Tìm giải pháp "cứu" cây vú sữa Lò Rèn
Hiện tượng suy kiệt cây vú sữa Lò Rèn ngày càng tăng nhanh, gây chết cây hàng loạt. Người dân thì mạnh tay đốn bỏ vú sữa Lò Rèn, càng làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ “xóa sổ” loại cây trồng này trên địa bàn Tiền Giang. Do đó, Hội thảo Giải pháp khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim do Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Châu Thành (Tiền Giang) tổ chức tại UBND xã Vĩnh Kim vào sáng 13-4 cho thấy, những giải pháp căn cơ để “vực dậy” cây vú sữa Lò Rèn đang là vấn đề cấp thiết.
Quang cảnh Hội thảo Giải pháp khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. |
* Diện tích trồng vú sữa Lò Rèn giảm mạnh
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Tiền Giang có 3.114 ha trồng cây vú sữa. Trong khi diện tích trồng vú sữa của tỉnh đã giảm 800 ha so với năm 2011 (3.904 ha) thì diện tích trồng mới vú sữa chỉ có 8 ha. Vú sữa được trồng tập trung ở các huyện như: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, TX. Cai Lậy, TP. Mỹ Tho… với năng suất là 24,4ha, sản lượng 65.815 tấn. Hiện có 2 giống vú sữa được trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh là vú sữa Lò Rèn (chiếm 84,9% diện tích) và vú sữa vỏ màu nâu (khoảng 15% diện tích). Mặc dù, huyện Châu Thành hiện là địa phương có diện tích trồng vú sữa (2.589 ha) lớn nhất của tỉnh nhưng diện tích này cũng đã giảm đến 840 ha so với năm 2013.
Các nhà vườn trồng vú sữa Lò Rèn của huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy dự hội thảo. |
Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, nguyên nhân làm cho diện tích cây vú sữa trên bàn tỉnh giảm mạnh là do những năm qua, hiện tượng suy kiệt cây vú sữa ngày càng tăng mạnh. Trong đó, bệnh thối rễ, khô cành trên cây vú sữa diễn ra phổ biến. Đây là đối tượng dịch hại nguy hiểm và gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho vùng trồng vú sữa tập trung. Mặc dù nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên môn được công bố, với các giải pháp khắc phục tình trạng suy kiệt cây vú sữa nhưng chưa mang lại hiệu quả.
Bên cạnh đó, ông Hóa cũng thông tin thêm, trong 3 năm gần đây, giá trái vú sữa sụt giảm đáng kể (giảm đến 50% so với trước đó. Do đó, lợi nhuận trồng vú sữa không cao nên phần lớn nhà vườn không còn quan tâm đến cây trồng này. Họ mạnh tay đốn bỏ vú sữa để trồng các loại cây trồng khác như: Sầu riêng, bười da xanh, sa pô, dừa…
* Cần có giải pháp căn cơ để giữ lấy vú sữa Lò Rèn
Tại Hội thảo Giải pháp khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng, các nhà khoa đã cùng nhau đánh giá, phân tích những nguyên nhân gây nên những thiệt hại cho cây vú sữa Lò Rèn; đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp “vực dậy” cây trồng này.
Trong đó, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT lưu ý, đối với các vườn vú sữa Lò Rèn đã xảy ra tình trạng suy kiệt thì cần phải bón phân cân đối hợp lý, tăng cường phân bón hữu cơ, bón vôi; sử dụng các chế phẩm sinh học để cải tạo đất, liếp trồng; áp dụng triệt để quy trình quản lý bệnh thối rễ, chết cành; thường xuyên vệ sinh vườn trồng và nguồn nước tưới…
Về giải pháp thủy lợi, ông Huỳnh Phước Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang cho rằng, mục tiêu của giải pháp thủy lợi là nhằm kiểm soát được mực nước trong các mương vườn. Từ đó khống chế được mực thủy cấp đáp ứng yêu cầu sinh trưởng của cây và quy trình quản lý bệnh thối rễ trên cây vú sữa. Tuy nhiên theo ông Hải, thủy lợi chỉ là giải pháp ban đầu. Đối với vùng trồng vú sữa tại Châu Thành hiện nay, giải pháp về nông học (vệ sinh vườn, trừ nấm gây bệnh, tỉa cành, trẻ hóa vườn vứ sữa…) là quan trọng.
Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT trình bày thực trạng và giải pháp khôi phục, phát triển cây vú sữa Lò Rèn tại hội thảo. |
Ở góc độ là một nhà khoa học rất tâm huyết trong việc nghiên cứu, khôi phục và phát triển bền vững cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và qua các chuyến đi khảo sát thực tế các vườn vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, sinh học và ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, muốn khôi phục vườn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim trước tiên phải khôi phục và ngăn chặn sự suy thoái đất liếp (ngay cả mầm bệnh trong đất phát triển mạnh cũng là hậu quả của sự suy thoái đất liếp). “Cần nghiên cứu tìm ra những tác động (cả yếu tố tự nhiên và con người) dẫn đến sự suy thoái đất liếp, để giúp người trồng vú sữa tùy thuộc vào đặc điểm tự nhiên của vườn mình mà áp dụng biện pháp khôi phục cho phù hợp” - ông Vệ nói.
Còn Thạc sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, cây vú sữa Lò Rèn là một trong những chủng loại trái cây đặc sản của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao. Do đó tùy vào điều kiện thực tế của từng địa phương nên có những giải pháp căn cơ (ngắn hạn và dài hạn), cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương để phát triển bền vững cây vú sữa Lò Rèn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nhằm hỗ trợ nhà vườn trồng vú sữa Lò Rèn quản lý dịch bệnh hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm , tạo đầu ra ổn định.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến với những giải pháp, kiến nghị đã được đưa ra bàn luận. Qua đó cho thấy, việc khôi phục và phát triển bền vững cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang là vấn đề cấp thiết cần phải triển khai thực hiện với những giải pháp căn cơ, hiệu quả, nhằm giảm những thiệt hại kinh tế cho người dân và không làm mất đi một loại đặc sản cây ăn trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nổi tiếng của Tiền Giang. Cũng như lời phát biểu tại hội thảo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, nếu không có giải pháp căn cơ sẽ mất đi cái gốc của vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.
HỮU NGHỊ