Nông nghiệp: Tổ chức lại theo hướng bền vững
Tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành. Tái cơ cấu lần này trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết tiểu vùng, theo cơ chế thị trường, dựa trên các ngành hàng có lợi thế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thu hoạch lúa chất lượng cao ở khu vực phía Tây của tỉnh. |
PHÂN VÙNG, NGÀNH THEO THẾ MẠNH
Tái cơ cấu lần này như một cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp, phân chia từng vùng, từng nhóm ngành theo thế mạnh riêng biệt. Cụ thể, Vùng kinh tế - đô thị trung tâm bao gồm huyện Chợ Gạo, Châu Thành và TP. Mỹ Tho sẽ phát triển cây thanh long, rau màu, gà ri, chim cút, cá nuôi bè; hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vùng kinh tế - đô thị phía Đông gồm TX. Gò Công và các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông phát triển cây lúa đặc sản, cây rau, mãng cầu Xiêm, con gà Ta Gò Công, con tôm và dịch vụ hậu cần nghề cá. Vùng kinh tế - đô thị phía Tây gồm TX. Cai Lậy và các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước phát triển cây lúa chất lượng cao, xoài, sầu riêng, khóm, giống thủy sản nước ngọt; hình thành khu chăn nuôi tập trung 200 ha tại xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước).
Sau khi tiếp nhận Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh với phân vùng phát triển các loại cây, con chủ lực, ông Phạm Văn Tiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo phấn khởi: “Toàn huyện có trên 5.000 ha thanh long, 6 triệu con gà và hàng ngàn ha rau màu các loại. Đề án tái cơ cấu lần này tập trung rất nhiều loại cây, con có thế mạnh của huyện như: Thanh long, gà ri, rau màu. Chính vì thế, chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế này để tập trung phát triển theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, huyện trồng 6.000 - 7.500 ha thanh long các loại, trong đó có 30% đạt chất lượng; không còn diện tích trồng lúa, nếp… Đến năm 2025, huyện có 3.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn GAP”.
Giải thích về phân chia vùng, ngành, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Phải rà soát, điều chỉnh để nâng cao chất lượng quy hoạch; kết nối quy hoạch ngành và sản phẩm ngành với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch; phân vùng, xây dựng vùng chuyên canh có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, đồng nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp; huy động, tranh thủ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đẩy nhanh các dự án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất; phát triển dịch vụ kỹ thuật, hỗ trợ cơ giới hóa và sản xuất quy mô lớn…”
CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM
Những bất cập, yếu kém của nền nông nghiệp hiện nay đã lộ rõ. Thấy được điều đó, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh. Xung quanh đề án này, ngành Nông nghiệp nói riêng và cả hệ thống chính trị còn rất nhiều việc phải làm. Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường cho biết: “Cần phải thay đổi rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Bởi, doanh nghiệp cần một sản lượng lớn nông sản, sản phẩm đồng đều và có chất lượng để xuất khẩu đi các nước. Nhiều đối tác của nước ngoài đến đặt hàng sản phẩm ổn định hằng tháng lên đến hàng trăm tấn. Nhưng chúng ta làm nhỏ lẻ, mỗi người một kiểu, chất lượng tùy mỗi vườn, mỗi ruộng thì làm sao dám ký hợp đồng với đối tác. Khách hàng của chúng ta ngày một khó tính, đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn; ngay cả thị trường dễ tính như Trung Quốc cũng đang siết chặt vấn đề chất lượng”. Hiện tại, Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường trồng 100 ha thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP. Mỗi tháng, công ty này xuất bán 6.000 - 10.000 tấn thanh long ở thị trường nội địa, xuất khẩu sang Trung Quốc và một số thị trường “khó tính” như: Nhật Bản, Úc… “Sản lượng tiêu thụ như vậy, nhưng 100 ha thanh long của công ty không đáp ứng được nhu cầu. Mở rộng mạng lưới vệ tinh thì chất lượng không đảm bảo, bị nhiều thương lái nhảy vào “phá đám”. Bởi vậy, ngành Nông nghiệp cần phải tính đến việc quy hoạch, tổ chức sản xuất theo hướng an toàn…để doanh nghiệp dễ dàng bao tiêu sản phẩm cho người dân”- ông Đoàn Văn Sang nói.
Theo đề án, đến năm 2020, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân 5 năm (2016 - 2020) là 4%/năm; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 31,3 - 32,7% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn tỉnh; giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản; có 50% xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm từ 12,5 - 14,5% GRDP toàn tỉnh. |
Cùng quan điểm, ông Phan Phú Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên cho rằng: “Nhiều năm qua, hầu hết các đối tác đến tìm hiểu về sản phẩm của công ty, muốn ký hợp đồng xuất khẩu ổn định, nhưng chúng tôi không dám ký. Bởi các loại trái cây của chúng ta theo mùa. Khi đến thu hoạch, sản phẩm “ùn ứ”, nhưng một thời gian ngắn sau lại thiếu hụt. Vì vậy, việc quy hoạch vùng, trồng tập trung vài sản phẩm chủ lực và thực hiện rải vụ…thì mới đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Có như vậy, giá trị nông sản của chúng ta mới nâng cao. Từ đó, thu nhập và lợi nhuận của nông dân cũng như doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mới được cải thiện”.
Nhấn mạnh việc cần phải cải tổ lại nền nông nghiệp trong thời gian tới, ông Cao Văn Hóa cho biết, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh không nằm ngoài mục tiêu của cả nước là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái. Các định hướng lớn của tái cơ cấu ngành nhằm tối đa hóa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh; xác định các nông sản đặc trưng, có thế mạnh như: Lúa, cây ăn trái, rau màu các loại, chăn nuôi, thủy sản…
SĨ NGUYÊN