Thứ Ba, 16/05/2017, 07:53 (GMT+7)
.
"Giải cứu" người nuôi heo

Bàn giải pháp hỗ trợ người nuôi heo

Bài 1: Nợ chồng nợ
Bài 2: Khâu trung gian "đục nước béo cò"
Bài 3: "Giải cứu" bằng cách nào?
Bài cuối: Bàn giải pháp hỗ trợ người nuôi heo

Tiền Giang là một trong những tỉnh trọng điểm chăn nuôi heo ở khu vực phía Nam với 715.000 con. Thời gian qua, nuôi heo đã trở thành sinh kế của rất nhiều hộ dân và đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân. Giờ đây, giá heo hơi xuống thấp, người nuôi gặp cảnh nợ nần, “treo” chuồng… Hội nghị triển khai giải pháp cấp bách tiêu thụ thịt heo vừa được tỉnh tổ chức nhằm tìm giải pháp để “giải cứu” người nuôi heo.

Nhiều trang trại cho heo ăn cầm chừng vì không còn vốn để đầu tư.
Nhiều trang trại cho heo ăn cầm chừng vì không còn vốn để đầu tư.

“BỨC TRANH” ẢM ĐẠM

Là người gắn bó với con heo nhiều năm, ông Nguyễn Trần Hoàng Bá (huyện Chợ Gạo) mang đến hội nghị “giải cứu” thịt heo rất nhiều câu hỏi: Làm thế nào để giải quyết được lượng heo tồn trong dân? Làm thế nào để vực dậy ngành nuôi heo?... Ông cho biết, trang trại 1.800 con heo của ông hiện còn tồn khoảng 200 con, các giấy tờ liên quan đến tài sản đều đã nằm trong ngân hàng. Nếu thực trạng này kéo dài thêm nữa, trang trại chăn nuôi của ông không biết sẽ về đâu? Còn ông Nguyễn Văn Hùng, chủ trang trại nuôi heo ở TX. Cai Lậy cho biết, người nuôi heo trụ được tới ngày hôm nay là mừng lắm rồi. Đầu ra khó khăn, thương lái mua nhỏ giọt, người nuôi phải cho heo ăn cầm chừng… Giá heo và đầu ra tiếp tục ảm đạm như thế này thì rất nhiều hộ chăn nuôi sẽ phá sản, nợ nần chồng chất.

Kết quả đăng ký chăn nuôi đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 42.688 cơ sở chăn nuôi heo, trong đó, chăn nuôi hộ gia đình chiếm trên 94% với số lượng heo chiếm 58%; cơ sở chăn nuôi từ quy mô nhỏ trở lên (từ 50 con trở lên) chiếm 5,68% với số lượng heo chiếm 42%. Nếu so với năm 2015, cơ sở chăn nuôi heo từ quy mô nhỏ trở lên tăng 1%, số lượng heo tăng 7%. Khảo sát của ngành Nông nghiệp mới đây cho thấy, chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh rất nhỏ, lẻ nên khó cạnh tranh và dễ gặp rủi ro trong cơ chế thị trường.

Theo ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong nhiều tháng qua, ngành nuôi heo ở địa phương gặp hết sức khó khăn do giá heo hơi xuống thấp, đầu ra không ổn định dẫn đến người nuôi liên tiếp thua lỗ. Qua khảo sát, giá heo hơi trên thị trường dao động 22.000 - 27.000 đồng/kg, trong khi giá thành lên đến 25.800 - 33.700 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 6.000 - 12.000 đồng/kg. Hiện tại, các hộ chăn nuôi buộc phải cố gắng duy trì đàn do chuồng trại và con giống có sẵn; một số khác sẵn sàng “treo” chuồng vì không còn vốn để cầm cự.

“Qua khảo sát giá bán thịt heo tại các chợ trên địa bàn huyện, thị, thành, sau khi trừ chi phí đầu vào,lợi nhuận tư thương khoảng 1,2 triệu đồng/con heo 100 kg (trong đó tư thương kinh doanh heo hơi lãi 350.000 đồng, tư thương kinh doanh thịt tại chợ lãi 850.000 đồng). Đây cũng là nguyên nhân làm cho người tiêu dùng không mặn mà với thịt heo, từ đó gây rất nhiều khó khăn cho đầu ra của sản phẩm chăn nuôi heo”- ông Khánh nói.

