Thứ Sáu, 26/05/2017, 20:14 (GMT+7)
.

Giải pháp để bảo tồn vú sữa Lò Rèn

Trước tình hình cây vú sữa Lò Rèn bị suy kiệt nặng, từ năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh phải tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp khôi phục loại cây trồng đặc sản này.

Tích cực triển khai chỉ đạo trên, tháng 2-2017, tại “cái nôi vú sữa” xã Vĩnh Kim, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị “Trưng cầu ý kiến nông dân đã và đang trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” để nghe ý kiến các lão nông địa phương. Tiếp đó, ngành Nông nghiệp phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam tiến hành điều tra, đánh giá cơ bản về vùng trồng, diện tích, hệ thống thủy lợi…, mở 23 cuộc tập huấn cho 735 nhà vườn về các giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý tình trạng suy kiệt trên cây vú sữa. Kế đó, tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” để nghe các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, phân tích những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “lâm nguy” của vú sữa Lò Rèn, qua đó tìm giải pháp giải cứu loại cây đặc sản này. Cũng cần nói lại, tại hội thảo này, nguyên nhân chính khiến cây vú sữa bị suy kiệt được các chuyên gia nhận định: Nhiều thập kỷ trước, nhà vườn ít bón phân vô cơ, không xử lý nhiều nên cây vú sữa sống lâu, năng suất cao. Những năm gần đây, người dân khai thác quá mức khả năng cho trái, thậm chí xử lý mùa nghịch nên có thể làm cho đất mất cân đối dinh dưỡng khiến cây suy kiệt, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Và cũng từ đây phát sinh ra một số hệ lụy khác cộng thêm tác động từ hệ thống đê bao sau này…

Tiền Giang đang nỗ lực “cứu” cây ăn trái đặc sản vú sữa Lò Rèn. Ảnh: Ngô Tông
Tiền Giang đang nỗ lực “cứu” cây ăn trái đặc sản vú sữa Lò Rèn. Ảnh: Ngô Tông

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm này, nhiều giải pháp cả về trước mắt cũng như lâu dài cho loại cây đặc sản này đã được định hình khá rõ như: Về giải pháp nông học, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo về bón phân cân đối, tăng bón phân hữu cơ, bón vôi để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất, phục hồi lại bộ rễ cây và “trẻ hóa” trên chính những gốc cây cũ; sử dụng các chế phẩm sinh học cải tạo đất, liếp trồng; áp dụng triệt để quy trình quản lý bệnh thối rễ, chết cành; thường xuyên vệ sinh vườn trồng và kiểm tra nguồn nước tưới (kể cả kiểm soát mực nước trong các mương vườn đáp ứng yêu cầu sinh trưởng của cây); vệ sinh vườn để phòng trừ nấm gây bệnh; chú ý tỉa cành, trẻ hóa vườn vú sữa, có giải pháp kỹ thuật khôi phục và ngăn chặn sự suy thoái đất liếp để người trồng vú sữa căn cứ vào đặc điểm tự nhiên của vườn mình mà áp dụng biện pháp khôi phục phù hợp. Riêng đối với vườn trồng mới phải bảo đảm các khâu thiết kế vườn, quy trình kỹ thuật lên liếp, chọn giống tốt, đảm bảo mật độ trồng, tỉa cành tạo tán và tỉa thưa trái trong suốt thời gian từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch... Cộng với các giải pháp trên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cũng đề xuất tỉnh nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững loại cây đặc sản này, nhất là chuyển giao kỹ thuật quản lý dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định.

Cùng với đó, trong tiêu thụ cũng cần tính toán khâu bảo quản trong vận chuyển loại trái cây khó tính này… Một điểm nữa cũng cần lưu ý, quá trình khôi phục cây trồng này cần giám sát, quản lý chặt các cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tránh cho nhà vườn sử dụng nhầm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả hoặc sử dụng phân bón thật nhưng chưa thật sự phù hợp điều kiện thổ nhưỡng từng vùng đất nên có khi dẫn đến năng suất, chất lượng trái chưa đạt như mong muốn.

Tại buổi họp Tổ báo chí UBND tỉnh mới đây, lãnh đạo Sở NN&PTNT thông tin: Sắp tới, ngành sẽ trình UBND tỉnh “Quy trình tạm thời quản lý tình trạng suy kiệt trên cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”. Song song đó là chuẩn bị thực hiện 4 mô hình điểm quản lý theo quy trình nêu trên, đồng thời UBND tỉnh cũng đã giao UBND huyện Châu Thành lập Dự án Đầu tư khôi phục cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Đặc biệt, lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu việc hình thành mô hình hợp tác xã vú sữa có những điểm mới: Ngoài làm đầu mối tiêu thụ vú sữa Vĩnh Kim gắn với tổ chức sản xuất theo mô hình GAP, còn có chức năng dịch vụ nông nghiệp; mời từ 1 - 2 doanh nghiệp có tiềm lực mạnh cùng tham gia làm thành viên hợp tác xã. Theo đó, mô hình sẽ vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa đảm bảo hoạt động kinh tế phù hợp tình hình mới. Trên cơ sở này mới có thể gắn kết chặt chẽ giữa nhà vườn với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, bảo đảm các bên cùng có lợi.

Còn nhớ cách nay 11 năm, tại Hội thảo khoa học “Tiền Giang trong tiến trình hội nhập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do UBND tỉnh tổ chức, GS.TS Võ Tòng Xuân đã nhận định: Ngoài tập quán trồng lúa cao sản thâm canh nhất nước, Tiền Giang còn là nơi sản xuất vú sữa Lò Rèn độc đáo nhất Đông Nam Á. Từ đó, ông lạc quan cho rằng, trong 20 năm tới, vú sữa Lò Rèn của tỉnh sẽ trở thành thức ăn ưa chuộng của mọi người và lưu ý tỉnh cần xây dựng thương hiệu các sản phẩm đến năm 2020 như đăng ký bản quyền các giống cây, con của tỉnh, nhất là giống vú sữa Lò Rèn… Về khâu tổ chức sản xuất, GS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất tập hợp nông dân cá thể hoặc trong các hợp tác xã nông nghiệp để xây dựng cụm liên kết sản xuất kỹ thuật cao (GAP) những sản phẩm của năm 2020 như Cụm liên kết kỹ thuật cao sản xuất vú sữa Lò Rèn, trong đó chú ý các công tác cải tiến (bồi dục) giống vú sữa Lò Rèn.

Triển khai phát triển vú sữa Lò Rèn theo hướng này, năm 2013, Sở NN&PTNT đã tiến hành bình tuyển và công nhận 3 nguồn giống vú sữa Lò Rèn đầu dòng để bảo tồn ở xã Vĩnh Kim và Kim Sơn; huấn luyện nông dân trong cụm liên kết; hỗ trợ tín dụng ngân hàng cho nông dân đầu tư xây dựng vườn cây... Thiết nghĩ, những ý tưởng tâm huyết của nhà khoa học có nhiều nghiên cứu về địa phương Tiền Giang cũng cần được chúng ta tiếp tục suy nghĩ. Tin rằng với sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực của các chuyên gia ngành Nông nghiệp cùng các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã cùng chung tay vào cuộc, mục tiêu khôi phục và phát triển cây vú sữa Lò Rèn chắc chắn sẽ đạt kết quả trong một ngày không xa.

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.