Ngân hàng chính sách-Hiệu quả từ những chuyển đổi
“Tình trạng nợ quá hạn được cải thiện đáng kể, lãi tồn giảm dần, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) hoạt động ngày càng hiệu quả…” là những gì mà Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Tiền Giang đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Củng cố và Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách (gọi tắt là Đề án).
Tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất |
1. Thực tế cho thấy, vào thời điểm cuối năm 2011, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng CSXH Tiền Giang bình quân ở mức 1,67% trên tổng dư nợ; lãi tồn đọng gần 15 tỷ đồng, chưa kể các khoản nợ bị chiếm dụng, nợ chưa đổi được Sổ Vay vốn. Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu hướng hoạt động Ngân hàng CSXH Tiền Giang đi vào một quỹ đạo mới, nâng cao chất lượng tín dụng. Một khi chất lượng tín dụng được nâng lên cũng đồng nghĩa là có nhiều hộ gia đình làm ăn hiệu quả với nguồn vốn vay, kinh tế phát triển và đời sống khấm khá hơn.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án bước đầu cũng gặp không ít khó khăn. Tại thời điểm xây dựng Đề án, 2 huyện (Tân Phước và Cai Lậy) có tỷ lệ nợ quá hạn cao trên 2% và 3 huyện (Gò Công Tây, Châu Thành và Cái Bè) có tỷ lệ nợ quá hạn trên mức bình quân chung toàn tỉnh. Từ thực tế đó, Đề án đặt ra 5 mục tiêu để phấn đấu là: Giảm nợ quá hạn, giảm lãi tồn, nợ bị chiếm dụng, nợ không đủ điều kiện đổi sổ và củng cố Tổ TK&VV. Bước đầu thực hiện Đề án, Ngân hàng CSXH Tiền Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát từng đối tượng có nợ quá hạn, những hộ nghèo do làm ăn không hiệu quả nên không trả được nợ, phân tích nguyên nhân và tìm các giải pháp để đôn đốc thu hồi hoặc lập hồ sơ xử lý rủi ro. Công việc này cũng mất một khoảng thời gian khá lớn.
Để đạt được các chỉ tiêu của Đề án đã được phê duyệt, Ngân hàng CSXH Tiền Giang đã và đang tập trung lực lượng, nỗ lực phấn đấu, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, tiếp tục thực hiện việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ quá hạn, tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TK&VV. Cụ thể, Ngân hàng CSXH Tiền Giang tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp như: Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay; cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác và các Tổ TK&VV; tiếp tục củng cố mạng lưới, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV; tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức hội, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp khắc phục tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý vốn tín dụng chính sách (TDCS) và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của các đơn vị trực thuộc, kịp thời báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương các trường hợp chiếm dụng vốn, hộ vay có khả năng trả nợ nhưng chây ì, dây dưa không chịu trả nợ…
2. Từ những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, sau 5 năm thực hiện Đề án, chất lượng TDCS trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể là tình trạng nợ quá hạn dần được cải thiện, từ 1,67% xuống còn 0,41%; 2 huyện khi xây dựng Đề án có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2% đến nay đã xuống dưới 1% (huyện Tân Phước từ 2,72% xuống còn 0,43%; huyện Cai Lậy từ 2,1% nay còn 0,52%); chất lượng Tổ TK&VV khi xây dựng Đề án xếp loại tốt ở mức 42% đến nay tăng lên hơn 81%; lãi tồn ở mức 18,7 tỷ đồng.
Hiệu ứng tích cực từ Chỉ thị 40 Ngay sau khi triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội, Ngân hàng CSXH Tiền Giang đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp về nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH Tiền Giang với tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng đạt 17 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Sau gần 3 năm triển khai, Chỉ thị 40 đã phát huy hiệu lực, có tác động tích cực đối với hoạt động TDCS xã hội nói chung và hoạt động của Ngân hàng CSXH Tiền Giang. |
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng TDCS không chỉ thể hiện ở những con số trên mà còn mang ý nghĩa là tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về hoạt động TDCS. Đặc biệt là Đề án đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về quyền lợi và nghĩa vụ khi vay vốn TDCS, quản lý hiệu quả nguồn vốn vay. Nhìn chung, hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp, nguồn vốn phát huy hiệu quả rõ rệt, khẳng định được vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đang hứa hẹn những bứt phá mới trong giai đoạn 2016 - 2020.
Kết quả cụ thể cho thấy, tính đến ngày 31-12-2016, Ngân hàng CSXH Tiền Giang đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn có hiệu quả cho 618.542 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần giúp 101.249 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho 68.337 lao động, tạo điều kiện cho 73.183 lượt học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng cải tạo 146.640 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, Ngân hàng CSXH Tiền Giang còn hỗ trợ xây dựng 11.346 ngôi nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ-TTg, 212 ngôi nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 33/QĐ-TTg và 2.121 căn nhà vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long, 387 hộ nghèo và đối tượng chính sách vay đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Với dư nợ gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi do Ngân hàng CSXH Tiền Giang thực hiện đã góp phần tạo việc làm, thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Kết quả của Đề án sau 5 năm triển khai thực hiện được thể hiện cụ thể thông qua tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 9,63% vào thời điểm cuối năm 2011, đến cuối năm 2016 chỉ ở mức 5,02%, tỷ lệ hộ cận nghèo 3,77%.
P.A