Thứ Hai, 15/05/2017, 07:47 (GMT+7)
.
Hội chợ Đồ gỗ, làng nghề và Thương mại - Tiền Giang lần thứ I năm 2017:

Đa dạng đồ gỗ, nghèo nàn sản phẩm làng nghề

Sau 9 ngày diễn ra, Hội chợ Đồ gỗ, làng nghề và Thương mại - Tiền Giang lần thứ I năm 2017 đã chính thức khép lại. Hội chợ ghi nhận sự "lên ngôi" của đồ gỗ, khi các sản phẩm của mặt hàng này luôn được sự quan tâm của nhiều khách tham quan.

* Đa dạng đồ gỗ

Hội chợ Đồ gỗ, làng nghề và Thương mại - Tiền Giang lần thứ I năm 2017 có quy mô lên đến 240 gian hàng của 130 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Trong đó, có 18 doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh đồ gỗ đến từ các tỉnh như: Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… tham gia trưng bày, kinh doanh tại hội chợ.

sự đa dạng của các sản phẩm đồ gỗ tại hội chợ đã gây ấn tượng và sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: Hữu Nghị
Sự đa dạng của các sản phẩm đồ gỗ tại hội chợ đã gây ấn tượng và sự quan tâm của nhiều người.

Các sản phẩm đồ gỗ trưng bày chủ yếu sản xuất trong nước, đa dạng chủng loại gồm tủ, bàn, ghế, giường, sa lon, tượng, bình hoa, tranh gỗ… được làm bằng gỗ tự nhiên của các loại cây căm xe, xoan đào, sến, hương. Tùy vào chất liệu gỗ và kích cỡ, các sản phẩm tủ, bàn, ghế, giường, sa lon có giá bán từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng/sản phẩm. Mặc dù có giá bán khá cao nhưng sự đa dạng của các mặt hàng đồ gỗ đã gây được ấn tượng và thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Chị Tuyết Thu (ở phường 8, TP. Mỹ Tho) vừa chọn mua xong ba bức tượng được điêu khắc từ gỗ với giá 40 triệu đồng ở gian hàng đồ gỗ mỹ nghệ My Hiếu tại hội chợ cho biết, các sản phẩm đồ gỗ được trưng bày, buôn bán tại hội chợ khá đa dạng, phong phú về chủng loại. Đa số đồ gỗ được làm từ các loại cây gỗ quý và giá cả cũng khá hợp lý. “Nếu khu trưng bày đồ gỗ mỹ nghệ làm tôi thích thú với những sản phẩm độc đáo, đa dạng được thể hiện từ tay nghề khéo léo của những nghệ nhân thì khu đồ gỗ thu hút bởi sự hòa hợp tinh tế giữa hiện đại và truyền thống” - chị Thu chia sẻ

khách hàng tham quan, chiêm ngưỡng các sản phẩm đồ gỗ tại hội chợ. Ảnh: Hữu Nghị

Khách hàng tham quan, chiêm ngưỡng các sản phẩm đồ gỗ tại hội chợ.

Theo nhiều doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức sản xuất sản phẩm đồ gỗ, tham gia Hội chợ Đồ gỗ, làng nghề và Thương mại - Tiền Giang lần thứ I năm 2017 là dịp để thiết lập và mở rộng cơ hội giao thương. Trong những ngày hội chợ diễn ra, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ cũng nhận được các đơn đặt hàng từ nhiều khách hàng của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận.

Ông Lê Xuân Bằng, chủ cơ sở Đồ gỗ mỹ nghệ My Hiếu (ở tỉnh Gia Lai) tham gia trưng bày, buôn bán các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tại hội chợ cho biết: “Đây là lần đầu tiên cơ sở tham gia một kỳ hội chợ tại Tiền Giang với mong muốn tìm hiểu và mở rộng kênh tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long chứ không đặt nặng mục tiêu về lợi nhuận. Tuy nhiên, trong những ngày tham gia hội chợ, cở sở cũng bán được khá nhiều hàng và nhận được khoảng 4 đơn đặt hàng của các khách hàng ở TP. Mỹ Tho hay các tỉnh lân cận”.

* Chưa có nhiều sản phẩm làng nghề

Đó là phản ánh của nhiều người khi đến tham quan, mua sắm tại Hội chợ Đồ gỗ, làng nghề và Thương mại - Tiền Giang lần thứ I năm 2017. Theo như tên gọi của hội chợ hay thông tin quảng bá, giới thiệu về hội chợ cũng như của Ban Tổ chức, ngoài việc trưng bày, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ, thương mại, hội chợ còn tập trung vào các sản phẩm làng nghề.

Hội chợ còn được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các tỉnh, thành và các làng nghề giới thiệu, kết nối giao thương, tìm đầu ra cho các sản phẩm làng nghề. Nhưng đã có không ít người phải thất vọng khi đến hội chợ mà không tìm thấy được nhiều sản phẩm của các làng nghề..

Rất ít các sản phẩm làng nghề của tỉnh Tiền Giang trưng bày tại hội chợ. Ảnh: Hữu Nghị
Rất ít các sản phẩm làng nghề của tỉnh Tiền Giang trưng bày tại hội chợ.

Thực tế, tại hội chợ, chỉ có một số ít cơ sở của các làng nghề ngoài tỉnh tham gia trưng bày và buôn bán như: Cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Kim Thoa của làng nghề Mỹ Nghiệp (tỉnh Ninh Thuận), cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi của làng nghề Tịnh Biên (tỉnh An Giang)…

Còn tỉnh Tiền Giang có đến khoảng 15 làng nghề nhưng tham gia trưng bày tại hội chợ chỉ một gian hàng chung, với sản phẩm rất nghèo nàn như: Tủ thờ, nón bàng buông, các loại bánh tráng phồng sữa, bánh kẹo, chiếu, đệm cùng một loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, bưởi da xanh, cam sành… Được biết, tất cả các sản phẩm làng nghề của Tiền Giang đều do Ban Tổ chức hội chợ bỏ kinh phí mua về rồi tự trưng bày ở gian hàng chung này, chứ không có bất cứ cơ sở hay doanh nghiệp nào ở các làng nghề của tỉnh đăng ký tham gia.

Chỉ có duy nhất cơ sở mộc Hai Á của làng nghề truyền thống Tủ thờ Gò Công mạnh dạn mang sản phẩm tủ thờ đến trưng bày và bán tại hội chợ. Sau 9 ngày tham gia hội chợ, cơ sở mộc này đã bán hơn 5 sản phẩm tủ thờ các loại và cũng nhận được đơn đặt hàng của nhiều khách hàng. Kết quả này đã hoàn toàn khác hẳn với quan niệm của nhiều cơ sở hay doanh nghiệp ở các làng nghề của tỉnh là tham gia hội chợ là phải bán được hàng, chứ  chưa coi đây là cơ hội giới thiệu sản phẩm, học hỏi và mở ra cơ hội làm ăn, vì thế không mặn mà tham gia.

Tủ thờ cơ sở mộc Hai Á của làng nghề tủ thờ Gò Công trưng bay tại hội chợ luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: Hữu Nghị
Tủ thờ cơ sở mộc Hai Á của làng nghề tủ thờ Gò Công trưng bay tại hội chợ luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Riêng khu gian hàng thương mại của hội chợ quy tụ khoảng trên 100 gian hàng. Hàng hóa trưng bày và kinh doanh chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Quần áo, giày dép, đồ điện, đồ gia dụng… Mặc dù không có nhiều sản phẩm mới nhưng khu gian hàng thương mại của hội chợ cũng đã đáp ứng tương đối nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.