Chủ Nhật, 30/04/2017, 11:36 (GMT+7)
.

Sản xuất lúa gạo trong dòng chảy "hi-tech"

Nhiều công nghệ cao (CNC) đã được ứng dụng trong sản xuất lúa, gạo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 6-12-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

1. Ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, gạo nói riêng trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện ở nhiều khâu. Đối với lúa, gạo, ứng dụng CNC bắt đầu từ giống, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản hạt gạo. Khi đề cập đến việc ứng dụng CNC trong khâu chế biến lúa gạo, Giám đốc một doanh nghiệp (DN) trong ngành lương thực đã đánh giá, công nghệ sản xuất lúa, gạo của Việt Nam hiện nay tương đối khá so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực như: Malaysia, Myanmar, Campuchia.

Đặc biệt là trong những năm gần đây, nhất là từ giai đoạn Việt Nam xuất khẩu gạo đến nay, nhiều DN, kể cả DN Nhà nước và DN tư nhân đã đầu tư rất mạnh, thích đáng vào lĩnh vực chế biến lúa gạo. Hầu hết các DN chế biến xuất khẩu đều trang bị máy tách màu, hệ thống băng tải, silo, máy tách đá sạn... với công nghệ tương đối tiên tiến và mang tính đồng bộ.

Ứng dụng công nghệ trong chế biến và đóng gói gạo tại Tigifood.
Ứng dụng công nghệ trong chế biến và đóng gói gạo tại Tigifood.

Đối với DN chế biến gạo, việc ứng dụng CNC cũng tập trung vào các khâu chế biến, đóng gói, bảo quản. Đề cập đến việc ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến lúa, gạo hiện nay, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) cho rằng, để phù hợp với chiến lược kinh doanh là tập trung vào gạo chất lượng cao, an toàn buộc lòng công ty phải đi trước trong ứng dụng CNC trong khâu chế biến.

Thực tế cho thấy, Tigifood là đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ đánh bóng gạo vào năm 1993, tiếp đến là đầu tư máy tách tấm, gần đây là máy tách màu nhằm tăng giá trị gạo thương phẩm, bán được giá cao. Mới nhất là Tigifood đã đầu tư máy tách đá sạn và các công nghệ đóng gói gạo. Nói chung, việc ứng dụng công nghệ ở các khâu chế biến lúa, gạo của Tigifood hiện đang ở mức độ tương đối so với mặt bằng chung của các DN trong ngành kinh doanh lúa, gạo hiện nay. Đây cũng được xem là thế mạnh của Tigifood.

Vấn đề còn lo ngại là chất lượng nguyên liệu đầu vào có đảm bảo hay không. “Khâu yếu nhất của Tigifood cũng là khâu yếu nhất của các DN trong ngành là công nghệ bảo quản gạo thơm, gạo chất lượng cao; làm sao giữ được mùi thơm của gạo càng lâu càng tốt, tránh được sự xâm nhập của côn trùng, mối mọt, không sử dụng thuốc, theo hướng an toàn. Điều này công ty đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng một mặt đảm bảo giá thành phù hợp và với chi phí đầu tư hợp lý” - ông Lê Thanh Khiêm cho biết.

2. Theo đánh giá của các chuyên gia, ứng dụng CNC để bảo quản, kể cả lúa và gạo, hiện là điểm yếu nhất của chế biến lúa, gạo hiện nay. Chính điều này đã góp phần vào tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lúa gạo hiện tại đang ở mức cao. Tất nhiên, thất thoát sau thu hoạch liên quan đến nhiều khâu nhưng khâu bảo quản chiếm tỷ trọng đáng kể.

Đề cập đến vấn đề này, Giám đốc một DN trong ngành kinh doanh lương thực phân tích, thực tế hiện nay cho thấy, sấy lúa là một công đoạn để bảo quản lúa, muốn bảo quản phải sấy, nhưng trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu hết vẫn tồn tại hình thức sấy tĩnh hay còn gọi là sấy “chuồng heo”. Đây là công nghệ hết sức lạc hậu, bởi khi ứng dụng công nghệ sấy này đối với lúa thơm càng ảnh hưởng đến chất lượng.

Chẳng hạn, đối với lúa thơm (Jasmine, VD 20) nếu áp dụng hình thức sấy “chuồng heo” sẽ không đảm bảo đồng đều về chất lượng, tỷ lệ thu hồi thấp, làm tăng chi phí sản xuất. Dẫn chứng thực tế cho thấy, nếu sấy theo dạng “chuồng heo”, khi đo độ ẩm lúa ở mức 14 - 15% cứ tưởng đúng nhiệt độ nhưng khi để vào kho khoảng 6 tháng sau lúa bị ẩm vàng, tỷ lệ có khi lên đến 50%. Lý do là trong cùng mẻ sấy nhiệt độ không đồng đều giữa hạt lúa này với hạt lúa khác và không đồng đều trong bản thân từng hạt lúa, có khi nhiệt độ ngoài vỏ khác bên trong.

Ứng dụng công nghệ trong chế biến và đóng gói sản phẩm gạo an toàn của Tigifood. Ảnh: Ngọc Lan
Ứng dụng công nghệ trong chế biến và đóng gói sản phẩm gạo an toàn của Tigifood. Ảnh: Ngọc Lan

Ngay cả bảo quản gạo hiện nay cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Đối với gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo an toàn nếu dùng phương pháp thông thường sẽ không đảm bảo chất lượng gạo; gạo thơm sẽ bị mất mùi, chất lượng hạt gạo sẽ khác đi chỉ sau 6 tháng bảo quản.

Chính vì điều này, cần có công nghệ bảo quản hạt gạo để giữ được mùi hương, tránh được côn trùng xâm nhập, không độc hại. Đây là bài toán cần được nghiên cứu nhưng không dễ thực hiện. Thật ra, công nghệ bảo quản lúa, gạo đã được ứng dụng ở nhiều nước, chẳng hạn: Hệ thống sấy công nghiệp có thể điều chỉnh nhiệt độ đến từng hạt lúa gạo, bảo quản lúa trong kho lạnh, bảo quản xông côn trùng bằng Nitơ, khí trơ.

Tuy nhiên, khi ứng dụng CNC bảo quản lúa, gạo còn rào cản là chi phí đầu tư quá cao, nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho các DN trong ngành chế biến xuất khẩu gạo. Ngoài ra, cũng còn yếu tố là do chất lượng đầu vào của hạt gạo không ổn định. Bởi chế biến gạo là nghề gia công, 80% phụ thuộc vào chất lượng lúa nguyên liệu ban đầu nên chất lượng hạt gạo rất khó thay đổi khác được. Điều này đặt ra vấn đề là sản xuất ra hạt lúa phải theo chuỗi và kiểm soát từng khâu trong chuỗi một cách đồng bộ, đồng thời phát huy được thế mạnh của từng người tham gia trong chuỗi sản xuất.

Từ thực tế ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến lúa gạo đã dẫn đến hệ lụy là rất khó xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gạo của Việt Nam. Bởi nền tảng chung là không chỉ đảm bảo chất lượng mà phải bảo quản được từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu không có công nghệ phù hợp, một mặt hạt gạo giảm về chất lượng, còn nếu can thiệp thông qua những yếu tố khác sẽ đẩy giá thành tăng cao, không mang lại hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, trong định hướng sắp tới, những hạn chế trong việc ứng dụng CNC dần dần cần được bổ khuyết, nhất là đối với lúa thơm, lúa chất lượng cao...

PHƯƠNG ANH

.
.
.