Cây sầu riêng "bén rễ" trên vùng "rốn" lũ
Khoảng 3 năm trở lại đây, cây sầu riêng phát triển mạnh ở xã Mỹ Lợi A, vùng đất được xem là “rốn” lũ của huyện Cái Bè và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Không chỉ người dân địa phương mà còn có nhiều nông dân từ huyện Cai Lậy cũng đến đây mua, thuê đất để trồng sầu riêng.
“BÉN RỄ”
Chú Thái Văn Tràng, ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A cho biết, trước đây, 1,5 ha vườn của chú trồng cam sành. Sau khi cam sành bị bệnh không trị được, chú đã chuyển sang trồng sầu riêng. Sau thời gian đầu gặp khó khăn do không nắm kỹ thuật trồng, chăm sóc, đến nay, những cây sầu riêng trong vườn của chú phát triển khá tốt. “Sầu riêng của tôi đã 6 năm tuổi, đang ra hoa rất đều. Tôi dự kiến vụ đầu tiên sẽ để trái mùa thuận sau đó mới áp dụng kỹ thuật xử lý nghịch vụ” - chú Tràng cho biết thêm. Còn anh Trần Văn Thanh, ấp Lợi Trinh thì cho biết, thấy cây sầu riêng phát triển tốt ở vùng Mỹ Lợi A, năng suất, chất lượng không thua kém vùng Cai Lậy nên anh quyết định cải tạo lại vườn để trồng chuyên canh sầu riêng giống Ri6. Anh Thanh còn cho biết thêm, không riêng gì anh mà một số hộ xung quanh cũng đã và đang chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng. Vườn sầu riêng của anh hiện đã 4 năm và đang cho trái vụ đầu tiên.
Nếu biết áp dụng khoa học - kỹ thuật, nông dân Mỹ Lợi A trồng sầu riêng có thể cho hiệu quả kinh tế cao. |
Trước đây, vùng đất xã Mỹ Lợi A được xem là“rốn” lũ của huyện Cái Bè. Người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín (năm 2002), người dân địa phương bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như: Cam sành, bưởi, mít, mận, ổi... Đến năm 2010, một số hộ ở các ấp Mỹ An, Lợi Tường bắt đầu đưa cây sầu riêng về trồng. Sau thời gian trồng thấy cây phát triển tốt nên người dân bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, cây sầu riêng phát triển khá mạnh ở xã Mỹ Lợi A. Anh Cao Tấn Ngoãn, cán bộ Nông nghiệp xã Mỹ Lợi A cho biết, hiện nay, toàn xã có khoảng 170 ha trồng sầu riêng, chủ yếu là giống Monthong và Ri6, tập trung ở các ấp Mỹ An, Lợi Tường và Lợi Trinh.
“SỐT” GIÁ ĐẤT
Buổi đầu trồng sầu riêng, nông dân xã Mỹ Lợi A gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để xử lý các loại sâu bệnh như xì mủ, cháy lá, sâu đục thân và cải thiện chất lượng trái, họ phải thuê nhân công là những nông dân ở vùng chuyên trồng sầu riêng như: Ngũ Hiệp, Long Trung… đến hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, trừ toàn bộ chi phí, nông dân xã Mỹ Lợi A phải chia 20% lợi nhuận cho nhân công kỹ thuật.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, để giúp nông dân nắm kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng, hằng năm, xã đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, đồng thời khuyến khích bà con tự nghiên cứu, học hỏi để nâng cao kỹ thuật xử lý sâu bệnh trên cây sầu riêng. “Nếu chịu thương, chịu khó, quyết tâm làm giàu, nông dân xã Mỹ Lợi A có thể trồng sầu riêng trên mảnh đất của mình với giá trị kinh tế cao” - anh Ngoãn khẳng định.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, ngoài xã Mỹ Lợi A, nhiều xã khác ở huyện Cái Bè cũng có diện tích trồng sầu riêng lớn như xã Tân Hưng (45 ha), xã Mỹ Lợi B (16 ha)... Ngành Nông nghiệp huyện dự kiến sẽ phát triển cây sầu riêng trên địa bàn huyện bên cạnh các loại cây ăn trái khác như: Cam sành, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò… |
Khoảng 2 năm nay, một số nông dân được thuê hướng dẫn kỹ thuật, sau khi xử lý thành công, cây sầu riêng cho năng suất và chất lượng cao, họ đã “truy lùng” thuê các vườn sầu riêng ở xã Mỹ Lợi A để canh tác. Anh Trần Văn Thanh cho biết: Một nông dân ở vùng Cai Lậy đã đồng ý thuê 1,6 công sầu riêng của anh giá 600 triệu đồng với thời gian thuê 10 năm. Tuy nhiên, họ yêu cầu các hộ lân cận đất của anh cũng phải cho họ thuê luôn, vì nếu chỉ thuê 1,6 công sầu riêng của anh thì quá ít, họ không tiện chăm sóc.
Anh Ngoãn cho biết, sầu riêng là giống cây đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, nhiều nông dân ở xã Mỹ Lợi A do mới trồng, không nắm vững kỹ thuật xử lý sâu bệnh nên họ sẵn sàng bán hoặc cho mướn đất với giá cao. Thế nhưng, sau đó họ lại tiếc như trường hợp của anh Sáu Em ở ấp Mỹ Trinh cho một nông dân ở vùng Cai Lậy thuê 4.000 m2 đất trong 8 năm với giá 500 triệu đồng. Sau khi thuê đất, người thuê xử lý sầu riêng ra trái chỉ một vụ là đã thu hồi vốn. Anh Ngoãn cho biết thêm, rút kinh nghiệm những hộ đi trước nên một số hộ dân sau này đã không cho thuê nữa dù giá cao. Cụ thể, có hộ trồng 8 công sầu riêng được hơn 5 năm tuổi, nông dân ở vùng Cai Lậy đến trả giá thuê 2 tỷ đồng cho 10 năm nhưng chủ vườn không đồng ý.
Khi cây sầu riêng “bén rễ” ở vùng đất “rốn” lũ thì không chỉ giá cho thuê đất trồng sầu riêng ở xã Mỹ Lợi A lên cơn “sốt” mà giá đất nông nghiệp ở đây cũng đang “sốt” theo. Khi thấy cây sầu riêng phát triển được ở vùng Mỹ Lợi A, đồng thời để “né” mặn, nhiều nông dân ở vùng Cai Lậy như: Ngũ Hiệp, Long Trung… đến đây mua đất, đẩy giá đất nông nghiệp ở Mỹ Lợi A tăng từ 2 đến 2,5 lần so với trước kia. Chú Thái Văn Tràng cho biết: Trước kia, giá đất nông nghiệp vùng Mỹ Lợi A chỉ dao động từ 40 - 45 triệu đồng/1.000 m2, nay tăng lên từ 105 - 110 triệu đồng/1.000 m2. Dù vậy, theo một số nông dân ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đến xã Mỹ Lợi A thuê đất trồng sầu riêng, với mức giá này, người mua đất vẫn có lợi, vì giá 1.000 m2 đất trồng sầu riêng ở Ngũ Hiệp lên đến trên 200 triệu đồng. Theo anh Ngoãn, tính đến thời điểm này, diện tích đất các hộ nông dân ở vùng Cai Lậy mua lại ở xã Mỹ Lợi A lên đến 50 ha.
QUỐC TUẤN