Thứ Sáu, 07/04/2017, 11:00 (GMT+7)
.

Giá heo thấp: Hệ lụy từ chăn nuôi theo phong trào

Chăn nuôi heo chạy theo phong trào, mang tính tự phát dẫn đến mất cân đối cung - cầu. Cùng với đó, con heo phải gánh quá nhiều chi phí trung gian càng đẩy người nuôi vào thế khó.

Để cán cân cung - cầu trở lại mức cân bằng không phải chuyện một sớm một chiều.
Để cán cân cung - cầu trở lại mức cân bằng không phải chuyện một sớm một chiều.

CÀNG NUÔI CÀNG LỖ

Có thể nhận thấy, người nuôi heo đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong những năm qua khi giá heo liên tục giảm mạnh. Hiện tại, giá heo hơi chỉ dao động từ 24.000 - 28.000 đồng/kg và người nuôi heo phải vật lộn với bài toán tìm đầu ra.

Theo một số hộ chăn nuôi heo, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, giá heo nằm ở mức tương đối ổn định, người nuôi có lãi khá. Nhận thấy lợi nhuận, nhiều người đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Theo thống kê vào đầu tháng 3 vừa qua, đàn heo trên địa bàn tỉnh là 719.000 con, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Cũng cần phải nói thêm, trong giai đoạn 2015 - 2016, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ heo lớn của Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tăng đàn ồ ạt, trong khi không dự đoán được nhu cầu của thị trường. Cho nên khi việc xuất sang thị trường này gặp khó khăn thì ngay lập tức heo bị rớt giá thê thảm.

Chị Nguyễn Thị Anh Thi, chủ trại chăn nuôi heo ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo cho biết, trại có 70 heo nái và khoảng 700 heo thịt mỗi tháng xuất chuồng khoảng 100 con heo thịt. Lúc chúng tôi đến, trại heo của chị Thi đang xuất chuồng khoảng 30 con heo thịt với giá 29.000 đồng/kg. Theo tính toán của chị Thi, mỗi con heo chị lỗ khoảng 1 triệu đồng. Thật ra, đây là mức giá cao so với mặt bằng giá chung (do mối quen nên mua giá cao hơn). Chị Thi cho biết: “Mấy năm trước, nuôi heo có lãi tốt. Khoảng nửa năm nay, trại heo của tôi thua lỗ khoảng nửa tỷ đồng”. Cùng chung tình cảnh khó khăn với những hộ nuôi heo khác, ông Võ Thành Tài, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây cũng đang “cắn răng” chịu lỗ khi những lứa heo cứ đều đặn xuất chuồng.

Đánh giá về thực trạng chăn nuôi heo hiện nay, ông Chung Kiêm, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, trong năm 2015 và 2016, người chăn nuôi heo thu lợi nhuận khá nhiều do xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. Điều này đã thúc đẩy người chăn nuôi phát triển đàn ồ ạt, dẫn đến hậu quả cung vượt cầu hiện nay. Do phát triển đàn không có kế hoạch, không dự đoán được nhu cầu thị trường nên khi xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, người nuôi lại điêu đứng.

Con heo đang bị quá nhiều chi phí trung gian.
Con heo đang bị quá nhiều chi phí trung gian.

CHƯA HẾT KHÓ

Theo các thương lái, số lượng heo trên thị trường còn tồn đọng rất nhiều, từ đó dẫn đến giá bán chưa thể tăng lên. Có một thực tế, để cán cân cung - cầu quay trở lại mức cân bằng không phải là chuyện một sớm một chiều. Bởi lẽ, lượng heo nái trong người nuôi đang khá nhiều dẫn đến lượng heo con khá lớn. Các lứa heo cứ thế nối tiếp nhau dẫn đến trở ngại trong việc giảm đàn. Ngoài ra, giá heo giống cũng đang khá thấp, nhiều người thấy rẻ mua về nuôi từ đó làm cho số lượng heo khó giảm trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, ngành Chăn nuôi tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Chính cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến việc khó kiểm soát số lượng đàn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng cung - cầu.

Có một thực trạng khác là hiện nay, giá heo hơi đang ở mức thấp trong khi đó giá thịt heo ngoài các chợ giảm chưa tương xứng. Thật ra, con heo phải gánh quá nhiều chi phí trung gian từ vận chuyển, giết mổ, phân phối… Tất cả những chi phí đó đã đẩy giá heo thịt đến tay người tiêu dùng lên cao. Ngoài ra, không như những mặt hàng nông sản khác, con heo sau khi giết mổ số lượng thịt không còn như lúc ban đầu. Do đó, nếu so với giá thị trường hiện nay, giá heo hơi 25.000 đồng/kg, thịt heo bán ngoài chợ 55.000 đồng/kg cũng không phải ở mức cao. Và trong giai đoạn này, theo nhận định của giới chăn nuôi, không chỉ người nuôi thua lỗ mà ngay cả những thương lái cũng gặp khó khăn trước sự biến động của giá theo chiều hướng giảm do khó tiêu thụ sản phẩm.

Trước những khó khăn của người nuôi heo, ông Chung Kiêm cho rằng: “Ngành Chăn nuôi cần phải cấu trúc lại, chăn nuôi theo chuỗi để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nếu chúng ta đảm bảo được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm bớt khâu trung gian thì ngành Chăn nuôi sẽ rất có tiềm năng. Và quan trọng hơn là phải dự đoán được thị trường tiêu thụ rồi từ đó hướng dẫn người nuôi tăng, giảm đàn một cách hợp lý”.

MINH THÀNH

Truy xuất nguồn gốc thịt heo tại Tiền Giang

Vừa qua, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại Tiền Giang. Trong buổi hướng dẫn sử dụng phần mềm Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại huyện Chợ Gạo, nhiều chủ trại heo tỏ ra băn khoăn trước đề án này. Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn của ngành Chăn nuôi hiện nay, nhiều người bày tỏ sự lo ngại về giá bán khi tham gia vào chuỗi truy xuất này.

Đại diện Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, mỗi ngày thị trường TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con heo. Những người tham gia chuỗi truy xuất sẽ được hưởng lợi ích từ đề án. Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn này, TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện.

 

 

.
.
.