Bài 3: "Giải cứu" bằng cách nào?
Bài 1: Nợ chồng nợ
Bài 2: Khâu trung gian "đục nước béo cò"
Bài 3: "Giải cứu" bằng cách nào?
Bài cuối: Bàn giải pháp hỗ trợ người nuôi heo
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?” Câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ đã nói lên hết thực trạng của ngành Nông nghiệp nói chung và chăn nuôi heo nói riêng. Vậy chúng ta phải làm gì để thoát khỏi tình trạng phải “giải cứu” cho ngành Nông nghiệp?
CẤP BÁCH “GIẢI CỨU”
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng heo rớt giá kéo dài, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình trạng giá heo giảm mạnh trong nhiều tháng qua và chưa có dấu hiệu phục hồi là do cung vượt quá cầu. Mặt khác, việc tổ chức ngành hàng cũng chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất hiện nay, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45% tổng đàn nuôi, 55% vẫn ở quy mô hộ nhỏ, lẻ. Hiện có khoảng 3 triệu hộ tham gia chăn nuôi heo nhỏ, lẻ. Nguyên nhân dẫn đến giá thành cao và rất khó kiểm soát theo chuỗi là do các khâu đều tách rời dẫn đến khi thị trường có sự cố rủi ro như hiện tại thì người sản xuất nhỏ, lẻ gặp rất nhiều thiệt thòi.
Một trang trại chăn nuôi được đầu tư khá hiện đại và có gắn kết với doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra. |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, khâu chế biến hiện là khâu yếu nhất trong ngành Chăn nuôi. Hầu hết sản phẩm chăn nuôi vẫn tiêu thụ theo kiểu truyền thống, tiêu thụ thịt tươi. Khâu tổ chức thị trường kể cả nội địa và xuất khẩu kém, chưa phát triển. Các lò giết mổ tập trung ít nên mạng lưới phân phối theo hướng hiện đại chưa làm được, thịt vẫn ít vào siêu thị, trung tâm thương mại mà chủ yếu bán ở các chợ truyền thống.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, năng lực sản xuất trong nước hiện đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Đặc biệt là mặt hàng thịt heo đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá heo hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100 - 110 kg/con) đã xuống dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. “Nếu tình trạng này kéo dài, hầu hết các hộ chăn nuôi và ngay cả những trang trại lớn cũng khó trụ được, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành Chăn nuôi, nhất là đối với các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi”- ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, các doanh nghiệp thực hiện giảm giá đầu vào để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi cũng chính là giúp đỡ doanh nghiệp phát triển bền vững. Nông dân phát triển ổn định sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phát triển tốt.
Hiến kế cho nghề nuôi heo ổn định, nhiều chuyên gia trong ngành Chăn nuôi cho rằng, giá heo hơi sẽ khó phục hồi trong thời gian tới. Người chăn nuôi phải mạnh tay giảm đàn, đầu tư chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Những người đầu tư nuôi heo chạy theo phong trào hoặc chăn nuôi nhỏ, lẻ không đủ sức chuyển đổi thì nên tính đến việc ngưng chăn nuôi để giảm lỗ. Trước mắt, để “giải cứu” người chăn nuôi heo, chính quyền, ngành Công thương cần tác động đến các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ, đề nghị doanh nghiệp cung cấp thức ăn, thuốc thú y tham gia giảm giá, chia sẻ lợi ích, khó khăn với người chăn nuôi; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, đưa thịt heo vào các khu, cụm công nghiệp, phiên chợ công nhân, bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp. Với những doanh nghiệp có điều kiện đông lạnh cần tăng cường thu mua trữ hàng góp phần ổn định thị trường; tăng cường tìm biện pháp khuyến khích doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu... Người tiêu dùng cần ủng hộ người chăn nuôi, ưu tiên dùng thịt heo, sản phẩm thịt heo có nguồn gốc nội địa.
TIỀN GIANG VÀO CUỘC
Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội thảo về “giải cứu” người nuôi heo. Trong cuộc hội thảo này, các sở, ngành có liên quan, các chuyên gia; huyện, thị, thành; ngân hàng, công ty thức ăn và người chăn nuôi cũng được mời tới để hiến kế. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trước mắt, chúng ta cố gắng tìm nhiều cách để “giải cứu” người nuôi heo, giúp họ vượt qua khó khăn ở thời điểm này. Nhưng về lâu dài, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng liên kết chuỗi theo hướng dọc và hướng ngang. Trong đó, chúng tôi chú trọng liên kết giữa người chăn nuôi với người chăn nuôi, giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp. Có như vậy, người nuôi sẽ tránh được các khâu trung gian, giảm giá thành, hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, việc tổ chức lại chăn nuôi không phải một sớm, một chiều, bởi thói quen đã ăn sâu vào họ. Vì vậy, khi tổ chức sản xuất phải làm sao cho họ thấy có hiệu quả, từ đó họ sẽ làm theo.
Hiện tại, Tiền Giang đã hình thành được mối liên doanh, liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp. Theo đó, đã có 14 mô hình chăn nuôi liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam có quy mô chăn nuôi từ 500 - 2.200 con heo thịt tập trung tại huyện Chợ Gạo và Tân Phước; hình thành tiêu thụ sản phẩm thịt heo thông qua các tư thương nhằm đáp ứng thị trường nội tỉnh khoảng 62%, thị trường ngoại tỉnh 38% tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT, việc thực hiện liên kết theo chuỗi giúp chăn nuôi phát triển ổn định và bảo đảm cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hộ chăn nuôi được ứng trước thức ăn chăn nuôi, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, được cung cấp vật tư có chất lượng, giảm rủi ro và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục định hướng và tạo mối gắn kết giữa người chăn nuôi cùng doanh nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Đó là xu thế phát triển tất yếu trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
SĨ NGUYÊN
(Còn tiếp)