Thứ Hai, 27/03/2017, 20:17 (GMT+7)
.
Định hướng và giải pháp phát triển bền vững các loại trái cây đặc sản

Nâng chất sản phẩm trái cây, đáp ứng xu thế hội nhập

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Cái Bè, thời gian qua, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đặc biệt tập trung thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2016 - 2020 gồm các nội dung chính: Xác định 4 loại cây trồng chủ lực: Lúa chất lượng cao, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, nhãn. Tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị cho các loại cây trồng chủ lực. Xây dựng và phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Chuyên trang huyện Cái Bè số này xin giới thiệu đến độc giả một số thông tin về định hướng và giải pháp phát triển một số loại trái cây đặc sản trên địa bàn huyện theo hướng bền vững.

Bưởi lông Cổ Cò bày bán tại chợ An Hữu.
Bưởi lông Cổ Cò bày bán tại chợ An Hữu.

Là địa phương có nhiều sông rạch và cù lao bao bọc, nước ngọt quanh năm, cộng thêm đất phù sa màu mỡ, huyện Cái Bè được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” với nhiều loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, quýt đường, cam sành… Để sản phẩm trái cây đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã tập trung nhiều giải pháp để hình thành vùng chuyên canh các loại cây ăn trái (CAT) chủ lực gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Huyện Cái Bè hiện có 14.436/16.800 ha vườn đang trồng các loại CAT đặc sản của địa phương như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam sành… với thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, huyện nỗ lực tăng diện tích CAT lên 17.000 ha, trong đó diện tích vườn chuyên canh CAT đặc sản khoảng 7.500 ha (xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò và cây có múi khác), sản lượng 300.000 tấn; tăng nhanh diện tích vườn đạt lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đối với CAT đạt trên 90%. Theo đánh giá của Hội Làm vườn huyện, số lượng nhà vườn đã có ý thức về sản xuất theo quy trình sản xuất trái an toàn đạt yêu cầu xuất khẩu do ngành Nông nghiệp chuyển giao ngày càng tăng.

Tiền đề cho chiến lược sản xuất trái cây đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn hội nhập và đổi mới là việc thành lập Hợp tác xã (HTX) Xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) - một bước đi quan trọng giúp nông dân vùng chuyên canh tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo tiền đề cho cây xoài phát triển bền vững. Từ khi thành lập, HTX đã hướng xã viên thâm canh xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chí GAP và GlobalGAP; mở rộng diện tích nhà xưởng sơ chế, đóng gói sản phẩm để tạo sản phẩm trái xoài an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc cho biết: Năm 2015, HTX đã xuất được 70 tấn xoài cát Hòa Lộc sang Nhật Bản, một thị trường khó tính đối với nông sản hàng hóa. Đặc biệt, HTX đã ký được 1 hợp đồng xuất khẩu xoài sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2016 với số lượng không hạn chế. Đây là một tin vui đối với các xã viên của HTX nói riêng và nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn huyện nói chung.

PGS. TS Nguyễn Minh Châu giới thiệu với khách nước ngoài đặc sản xoài cát  Hòa Lộc tham dự Hội thi Trái ngon do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức - Ảnh: T.L
PGS. TS Nguyễn Minh Châu giới thiệu với khách nước ngoài đặc sản xoài cát Hòa Lộc tham dự Hội thi Trái ngon do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức - Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè cho biết: Chương trình phát triển toàn diện xây xoài cát Hòa Lộc đã được triển khai với các hợp phần như: Đánh giá vùng thích nghi trên 13 xã có chỉ dẫn địa lý làm cơ sở quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh; cải tạo trẻ hóa vườn già cỗi để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; chọn lọc cây đầu dòng và xây dựng vườn giống đầu dòng để nhân giống phục vụ mở rộng vùng chuyên canh; cải tiến quy trình canh tác, xử lý ra hoa rải vụ, xây dựng quy trình chế biến sản phẩm xoài và xây dựng mô hình vườn xoài cát Hòa Lộc kết hợp du lịch sinh thái. Diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc đạt 1.990 ha, trong đó diện tích vườn chuyên canh 1.056 ha.

Đối với bưởi lông Cổ Cò, diện tích hiện nay là 971 ha, đặc biệt đã triển khai dự án khôi phục vùng nguyên liệu bưởi lông Cổ Cò, cung cấp giống từ cây đầu dòng chất lượng tốt, với số hộ được hỗ trợ thực hiện bước đầu là 173 hộ, gồm 37,9 ha, tập trung tại các xã: Mỹ Lương, An Thái Đông và Mỹ Đức Tây…

Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm trái cây hướng đến thị trường nước ngoài trong thời kỳ hội nhập, nâng cao thu nhập cho nhà vườn, ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè trao đổi: Bên cạnh những kết quả đạt được, kế hoạch phát triển vườn chuyên canh CAT chiến lược trên địa bàn huyện còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu do giá cả không ổn định; các giải pháp đã triển khai về sản xuất và thị trường chưa đủ mạnh để hướng nông dân đầu tư sản xuất theo quy hoạch. Diện tích sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn thấp; giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để phát triển vườn chuyên canh CAT. Cụ thể, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ giống trên cơ sở vườn cây đầu dòng hiện có để đạt diện tích vườn chuyên canh theo quy hoạch. Nhân rộng mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Phối hợp với các sở, ngành tỉnh và các viện, trường đại học xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị sản phẩm xoài; đề xuất cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

HỮU CHÍ

.
.
.