Thứ Tư, 01/03/2017, 18:25 (GMT+7)
.

Thị trường lúa gạo còn nhiều yếu tố rủi ro

Đề cập về diễn biến của thị trường lúa gạo thời gian gần đây, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát nhận định, điểm khác biệt lớn nhất của vụ đông xuân năm nay là khi vào thu hoạch rộ giá lúa lại tăng. Cụ thể, trước Tết Nguyên đán, giá lúa tươi IR50404 tại ruộng chỉ vào khoảng 4.400 đồng/kg, đến ngày 21-2 đã tăng lên 4.700 đồng/kg; giá gạo lức khoảng 6.400 đồng/kg đến nay đã dao động từ 6.800 - 6.850 đồng/kg. Giá lúa gạo tăng do nhiều nguyên nhân tác động.

Thị trường gạo của Việt Nam còn nhiều yếu tố rủi ro.
Thị trường gạo của Việt Nam còn nhiều yếu tố rủi ro.

Trước tiên là vụ đông xuân năm nay ít nhiều do năng suất giảm dẫn đến sản lượng giảm và do thay đổi cơ cấu giống cây trồng, một số vùng giảm diện tích trồng lúa IR50404 mà tăng diện tích trồng lúa thơm, nếp. Yếu tố thứ hai là do một số hợp đồng xuất khẩu ký trước để đón đầu vụ đông xuân, do áp lực giao hàng sớm buộc lòng doanh nghiệp (DN) phải mua gạo để giao. Giá lúa gạo nguyên liệu tăng dẫn đến hệ lụy là các hợp đồng xuất khẩu đã ký phải chấp nhận lỗ vốn. Đối với mặt bằng giá lúa gạo hiện nay, DN rất khó ký hợp đồng mới do giá thành cao hơn giá bán. Chưa kể gần đây, Thái Lan đã mở thầu bán hơn 2 triệu tấn gạo. Chính vì vậy, mặt bằng giá gạo giao dịch của khu vực khó có khả năng lên vì cùng thời điểm trong nước thu hoạch vụ đông xuân, một số nước cũng vào vụ thu hoạch.

Theo nhận định của các chuyên gia, đến nay vụ đông xuân đã thu hoạch gần 50%, nên dự báo đến hết vụ đông xuân giá lúa gạo vẫn xoay quanh mức như hiện nay, nếu có giảm cũng chỉ ở mức 100 đồng/kg là hết mức. Với mặt bằng giá đầu vào như hiện nay, đầu ra của các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại chỉ có những DN có hợp đồng đã ký trước, cần phải giao hàng mới mua gạo vào, còn đối với những DN chưa có hợp đồng hoặc mua có tính chất để chờ giá lại không dám mua vào do giá nguyên liệu quá cao. “Giá lúa gạo trong nước hiện ở mức cao nhưng không mang tính bền vững do hiện còn “tắc” ở khâu đầu ra của các DN do nhu cầu tiêu thụ ở các nước không lớn. Khi DN giao hết lượng gạo đã ký và nhu cầu cung ứng cho thị trường phía Bắc giảm, dễ dẫn đến giảm giá nguyên liệu trong nước. Từ đó cho thấy thị trường gạo của Việt Nam còn nhiều yếu tố rủi ro” - ông Lâm Anh Tuấn nhận định.

PHƯƠNG ANH

.
.
.