Thứ Ba, 11/04/2017, 10:42 (GMT+7)
.

Người dân đang đốn bỏ vú sữa Lò Rèn

Vú sữa Lò Rèn là loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh Tiền Giang, được trồng nhiều ở các xã của huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy như: Vĩnh Kim, Bình Trưng, Kim Sơn, Bàn Long, Mỹ Long, Long Tiên…

Loại cây đặc sản này từ lâu đã hình thành vùng chuyên canh và thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nổi tiếng bậc nhất cả nước, được người dân ưa chuộng; đồng thời loại trái cây đặc sản này cũng đã từng đem đến cuộc sống thịnh vượng cho nhiều người dân ở các nơi này.

Nhiều vườn vú sữa Lò Rèn đang bị người dân ồ ạt đốn bỏ do cây bị bệnh, năng suất kém, không hiệu quả kinh tế.
Nhiều vườn vú sữa Lò Rèn đang bị người dân ồ ạt đốn bỏ do cây bị bệnh, năng suất kém, không hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân đã không còn mặn mà với loại cây ăn trái đặc sản vú sữa Lò Rèn. Bởi hiện tuổi thọ của cây vú sữa lò rèn đang có xu hướng giảm mạnh (bị già cỗi chỉ sau khi trồng từ 6 -10 năm); bệnh khô cành, thối rễ hoành hành nhưng chưa có giải pháp phòng, chống hữu hiệu; việc trồng lại cây vú sữa lò rèn trên vườn cũ không hiệu quả... Trong khi đó, chi phí đầu tư chăm sóc từ khi trồng đến khi cây cho trái không hề nhỏ mà năng suất thì lại giảm, khiến thu nhập của người dân trồng vú sữa Lò Rèn sụt giảm mạnh.

Bà Ngô Thị Xuân cũng như nhiều nhà vườn khác ở xã Hữu Đạo (huyện Châu Thành) xót xa khi phải thuê nhân công cưa cành, đốn bỏ nhiều cây vú sữa Lò Rèn bao năm gắn bó. Bà Xuân cho biết, vườn cây này, sau 5 năm tuổi, bị bệnh nặng, giảm năng suất, không còn cách chữa trị. “Cây vú sữa Lò Rèn khoảng 4 năm trở lại đây có con côn trùng gì làm thối rễ, cây không còn sung nữa, không có hiệu quả kinh tế. Nếu như năm rồi, với 7 công vú sữa Lò Rèn, tôi bán được cả 100 triệu đồng thì năm nay bán chưa đến 50 triệu đồng. Thế nên, tôi cắt cành đôn cây xuống xem coi có lại sức không,  nhưng cuối cùng cây vẫn không phục hồi được” - bà Xuân nói.

Bà Ngô Thị Xuân (xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành) nhặt từng khúc củi vú sữa Lò Rèn vừa mới cưa mà không khỏi tiếc nuối về một loại cây trồng từng đem đến cho cuộc sống gia đình bà sự khấm khá.
Bà Ngô Thị Xuân (xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành) nhặt từng khúc củi vú sữa Lò Rèn vừa mới cưa mà không khỏi tiếc nuối về một loại cây trồng từng đem đến cho cuộc sống gia đình bà sự khấm khá.

Anh Nguyễn Văn Mừng, nhân công đang cưa đốn vườn vú sữa Lò Rèn của bà Xuân cho biết, chưa năm nào anh thấy nhà vườn đốn vú sữa Lò Rèn nhiều như năm nay. Hơn hai tháng, ngày nào, anh Mừng cũng đi cưa đốn vú sữa Lò Rèn cho các nhà vườn. “Nhiều nhà vườn trồng vú sữa Lò Rèn kêu đốn vú sữa quá, làm không kịp phải kêu thêm thằng em đi cưa phụ. Vậy mà cưa đốn vú sữa không xuể, phải từ chối nhiều nhà vườn” - anh Mừng nói.

Còn đi dọc theo bờ sông (con sông chạy dài qua ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long), nơi có diện tích trồng vú sữa Lò Rèn lớn và vùng quy hoạch sẽ phát triển cây vú sữa Lò Rèn của huyện Cai Lậy, đâu đâu cũng thấy vú sữa Lò Rèn bị cưa đốn, chất đóng thành củi, chờ các thương lái đến mua, chở đi. Theo nhiều người dân nơi đây,vài năm trở lại đây, trồng vú sữa Lò Rèn không hiệu quả nên phải đốn bỏ, để trồng các cây trồng khác như: Sầu riêng, bười da xanh, dừa…

Do chưa có biện pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả nên nhiều nhà vườn đã ồ ạt đốn bỏ cây vú sữa Lò Rèn. Trong khi các ngành chức năng cũng như các nhà chuyên môn thì vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để khống chế bệnh trên cây vú sữa. Nếu tiếp tục xu hướng này, diện tích chuyên canh cây đặc sản vú sữa Lò Rèn  sẽ tiếp tục giảm dần. Nguy cơ “xóa sổ” thương hiệu một loại trái cây đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước này đang dần hiện hữu.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.