Tín dụng chính sách thay đổi cuộc sống hộ nghèo
Nhiều chương trình tín dụng chính sách như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch - vệ sinh môi trường... đã và đang phát huy tác dụng, góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân, nhất là hộ nghèo.
Đánh giá về các chương trình tín dụng chính sách, ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho rằng, thời gian qua, tình hình kinh tế có nhiều biến đổi, nhìn chung đời sống người dân ngày càng được nâng lên và ổn định. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn một bộ phận người nghèo gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Do đó, nhu cầu về nguồn vốn là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho nông dân và những hộ nghèo có cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh (SX-KD), cải thiện thu nhập, đặc biệt là hỗ trợ cho các học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống người dân. |
Theo ông Lý Văn Cẩm, tính đến ngày 31-12-2016, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) đạt hơn 151 tỷ đồng, với 11.057 khách hàng vay vốn, mỗi khách hàng có dư nợ bình quân là 13,73 triệu đồng; trong đó dư nợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 51%, từ đó góp phần đưa nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và hiệu quả. “Nhu cầu vay vốn chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện rất lớn nên Ngân hàng CSXH cần bổ sung nguồn vốn cho vay nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn; đồng thời xem xét nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường từ 6 triệu đồng lên 12 triệu đồng/công trình”- ông Lý Văn Cẩm đề nghị.
Cùng chung nhận định về hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách, ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cũng cho rằng, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã nhanh chóng giải ngân đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách; mức cho vay cũng được nâng dần lên, với dư nợ bình quân đạt 20 triệu đồng/hộ. Đối với những hộ làm ăn có hiệu quả cao, có mô hình sản xuất, mức cho vay cũng được nâng lên tối đa là 50 triệu đồng/hộ, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phục vụ SX-KD, làm dịch vụ... góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là tạo điều kiện cho hộ vay có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, có thêm thu nhập ổn định. “Thông qua nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, nhiều hộ không còn phải đi vay “nóng” bên ngoài, góp phần khắc phục và hạn chế việc cho vay nặng lãi như trước đây. Với số tiền vay, hộ nghèo đã tận dụng được sức lao động của các thành viên trong gia đình cùng tham gia SX-KD, góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp, giảm bớt tệ nạn xã hội”- ông Lê Hoàng Việt phân tích thêm.
Nâng cao ý thức trả nợ, lãi vay Theo ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Việc đưa nguồn vốn đến được với người thụ hưởng đã khó, việc đảm bảo người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích lại càng khó khăn hơn. Công tác kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ ở một số nơi dẫn đến nợ quá hạn và lãi tồn đọng cao. Công tác tuyên truyền giải thích về ý thức trả nợ, trả lãi cho hộ vay chưa được quan tâm. Từ đó dẫn đến hệ quả là nguồn vốn chưa phát huy hết hiệu quả, tình trạng nợ quá hạn kéo dài gây khó khăn cho việc thu hồi và giải ngân cho các chương trình tín dụng mới. |
Thông qua nhiều chương trình tín dụng từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương do Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang thực hiện đã tạo nguồn lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Theo ông Lê Văn Trước, Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang, mức cho vay hộ nghèo bình quân từ 12,17 triệu đồng/hộ năm 2015 đã tăng lên 15,78 triệu đồng/hộ năm 2016; mức cho vay hộ cận nghèo từ 11,26 triệu đồng lên 12,85 triệu đồng năm 2016. Theo đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng do Ngân hàng CSXH Chi nhánh Tiền Giang thực hiện tính đến ngày 31-12-2016 đạt trên 1.895 tỷ đồng; trong đó dư nợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là 846 tỷ đồng, chiếm 44,62%, góp phần đưa nông nghiệp tỉnh phát triển theo hướng có chất lượng, hiệu quả... Thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2016 còn 5,02% (giảm 0,85% so với đầu năm).
Tuy nhiên, ông Lê Văn Trước cũng đánh giá, mặc dù đến cuối năm 2016 nợ quá hạn toàn tỉnh giảm 1,75 tỷ đồng so với đầu năm nhưng chất lượng tín dụng trên địa bàn chưa thật sự bền vững, nợ quá hạn của một số đơn vị ở một số thời điểm vẫn còn tăng cao; một số chương trình có xu hướng nợ quá hạn tăng cao như chương trình học sinh - sinh viên, nhà ở hộ nghèo. Nguyên nhân của thực trạng này là do ý thức chấp hành nghĩa vụ trả nợ của người dân chưa cao, một số hộ vay chây ì, thậm chí không muốn trả nợ bởi còn trông chờ vào chính sách của Nhà nước...
PHƯƠNG ANH
Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay từ các chương trình tín dụng chính sách được người dân đầu tư chủ yếu để SX-KD... Nhờ đó nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều hộ cải thiện được đời sống, tăng thu nhập, từng bước vươn lên khá giả; nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm cơ sở để nhân rộng ra các địa phương như: Mô hình trồng thanh long xông đèn trái vụ ở huyện Chợ Gạo, mô hình chăn nuôi bò ở huyện Gò Công Tây và huyện Chợ Gạo; mô hình trồng cây sả ở huyện Tân Phú Đông… Chương trình cho vay theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ cũng được triển khai thực hiện từ tháng 4-2013. Nguồn vốn tín dụng chính sách này được các hộ vay đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: Chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, với nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Điển hình là các hộ gia đình: Ông Cao Văn Hiếu, ông Nguyễn Văn Chín, ông Phạm Văn Quang, bà Phạm Thị Đầm (ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), mỗi hộ vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò... |