Chủ Nhật, 09/04/2017, 12:58 (GMT+7)
.

TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang: Hợp tác hai bên cùng có lợi

TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang đã ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội từ nhiều năm qua. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác này đang tạo nên những lực đẩy lớn cho 2 địa phương cùng phát triển.

Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2009 - 2016 và phương hướng hợp tác giai đoạn 2017 - 2020 giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang. Hai địa phương thống nhất hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực trên tinh thần 2 bên cùng có lợi.

Chủ tịch UBND hai địa phương TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang ký kết thỏa thuận Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2020.
Chủ tịch UBND hai địa phương TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang ký kết thỏa thuận Chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2017 - 2020.

Những kết quả đạt được

Trong 8 năm (2009 - 2016), TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang tiến hành thực hiện chương trình ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực như: Thu hút đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, kết nối giao lưu thương mại, du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ…

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh đã tạo cho Tiền Giang có thêm kênh huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp của thành phố phát triển trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2009 - 2016, đã có 47 dự án đầu tư của các doanh nghiệp của thành phố đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại tỉnh Tiền Giang, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 13.379 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã xây dựng được 6 chuỗi cung ứng sản phẩm nông thủy sản an toàn. Hiện có khoảng 20 ha sản phẩm rau VietGAP ở tỉnh Tiền Giang cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh. Về giao thông, thành phố đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng gồm dự án liên doanh khai thác cảng Mỹ Tho; đầu tư xây dựng bến phà Ngũ Hiệp, cầu Kênh Năng, cầu Kênh Lộ Mới...

Ngoài ra, còn có các dự án hợp tác khác trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thông tin truyền thông, giao thông, bến bãi, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ… đều phát huy hiệu quả, góp phần vào sự tăng trưởng về kinh tế, thay đổi diện mạo của Tiền Giang trong thời gian qua.

Siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho cũng dự án nằm trong chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang và hiện hoạt động kinh doanh rất hiệu quả.
Siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho là dự án nằm trong chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang và hiện hoạt động kinh doanh rất hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, việc ký kết hợp tác giữa 2 địa phương đã góp phần tạo động lực, nền tảng vững chắc mối liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang. Hai địa phương hợp tác đi vào chiều sâu, khuyến khích các doanh nghiệp thành phố tìm kiếm đầu tư tại tỉnh Tiền Giang; phát huy các thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch… “Thành phố sẽ làm hết sức mình để hợp tác hiệu quả, tập trung triển khai thông qua các hội nghị, hội thảo, kế hoạch cụ thể, qua đó nâng cao mức sống người dân 2 địa phương” - ông Phong nhấn mạnh.

Tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang  đã trân trọng bày tỏ sự cảm ơn đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã dành tình cảm, sự giúp đỡ, quan tâm quý báo đối với tỉnh Tiền Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cam kết, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của Tiền Giang sẽ giải quyết kịp thời các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình hợp tác, dự án đầu tư.

Hợp tác hai bên cùng có lợi

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2009 - 2016; trong giai đoạn 2017 -  2020, UBND 2 địa phương thống nhất ký kết thỏa thuận đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên tinh thần 2 bên cùng có lợi ở các lĩnh vực như: Thu hút đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp, thương mại, du lịch, thông tin truyền thông, giao thông, xây dựng, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, lao động việc làm và dạy nghề, tài nguyên và môi trường, đối ngoại.

Theo bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, 2 địa phương tiếp tục hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở tiềm năng và nguồn lực của 2 bên; tạo cơ chế chính sách để huy động các thành phần kinh tế trong xã hội tích cực tham gia hợp tác ở nhiều lĩnh vực; tạo tiền đề để cho các ngành và các doanh nghiệp của 2 địa phương chủ động hợp tác theo ngành, lĩnh vực.

Góp ý về sự hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ở các lĩnh vực hợp tác, 2 địa phương cần chỉ rõ nguyên nhân của từng việc đã làm được và chưa làm được. Điều này là kinh nghiệm quý báu cho sự hợp tác trong giai đoạn mới. Ông Lê Thanh Hải nhận xét, sự hợp tác chuyên sâu trong lĩnh vực y tế vừa giúp người dân Tiền Giang được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chu đáo, mà cũng góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Điểm chung của việc hợp tác là cùng chăm lo cho cuộc sống người dân.

Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cũng nằm trong chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang, hiện đã lấp đầy.
Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) nằm trong chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang, hiện đã lấp đầy.

Để sự hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới đi vào thực chất, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh yêu cầu, các đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh cần xác định việc hợp tác với các địa phương trong cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng không chỉ là giúp tỉnh bạn phát triển mà còn là chính TP. Hồ Chí Minh giúp TP. Hồ Chí Minh phát triển. Từ đó, nghiên cứu sâu hơn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng, sắm sáp máy móc công nghệ cao. Trong nông nghiệp, 2 tỉnh, thành cần tiếp tục xâu chuỗi, tạo thế mạnh tiêu thụ nông sản, rau củ quả, trứng gia cầm ở Tiền Giang vào TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, tăng cường chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật để gia tăng giá trị cho nông sản Tiền Giang.

Riêng ở lĩnh vực du lịch, ông Tất Thành Cang cũng yêu cầu Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cần khảo sát ngay các tuyến, tour du lịch đường bộ, đường sông để tổ chức tour đón khách trong và ngoài nước nhằm phát huy lợi thế sông nước, vùng sinh thái đa dạng ở Tiền Giang.

HỮU NGHỊ

.
.
.