“GIẢI CỨU” CHỈ LÀ GIẢI PHÁP TẠM THỜI

Ông Hồ Văn Đức, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Chăn nuôi C.P Tiền Giang cho biết, là doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi đồng thời vừa nuôi heo thịt quy mô lớn, đơn vị chủ trương tham gia bình ổn thị trường. Cách làm này góp phần giảm thiệt hại cho người nuôi thông qua việc giảm giá thức ăn chăn nuôi bình quân 200 đồng/kg. Tới đây, công ty sẽ tổ chức quầy kinh doanh thịt “sạch” bán lẻ cho người tiêu dùng với giá phải chăng.

Ông Lê Huỳnh Minh Triết, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thức ăn gia súc Bình Minh đề nghị các ngành chức năng xem xét việc kết nối giữa người chăn nuôi, thương lái và hộ kinh doanh thịt heo; mở mạng lưới quầy kinh doanh thịt heo bán lẻ với giá phù hợp để vừa kích cầu lại vừa giúp giải quyết đầu ra cho nghề chăn nuôi heo. Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Chăn nuôi heo an toàn xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo) cho rằng, bên cạnh triển khai các điểm kinh doanh thịt heo an toàn tại các chợ trong tỉnh, ngành chức năng cũng cần triển khai các giải pháp khác như: Giảm giá thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tài chính - tín dụng giúp duy trì và phát triển nghề chăn nuôi heo trong tương lai.

Ủng hộ phương án tổ chức mạng lưới điểm kinh doanh thịt heo bán lẻ cho người tiêu dùng với giá cả phù hợp, ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch cho rằng, cách làm này kích cầu tiêu dùng giải quyết đầu ra cho con heo. Ngoài ra, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người chăn nuôi - thương lái - cơ sở giết mổ - hệ thống phân phối lẻ để phân chia lại lợi nhuận trong các khâu một cách hợp lý nhằm tránh tình trạng thương lái ép giá, người nuôi chịu thiệt, trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua thịt với giá cao.

Theo thống kê, tổng đàn heo toàn tỉnh hiện còn trên 501.000 con, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ. Theo báo cáo mới đây, toàn tỉnh hiện còn tồn 52.232 con heo có trọng lượng trên 120 kg/con, số lượng heo dự kiến xuất bán trong tháng 5 là 71.552 con và 79.124 con dự kiến xuất bán trong tháng 6 tới.   

Ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian tới, nếu người chăn nuôi không trình bày được đầu ra, phương án sản xuất có lãi thì cho dù người chăn nuôi có đủ tài sản thế chấp các ngân hàng cũng không cho vay.

Về giải pháp tài chính - tín dụng, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tiền Giang thông tin: Tổng dư nợ về cho vay nuôi heo toàn quốc là 30.000 tỷ đồng (hộ và cá nhân chiếm 90%; doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm 10%). Thời gian qua, ngân hàng đã giãn nợ 364 tỷ đồng; nợ xấu của ngân hàng về cho vay nuôi heo 352 tỷ đồng. Về phía Tiền Giang, tổng dư nợ về cho vay nuôi heo là 1.162 tỷ đồng (tính đến ngày 20-4-2017), trong đó cho vay ngắn hạn 397 tỷ đồng, trung và dài hạn 765 tỷ đồng với 21.608 người mắc nợ ngân hàng do nuôi heo. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp người nuôi heo vượt qua khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay chăn nuôi heo, đơn vị sản xuất thức ăn gia súc và sản xuất thuốc thú y; cơ cấu lại thời gian trả nợ và xem xét miễn, giảm tiền vay. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng có động thái thăm hỏi, xem xét và có phương án hỗ trợ những người vay chăn nuôi heo quy mô lớn. Còn đối với những người nuôi heo nhỏ, lẻ, ngân hàng thương mại gửi thư thông báo về chủ trương hỗ trợ để người chăn nuôi biết và đăng ký nhận hỗ trợ.

Trao đổi về giải pháp trước mắt và lâu dài cho chăn nuôi heo, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Biện pháp trước mắt là giảm đàn, khôi phục giá và giải quyết đầu ra cho chăn nuôi heo. Về lâu dài, Tiền Giang cần có giải pháp cụ thể với người chăn nuôi, cơ quan quản lý và chuyên môn trong việc góp phần duy trì, khôi phục nghề chăn nuôi heo tại địa phương. Quan trọng là vấn đề tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, có giải pháp hợp lý giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh trên thị trường…”.

SĨ NGUYÊN

.
.
.