Tìm " lối đi" hiệu quả cho kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể (KTTT) đóng vai trò nhất định trong sự phát triển chung của kinh tế tỉnh nhà. Những năm qua, việc phát triển KTTT vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định kìm hãm sự phát triển của thành phần kinh tế này.
VẪN CÒN KHÓ KHĂN
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 96 HTX, Quỹ tín dụng nhân dân, có 90/96 HTX đã chuyển đổi, đăng ký lại hoạt động theo Luật HTX 2012 (trong đó có 6 HTX mới thành lập). Trong đó, 77/90 HTX đã chuyển đổi, đăng ký lại theo Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, còn 13 HTX chưa chuyển đổi đăng ký lại do ngưng hoạt động. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Mặc dù còn gặp khó khăn nhưng các HTX đã cố gắng chuyển đổi. Tuy nhiên, những hạn chế vẫn còn tồn tại nhiều năm nay.
Kinh tế tập thể của tỉnh vẫn còn gặp một số hạn chế. |
Đánh giá về tình hình hoạt động trong năm vừa qua, ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX Rau an toàn Gò Công chia sẻ: Trong năm 2016, tình hình sản xuất của HTX gặp phải những khó khăn nhất định. Trong những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của hạn, mặn dẫn đến thiếu nước tưới, những tháng cuối năm thời tiết thất thường, mưa nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của HTX. Trong năm 2016, doanh thu của HTX đạt 5,4 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2015.
Hiện nay, một hạn chế lớn ở các HTX chính là độ tuổi của bộ phận quản lý còn cao, một số vừa quản lý vừa sản xuất nên ít có điều kiện nâng cao trình độ, học hỏi kinh nghiệm. Đại diện HTX Bình Tây chia sẻ: Trình độ, sức khỏe của cán bộ chủ chốt của HTX vẫn còn hạn chế, đa phần đã lớn tuổi dẫn đến việc đổi mới mô hình hoạt động tiến triển rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, người lao động còn hạn chế, do đó chưa thu hút được nhân sự có trình độ, năng lực để tham gia quản lý HTX. Các chế độ, chính sách hỗ trợ KTTT còn những khoản chưa cụ thể cho từng loại hình, thủ tục vượt ngoài năng lực của cán bộ quản lý HTX, do đó HTX chậm tiếp cận các chính sách này.
Nói về những khó khăn trong việc phát triển KTTT, ông Văn Tấn Phương, Phó Giám đốc HTX Thanh long Mỹ Tịnh An bày tỏ: Với diện tích quy mô của mình, hằng năm, HTX thu mua trên 1.000 tấn thanh long, có 60% - 70% đưa đi xuất khẩu, tổng doanh thu đạt trên 13 tỷ đồng. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của HTX chính là việc tìm mặt bằng sơ chế và thiếu nguồn vốn. Bà con nông dân xin tham gia HTX rất nhiều nhưng HTX không thể gánh nổi chi phí.
Đánh giá về sự chuyển biến ở các HTX trong năm vừa qua, ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Các HTX đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa rộng, chủ yếu ở các HTX hoạt động tốt trong năm 2015. Để các HTX có những chuyển biến tích cực, yếu tố quyết định nằm ở bộ máy hoạt động.
Nhiều chính sách hỗ trợ HTX Ngày 29-12-2016, Bộ Tài chính có Thông tư 340/2016/TT-BTC hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của các HTX, thành lập mới HTX, tổ chức lại hoạt động của HTX theo chương trình phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, có các nội dung cụ thể như: Hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX; hỗ trợ thành lập mới HTX, tổ chức lại hoạt động của HTX. Tiếp đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có Công văn 464 gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, để hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, Bộ KH-ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và chủ động huy động thêm các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ phát triển HTX; tập trung đầu tư cho các HTX, Liên hiệp HTX hoạt động theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, các HTX cung cấp dịch vụ thiết yếu phục vụ cộng đồng trên địa bàn xã để thực hiện mục tiêu về cấp thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường… |
PHÁT TRIỂN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Hiện nay, việc phát triển KTTT đã gắn liền với xây dựng nông thôn mới (NTM) tại mỗi địa phương. Cụ thể, trong tiêu chí thứ 13 về xây dựng NTM nêu rõ các địa phương phải có HTX hoạt động có hiệu quả. Đây được đánh giá là một trong những yếu tố giúp các địa phương phát triển KTTT. Hiện nay, trong những xã đã “về đích” NTM của tỉnh chỉ có khoảng 1/3 các xã có HTX, các xã còn lại chỉ có THT. Do đó, để những xã kế tiếp “về đích” NTM đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực phát triển KTTT tại địa phương.
Có thể nhận thấy, KTTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế hiện nay, đặc biệt là trong xây dựng NTM. Nói về tầm quan trọng của việc phát triển KTTT, đại diện Ban chỉ đạo KTTT huyện Gò Công Tây chia sẻ: “Chỉ có HTX là giải được bài toán trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu và như thế nào”.
Nhận định về tình hình phát triển của KTTT ở tỉnh hiện nay, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: KTTT của tỉnh vẫn chưa phát triển mạnh, chưa tạo được nhiều hấp dẫn. Ông đề nghị Liên minh HTX tiếp tục rà soát lại để có kiến nghị lên cấp trên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KTTT, phải có biện pháp giải quyết kịp thời. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh phát triển KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đề nghị các ngành cùng ủng hộ và có trách nhiệm xây dựng KTTT của tỉnh. Liên minh HTX rà soát lại các vấn đề liên quan, các HTX đã ngưng hoạt động, HTX nào có thể tồn tại thì củng cố, HTX nào không phục hồi được thì xử lý triệt để. Qua đây, ông Lê Văn Nghĩa đề nghị Liên minh HTX nhắc nhở các HTX tuân thủ các quy định pháp luật, không để vi phạm pháp luật.
Ông Lê Binh Hùng, Trưởng cơ quan đại diện Liên minh HTX Việt Nam phía Nam cho biết: Tiền Giang cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tăng thêm số lượng HTX, nâng cao số lượng tổ viên; tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực, tập trung hỗ trợ vào các huyện, có kế hoạch về phát triển KTTT cho từng năm. Liên minh HTX Việt Nam sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cho các HTX trong đó có Tiền Giang. Trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ làm việc với các ngân hàng để các HTX được vay vốn không thế chấp.
MINH THÀNH