Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam
Sáng 12-4, tại điểm cầu chính Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển ngành dược liệu. Tại điểm cầu Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức chủ trì.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tìm các giải pháp khắc phục cho được những hạn chế, bất cập của ngành dược liệu cổ truyền Việt Nam; thống nhất những giải pháp để quyết tâm đưa ngành sản xuất dược liệu đi vào quỹ đạo phát triển mạnh mẽ, phát huy tiềm năng, lợi thế ngàn đời nay của đất nước. Thủ tướng nêu rõ, trong giai đoạn phát triển mới, Nhà nước ta luôn xác định y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Theo Bộ Y tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Thống kê của Viện Dược liệu cho thấy, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong số đó, khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm, như diếp cá, cẩu tích, lạc tiên, rau đắng đất... Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: Sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng… Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước từ 60 - 80 ngàn tấn/năm, trong đó phần lớn là sử dụng trong sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, trong hệ thống khám chữa bệnh. Phần còn lại dùng cho một số lĩnh vực khác như để sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm, hương liệu và xuất khẩu…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu của hội nghị nhằm nhận thức lại cho đúng; đồng thời tập trung hình thành chủ trương, biện pháp phát triển dược liệu Việt Nam thời gian tới cho phù hợp với tiềm năng dược liệu của đất nước. Đặc biệt, hội nghị cần bàn cách khắc phục những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực dược liệu như: Chưa phát huy được ở mọi vùng miền, chưa được quy hoạch phát triển theo chuỗi giá trị nên hiệu quả thấp; sản xuất manh mún, hiệu quả thấp; không có đầu ra bền vững; năng suất thấp, thất thoát lớn. Công tác chế biến còn bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Ngoài ra, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ dược liệu còn manh mún, sản phẩm còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
THỦY HÀ