Chăn nuôi liên kết chuỗi, giảm rủi ro
Trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết đang gặp khó khăn về đầu ra, giá cả bấp bênh, thua lỗ nặng thì những hộ chăn nuôi, những tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp theo chuỗi lại “sống khỏe”. Trên thực tế, người chăn nuôi muốn tồn tại lâu dài phải liên kết theo chuỗi để nâng cao sản phẩm, hạ giá thành, đảm bảo đầu ra… và hạn chế rủi ro khi thị trường biến động.
Ông Trương Ngọc Tâm, Quản lý thương mại của Công ty TNHH Guyo Marc’h Việt Nam đến thăm trang trại nuôi heo hợp tác với công ty mình. |
Ông Lê Phú Thọ là một trong những hộ chăn nuôi heo lớn và khá có tiếng ở xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành. Tuy nhiên, ông nhận thấy nếu chăn nuôi một mình khó liên kết chuỗi với các công ty và thường xuyên bị thương lái ép giá khi bán heo. Đầu năm 2017, ông thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi heo Viet GAP mang tên Thọ Thủy do ông làm tổ trưởng, với 20 thành viên nuôi 600 heo nái và 1.000 heo thịt. THT này được Công ty TNHH Guyo Marc’h Việt Nam đầu tư từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Ông Thọ cho biết, khi tham gia vào chuỗi liên kết này, thành viên của THT được công ty hỗ trợ 50 đồng/kg thức ăn, hỗ trợ máng ăn, hỗ trợ tinh heo… và bán heo cao hơn thị trường 200.000 đồng/tạ. “Tham gia vào chuỗi liên kết này, chúng tôi cảm thấy giảm được rất nhiều rủi ro. Từ con giống đến tiêu thụ đều được công ty hỗ trợ. Trong quá trình nuôi, heo bị hao hụt thì được công ty xem xét hỗ trợ. Ngoài ra, nhờ kỹ thuật của công ty mà người chăn nuôi có thể giảm chi phí 300.000 đồng/con” - ông Thọ bộc bạch.
Ông Trương Ngọc Tâm, Quản lý thương mại của Công ty TNHH Guyo Marc’h Việt Nam cho biết, trong bối cảnh người chăn nuôi heo nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết đang chịu lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng/tạ và rất khó tìm đầu ra thì những người tham gia chuỗi liên kết như THT nuôi heo Viet GAP Thọ Thủy lại giảm được những rủi ro trên. Khi tham gia vào chuỗi liên kết này, công ty đã đồng hành cùng với người chăn nuôi. Giá cao thì nông dân lãi lớn, công ty cũng được lợi nhuận; còn khi giá xuống thấp, công ty cũng hỗ trợ để gánh bớt những thiệt hại cho người dân.
Nhận định việc chăn nuôi heo sẽ gặp nhiều rủi ro do thị trường khá biến động, ông Trần Huỳnh Trung, ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước chọn phương án nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Ông Trung cho biết, năm 2009, ông bắt đầu xây dựng chuồng trại, cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam. Năm 2010, công ty bắt đầu đưa nguồn heo, thức ăn, thuốc thú y và cán bộ kỹ thuật đến. Ông chỉ là người làm công trên mảnh đất của mình. Đến khi tiêu thụ heo, công ty đến cân và trả tiền cho ông 3.000 - 4.500 đồng/kg heo hơi (tùy theo heo đẹp hay xấu mà công ty định giá để trả tiền). Ông Trung tâm sự: “Mình nuôi gia công tuy lợi nhuận không cao, nhưng không bị lỗ vốn. Thả heo vào là biết được số tiền mình có khi bán heo bao nhiêu rồi. Đây là phương án bền vững nhất. Bởi, chúng ta không đủ vốn để chạy theo thị trường. Chăn nuôi lãi chẳng bao nhiêu, còn lỗ thì đứng trước cảnh phá sản. Nhiều hộ chăn nuôi không theo mô hình liên kết đang nợ nần chồng chất, nguồn heo chưa biết bán cho ai…”.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Kiều Minh Lực, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, việc liên kết theo chuỗi đã được công ty thực hiện nhiều năm nay. Trong đó, tỉnh Tiền Giang đã được công ty đầu tư nhiều năm để thực hiện việc liên kết nuôi heo với bà con. Hoạt động chăn nuôi heo của C.P. được thực hiện theo phương thức hợp tác với người dân theo 2 loại: Hợp đồng cùng người chăn nuôi và hợp đồng thuê trại. Hợp đồng cùng người chăn nuôi là hình thức mà C.P. và người dân cùng tham gia vào quá trình sản xuất và quản lý sản xuất. Trong khi đó, hợp đồng thuê trại là hình thức sản xuất và quản lý sản xuất thuộc về C.P.
Trang trại liên kết theo chuỗi của THT nuôi heo Viet GAP Thọ Thủy. |
Trong hợp tác cùng chăn nuôi với người dân, C.P. cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và giám sát thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Phương thức hợp tác chăn nuôi này trong nhiều năm qua đã góp phần giúp người chăn nuôi chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp. Thông qua đó, người dân tiếp thu được khoa học - công nghệ chăn nuôi và nhiều người đã có thể tự tổ chức chăn nuôi độc lập. “Khi hợp tác với C.P., người dân không quan tâm đầu ra, không bị lỗ, học tập được kinh nghiệm nuôi tiên tiến của công ty… Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, đàn heo hao hụt thì công ty sẽ xét đến các yếu tố: Nếu người liên kết với công ty chủ quan dẫn đến đàn heo chết thì người liên kết chịu, còn đàn heo chết do yếu tố khách quan như dịch bệnh thì C.P. chịu” - Tiến sĩ Lực nói.
Trong tiêu thụ, tỉnh Tiền Giang đã hình thành được mối liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp. Theo đó, 14 mô hình chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, quy mô chăn nuôi từ 500 - 2.200 con heo thịt, tập trung tại huyện Chợ Gạo và huyện Tân Phước. Hình thành tiêu thụ sản phẩm thịt heo thông qua các tư thương nhằm đáp ứng thị trường nội tỉnh khoảng 62%, thị trường ngoại tỉnh 38% tại TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện liên kết theo chuỗi giúp chăn nuôi phát triển ổn định và bảo đảm cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hộ chăn nuôi được ứng trước thức ăn chăn nuôi, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, được cung cấp vật tư có chất lượng, giảm rủi ro và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục định hướng và tạo mối gắn kết giữa người chăn nuôi cùng doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Đó là xu thế phát triển tất yếu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
SĨ NGUYÊN