Thứ Năm, 09/03/2017, 06:38 (GMT+7)
.

Phát triển làng nghề và vấn đề môi trường.

Các làng nghề (LN) truyền thống ngoài việc gắn liền với đặc thù văn hóa của mỗi địa phương, còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của xã hội. Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển LN, để các LN phát triển bền vững thì công tác bảo vệ môi trường (BVMT) phải luôn được chú trọng.

Công tác bảo vệ môi trường ở làng nghề cần được chú trọng.
Công tác bảo vệ môi trường ở làng nghề cần được chú trọng.

Thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) được biết đến không chỉ có cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công mà còn có LN cá khô truyền thống. Nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện LN có hơn 500 lao động hoạt động thường xuyên với số hộ tham gia làm nghề chế biến thủy sản ở quy mô vừa và nhỏ chiếm 38% trên tổng số hộ dân trong khu vực (1.338 hộ). Mỗi năm, LN tiêu thụ hơn 5.000 tấn cá các loại (trị giá trên 50 tỷ đồng), cung cấp cho thị trường trên 1.500 tấn khô như: Khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá đù… Ngoài ra, trên địa bàn thị trấn còn có khoảng 120 cơ sở sơ chế, chế biến hải sản với công việc chủ lực là xẻ khô, làm mắm, làm ruốc, sơ chế ghẹ, sơ chế tôm, cua, sơ chế thủy sản đông lạnh phục vụ xuất khẩu.

Theo đánh giá của Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường), trong khâu làm sạch, nguồn nước sử dụng chủ yếu lấy từ nước sinh hoạt của các hộ gia đình. Đây cũng là khâu xả thải chủ yếu của quy trình gồm nước thải và chất thải (phần loại bỏ vây, vảy, ruột cá...). Nguồn nước thải được xả trực tiếp vào đất trong khuôn viên các hộ gia đình làm nghề hoặc xả thẳng ra kinh rạch (đối với các cơ sở sản xuất, chế biến). Với hàm lượng các chất dinh dưỡng cao từ nước thải cùng với quy mô sản xuất lớn từ các hộ gia đình và cơ sở chế biến thủy - hải sản, đây được xem là nguồn thải có nguy cơ tác động mạnh đến chất lượng nguồn nước mặt trong vùng.

Còn tại LN bánh bún - hủ tiếu Mỹ Tho, trước đây LN chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công nên năng suất thấp, chất lượng cũng hạn chế. Những năm gần đây, một số cơ sở đã được hỗ trợ, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên giá thành giảm, ít tốn công, thời gian làm bún được rút ngắn và chất lượng được nâng cao.
Theo kết quả đánh giá của Chi cục BVMT, có thể thấy quy trình sản xuất bún, bánh, hủ tiếu không phức tạp, tuy nhiên các công đoạn sản xuất từ việc vo gạo, ngâm, nghiền, ủ bột… đến thành phẩm đều phát sinh nhiều nước thải với nguy cơ ô nhiễm cao. Thực trạng cho thấy hầu hết nguồn thải từ các hộ sản xuất bún bánh trong LN đều thải trực tiếp vào hệ thống kinh, rạch trong khu vực mà chưa qua xử lý. Tuy nhiên, với 67% số hộ sản xuất ở quy mô gia đình nhỏ lẻ, công suất 100 - 250 kg/ngày, lượng nước thải từ LN tác động đến hệ thống kinh, rạch trong khu vực vẫn chưa ở mức nghiêm trọng như nhiều LN bún khác trên cả nước.

