Thứ Năm, 06/04/2017, 20:35 (GMT+7)
.

Mít Thái siêu sớm: Hiệu quả cao, rủi ro tiềm ẩn

Giá mít Thái siêu sớm tăng mạnh trong thời gian qua dẫn đến tình trạng “người người trồng mít, nhà nhà trồng mít”. Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế của cây trồng này thời gian qua, tuy nhiên thực trạng người dân ồ ạt trồng mít Thái siêu sớm để lại nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Giá mít Thái siêu sớm trên thị trường hiện nay dao động từ 22.000 - 28.000 đồng/kg. Với mức giá này, thu nhập của những hộ nông dân trồng mít được cải thiện đáng kể. Ông Trần Văn Chín, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy cho biết, nhà chỉ có khoảng 2.000 m2 trồng mít Thái siêu sớm, thu nhập từ tết tới nay gần 40 triệu đồng.

Nông dân đang chăm sóc mít Thái siêu sớm.
Nông dân đang chăm sóc mít Thái siêu sớm.

Dọc theo đường tỉnh 864 đi qua các xã Long Trung, Hội Xuân, Hiệp Đức... thuộc huyện Cai Lậy, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nhiều hộ nông dân đã đốn cây, cải tạo lại vườn để trồng mít Thái siêu sớm. Một nông dân ở ấp Hội Trí, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy cho biết: “Cách đây khoảng 2 năm, tôi trồng mít Thái siêu sớm xen canh với sầu riêng. Dần thấy giá trị kinh tế của cây mít thái cao, cách chăm sóc đơn giản nên tôi quyết định trồng chuyên canh mít Thái siêu sớm với diện tích 5.000 m2”.

Theo ông Lê Văn Thôn, Phó Chủ tịch UBND xã Hội Xuân, trong thời gian qua, cây mít Thái siêu sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân trong xã. Diện tích trồng mít Thái siêu sớm tính đến nay trên địa bàn xã đã lên đến 953,64 ha. Hiện nay, do nhiều hộ cùng cải tạo vườn để trồng mít nên các trại cây giống không đủ cây giống mít Thái để cung cấp cho nhu cầu của người dân. “Phong trào trồng mít của người dân ở xã Hội Xuân là tự phát, các ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên đốn cây trồng chủ lực để trồng mít Thái siêu sớm vì giá cả bấp bênh, tuổi thọ cây không lâu và khi trái bị bệnh, các thương lái sẽ ép giá. Theo nhiều nông dân trồng mít Thái siêu sớm, hiện nay, loại mít này xuất hiện nhiều loại bệnh như đen xơ múi, nứt trái, đặc biệt là bệnh xì mủ thân dẫn đến chết cây nhưng chưa tìm được nguyên nhân và cũng như biện pháp chữa trị. Hơn nữa, để trái đạt được kích cỡ loại 1 (trên 10 kg) rất khó, chỉ chiếm khoảng trên 50% tỷ lệ trái”- ông Lê Văn Thôn cho biết.

Ngoài xã Hội Xuân, các xã Long Trung, Hiệp Đức, đặc biệt là xã Cẩm Sơn cũng có nhiều diện tích trồng mít Thái siêu sớm. Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết, hiện nay, chỉ thống kê được diện tích trồng chuyên canh mít Thái siêu sớm ở xã Cẩm Sơn là 30 ha, xã Long Trung 30 ha... còn diện tích trồng xen canh không thể thống kê được. Ngoài huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè cũng có diện tích trồng mít Thái siêu sớm lớn trong tỉnh. Theo thống kê, toàn huyện Cái Bè có 1.335 ha trồng mít Thái siêu sớm, trong đó trồng phổ biến ở các xã Đông Hòa Hiệp (114 ha), xã Mỹ Đức Tây (167 ha), xã Mỹ Đức Đông (106 ha)...

Mít Thái siêu sớm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nông dân cần cẩn thận khi lựa chọn giống mít này vì thị trường bấp bênh, có giai đoạn giá mít Thái siêu sớm chỉ 2.000 đồng/kg. Các ngành chức năng cần đưa ra khuyến cáo để nông dân không nên đốn cây trồng chủ lực, trồng chuyên canh giống mít Thái siêu sớm vì độ rủi ro rất cao.

QUỐC TUẤN

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Không thể phủ nhận giá trị kinh tế của cây mít Thái siêu sớm mang lại trong thời gian qua, thế nhưng thực trạng người dân ồ ạt trồng mít Thái siêu sớm như hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro. TS. Lương Ngọc Trung  Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: Giá mít Thái siêu sớm tăng cao không xuất phát từ nhu cầu nội địa mà do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giá cả của giống mít này do thị trường Trung Quốc quyết định. Thế nhưng, thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi thị trường Trung Quốc ngừng tiêu thụ, mít Thái siêu sớm sẽ rớt giá, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Điều đáng lưu ý, trồng mít Thái siêu sớm sẽ dẫn đến tình trạng hư đất do rễ mít lấy hết chất dinh dưỡng. Khi đó, nông dân chuyển sang trồng loại cây khác sẽ tốn rất nhiều chi phí cải tạo đất.

 

 

.
.
.