Trái cây nội và những thách thức
Những năm qua, trái cây nước ta đã xâm nhập được vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có những thị trường “khó tính”. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, trái cây trong nước cũng đang đứng trước những “sức ép” từ trái cây ngoại.
“SỨC ÉP” TỪ TRÁI CÂY NGOẠI
Có thể nhận thấy, thời gian qua, các loại trái cây trong nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có những bước tiến vượt bậc trên thị trường thế giới. Nhờ sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành mà nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, sầu riêng… xuất khẩu đi được nhiều nước trên thế giới. Chính điều này đã góp phần quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam ra thế giới, đóng góp chung vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cần chú trọng xúc tiến tiêu thụ trái cây ở thị trường nội địa. |
Thế nhưng, cùng với đó, trái cây ngoại cũng xâm nhập mạnh vào thị trường nước ta. Qua ghi nhận, hiện các loại trái cây ngoại trên thị trường có xuất xứ từ nhiều nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nam Phi... Giá các loại trái cây này thường ở mức cao gấp nhiều lần so với trái cây cùng loại trong nước. Cụ thể, tại siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho, giá các loại trái cây như: Táo đỏ Mỹ có giá 49.500 đồng/kg, lê đỏ vàng Nam Phi 85.000 đồng/kg, lê Hàn Quốc 69.000 đồng/kg, nho đỏ không hạt Nam Phi 109.900 đồng/kg, nho đen không hạt ngón tay 375.000 đồng/kg, kiwi xanh Pháp 79.000 đồng/kg… Dù giá cao nhưng trái cây ngoại vẫn được nhiều người lựa chọn. Lý giải về điều này, nhiều người tiêu dùng cho rằng, ưu điểm của trái cây ngoại là thời gian bảo quản lâu, màu sắc “bắt mắt” hơn. Cùng với đó, thường có sự mới lạ về chủng loại nên trái cây ngoại kích thích được sự tò mò của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Phượng Vân (phường 5, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Tôi thường mua nhiều loại trái cây cả trong và ngoài nước. Ưu điểm mà tôi nhận thấy ở trái cây ngoại là thời gian bảo quản lâu. Khi mua trái cây của những nước như Mỹ, Hàn Quốc…, tôi cảm thấy an tâm vì biết được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó chất lượng cũng đảm bảo hơn”.
Theo siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho, thời gian qua, siêu thị nhập về nhiều loại trái cây từ các nước, trong đó chủ yếu từ Mỹ. Doanh số thu về từ việc bán trái cây ngoại cao hơn khoảng 3 lần so với trái cây nội. Còn tại siêu thị Co.op Mart Gò Công, ngay từ những ngày đầu khai trương, sức tiêu thụ các loại trái cây ngoại nhập khá cao. Ông Dương Minh Châu, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Gò Công cho biết: “Mặc dù giá các loại trái cây ngoại nằm ở mức cao nhưng người dân vẫn sẵn sàng bỏ tiền để mua”.
ĐẨY MẠNH TIÊU THỤ NỘI ĐỊA
Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc xúc tiến đưa trái cây “vươn ra” thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều chuyên gia khuyến cáo tăng cường khai thác tiềm năng thị trường trong nước, nhất là khi đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Có thể nhận thấy, để trái cây Việt Nam vào được những thị trường khó tính, đòi hỏi phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Trong khi đó, những nông sản trong nước tốt nhất thường được mang đi xuất khẩu. Chính điều này đã làm một số người tiêu dùng có tâm lý cho rằng trái cây trong nước chỉ là “hàng dạt”. Thực trạng trên đòi hỏi người nông dân và các cấp, các ngành phải tìm giải pháp để cải thiện hình ảnh trái cây nội trong mắt người tiêu dùng, phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng. Ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho cho biết, có gần 70% các loại trái cây nội địa bán tại siêu thị có nguồn gốc ở tỉnh. Để vào được siêu thị, trái cây phải đảm bảo những tiêu chuẩn về vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Nếu đảm bảo các yếu tố này, siêu thị sẵn sàng là “cầu nối” giữa người nông dân và người tiêu dùng.
Khó phân biệt xuất xứ trái cây Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại trái cây với nguồn gốc và xuất xứ khác nhau. Để tìm hiểu về nguồn gốc không phải là điều đơn giản, nhất là trái cây được bày bán tràn lan ngoài chợ không có tem nhãn. Nhiều loại trái cây mập mờ về nguồn gốc, “đội lốt” trái cây Việt để tuôn về các chợ. |
Còn ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch cho rằng, thị trường nội địa có sức tiêu thụ lớn nhưng trái cây chưa xâm nhập mạnh vào. Sở dĩ xảy ra điều này là do ngành hàng trái cây chưa có những doanh nghiệp đủ lớn, chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, khâu bảo quản trái cây sau thu hoạch yếu cũng ảnh hưởng đến chất lượng trái cây, từ đó làm giảm đi sức cạnh tranh. Từ những hạn chế trên, ông Đoàn Văn Phương cho biết, mục tiêu của tỉnh là hướng việc sản xuất trái cây đi vào chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể truy xuất được nguồn gốc. Theo đó, thông qua các đề án phát triển cây ăn trái của tỉnh, sản phẩm nông nghiệp sẽ tăng sức cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất. “Về giải pháp, việc nghiên cứu xúc tiến thương mại ngành hàng trái cây phải theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Về lưu thông, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch phối hợp với Sở Công thương cùng tìm đầu ra cho ngành hàng trái cây. Về xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa, trung tâm sẽ tăng cường xúc tiến thương mại ở những vùng không trồng được trái cây tương tự của tỉnh; đồng thời kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối của các tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó, các sản phẩm của tỉnh sẽ lan tỏa khắp nơi. Và quan trọng hơn, cần tăng cường xây dựng thương hiệu, quảng bá các loại trái cây đặc sản” - ông Đoàn Văn Phương cho biết thêm.
MINH THÀNH