Theo kết quả điều tra về môi trường ở LN của Chi cục BVMT, tỉnh ta có 15 LN truyền thống, phân bố gần như đều khắp tại các vùng. Các LN có chung đặc điểm như: Nguồn nguyên liệu tại chỗ, tay nghề và lao động tại chỗ, cha truyền con nối và đa phần sản phẩm được khẳng định trên thị trường các tỉnh phía Nam. Mang đặc thù của mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia truyền, ít vốn nên hầu hết các LN tại Tiền Giang đều gây ra những áp lực to lớn đến vấn đề môi trường xung quanh. Các hoạt động sản xuất của LN chưa có sự quan tâm đúng mức đến BVMT. Đặc biệt, tại các LN sử dụng các nguồn nguyên liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như nhóm ngành nghề về chế biến thực phẩm, nhóm nghề điêu khắc, chạm trổ…

Phát triển làng nghề cần gắn với bảo vệ môi trường.
Phát triển làng nghề cần gắn với bảo vệ môi trường.

Hầu như toàn bộ các LN tại Tiền Giang chưa có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống kinh, rạch chung hoặc ra sông. Mức độ gây nhiễm bẩn nguồn nước tùy thuộc vào từng loại ngành nghề. Có những làng nghề hoạt động không sinh ra nước thải hoặc có nhưng mức độ tác động là rất ít như LN đan lát, điêu khắc gỗ, làm tủ thờ… Ngược lại, có nhiều LN sử dụng nhiều nước trong quá trình sơ chế và chế biến nguyên liệu như các LN nhóm ẩm thực, nguồn nước thải ra mang theo hàm lượng chất ô nhiễm rất cao. Đặc biệt, các thành phần hữu cơ như COD, BOD, các thành phần dinh dưỡng như nitơ, photpho và các mầm bệnh.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, định hướng về phát triển LN trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tiếp tục bảo tồn, phát triển các LN trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển LN; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; vận động xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất, tiếp tục bảo tồn và phát triển các LN đang hoạt động, có khả năng phát triển.

Phát triển LN gắn với phát triển du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm quà lưu niệm của du khách. Hỗ trợ phát triển LN với các sản phẩm có tiếng trên thị trường mà người dân địa phương hay du khách đã sử dụng qua nhưng khó quên được như: Hủ tiếu Mỹ Tho, bánh tráng, bánh phồng… Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ phát triển các LN mới như: Xe nhang ở huyện Gò Công Tây, thủ công mỹ nghệ ở huyện Tân Phú Đông…

Về môi trường không khí ở các LN, nhìn chung, theo kết quả đánh giá hiện trạng và diễn biến môi trường khí trong những năm gần đây thì ở tỉnh hầu như chưa bị ô nhiễm. Nguồn gây ô nhiễm không khí ở đây chủ yếu phát sinh từ bụi do hoạt động giao thông hoặc xảy ra cục bộ tại một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp… Mức độ tiếng ồn tại các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện tại vẫn chưa đến mức báo động vì số lượng các cơ sở không nhiều và thường nằm phân tán trong các khu dân cư. Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu tiếng ồn đã tác động đến khu dân cư xung quanh nhưng mang tính cục bộ.

Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường LN, trong đó chủ yếu như: Công cụ lao động, thiết bị máy móc thô sơ, lạc hậu; nguồn nguyên liệu thô chưa qua sơ chế; thiếu vốn đầu tư các công trình xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường; ý thức BVMT của lao động trong LN chưa cao…
Cũng theo Chi cục BVMT, để khắc phục tình trạng ô nhiễm từ các LN, năm 2013 “Đề án tổng thể BVMT LN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tăng cường mạnh mẽ công tác BVMT trong quản lý và phát triển LN trên phạm vi toàn quốc, ngăn chặn việc phát sinh các LN ô nhiễm môi trường mới; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các LN, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững.

Về giải pháp BVMT ở các LN, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về BVMT ở các LN. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT tại các LN. Đầu tư vốn cho hoạt động nghiên cứu nhằm đổi mới các công nghệ sản xuất thủ công, tăng tỷ lệ cơ giới hóa nhằm nâng cao hiệu quả sản phẩm và giảm thải chất ô nhiễm vào môi trường hơn. Xây dựng văn bản pháp luật yêu cầu các LN phải có hệ thống tách riêng nguồn nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt để trước mắt tập trung xử lý nước thải sản xuất, hạn chế chi phí xử lý nước thải…

MINH THÀNH

.
.
.