn, nhưng sau tết thì giá gạo biến động mạnh và tăng lên 530 USD/tấn; đối với nếp xuất khẩu, trong tết có giá 490 - 495 USD/tấn, sau tết tăng lên 510 - 515 USD/tấn. Chính sự biến động này, nhiều đối tác nhập khẩu của ta đã dừng lại và chờ diễn biến thị trường Việt Nam trong thời gian tới như thế nào rồi mới tính tiếp.
Nhận định thị trường lúa gạo trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đôn cho rằng: “Diễn biến thị trường lúa gạo sẽ rất khó lường. Nhưng chắc chắn, tình hình tiêu thụ lúa gạo sẽ gặp khó khăn hơn năm 2016. Bởi nguồn lúa gạo trong nước rất lớn nhưng các thị trường nhập khẩu truyền thống của chúng ta như: Philippines, Indonesia đã tự chủ được nguồn lương thực, một số thị trường nhập khẩu cũng đang siết chặt chất lượng. Ngoài ra, Thái Lan cũng đang chuẩn bị “xả” 8 triệu tấn gạo tồn kho. Chính vì vậy mà xu hướng giá sẽ suy giảm sớm do cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung”.
Cùng quan điểm này, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho rằng: “Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, dù tình hình khả quan hơn nhưng xuất khẩu gạo vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do dư thừa nguồn cung, người mua sẽ quyết định thị trường thay vì người bán như những năm trước đây. Do đó, bắt buộc phải nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục chi phối thị trường lúa gạo Việt Nam trong năm nay. Chính vì vậy chỉ sự thay đổi của thị trường này cũng đủ làm cho thị trường lúa gạo Việt Nam nóng - lạnh theo. Khó khăn của ngành lúa gạo năm nay được dự báo còn lớn hơn khi thị trường này không còn dễ tính như trước. Trước đây, thị trường Trung Quốc được xem là dễ tính nhưng bây giờ họ cũng siết chặt chất lượng”.
TẬP TRUNG VÀO CHẤT LƯỢNG
Trong khi xuất khẩu lúa gạo nói chung gặp khó khăn thì xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao, thậm chí là nếp vẫn phát triển tốt. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, 9 tháng đầu năm 2016, công ty xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao chỉ được 35 tấn. Nhưng sau khi công bố thương hiệu, nhãn hiệu gạo hàng hóa thì tháng đầu tiên bán được khoảng 100 tấn gạo các loại, tăng trên 50%.
Bộ Công thương vừa quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo. Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định tại Quyết định 6139 năm 2013 như khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo… đã được bãi bỏ. |
Việc một số thị trường nhập khẩu đã quy định rào cản kỹ thuật rất khắt khe như: Mỹ, châu Âu, Nhật bản... do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong gạo; gần đây, thị trường Trung Quốc cũng đã siết chặt vấn đề chất lượng thì việc xây dựng vùng nguyên liệu gạo thơm, gạo có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của các nước là vấn đề cấp thiết. Ông Lê Thanh Khiêm nói: “Chúng tôi đang có bước chuyển đổi mạnh mẽ cách thức tiếp cận như chọn xuất phát điểm từ lúa nguyên liệu, thay vì đi từ gạo nguyên liệu trong thời gian dài trước đây. Lúa nguyên liệu phải được sản xuất theo chuỗi, trên nền tảng liên kết giữa Công ty Lương thực Tiền Giang và các tổ chức đại diện nông dân theo mô hình Cánh đồng lớn. Quy trình canh tác phải được kiểm soát theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp như: “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”. Trong đó, yếu tố an toàn được đưa lên hàng đầu, cùng với yếu tố chất lượng ổn định”.
Công ty TNHH Việt Hưng cũng đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa thơm, gạo có chất lượng để xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty cho biết, những năm gần đây, công ty không xuất khẩu loại gạo thông thường, mà tập trung vào xuất khẩu gạo thơm, nếp. Bởi các thị trường nhập khẩu gạo thông thường hiện nay bị cạnh tranh rất gay gắt, nhu cầu nhập khẩu của họ cũng không nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu muốn tồn tại lâu dài thì phải tính đến việc xây dựng thương hiệu, xây dựng vùng nguyên liệu gạo thơm, gạo có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu khó tính.
Trước thực tế xuất khẩu gạo gặp khó khăn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam định hướng sản xuất gạo phải theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tăng cường chuyển đổi cây trồng để giảm sản lượng lúa gạo dư thừa, chất lượng thấp. Ban hành quy chuẩn thực hành canh tác theo tiêu chuẩn GAP để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhanh chóng có giải pháp khả thi loại trừ dư lượng hóa chất còn tồn trong gạo.
SĨ NGUYÊN